Phải mấy lần hẹn, tôi mới gặp được nghệ nhân quan họ Nguyễn Thị Huệ. Ở tuổi ngoại ngũ tuần nhưng mọi người vẫn quen gọi là chị hai Huệ. Giọng ca ấy đã qua mấy mươi xuân vẫn vang, rền, nền, nẩy, gặp bạn hiền là cất lên câu quan họ thắm đượm nghĩa tình.
Trong gian nhà chứa quan họ làng Ngang Nội, tiếng hát bỗng vang lên. Trên gương mặt nghệ nhân, nụ cười tỏa rạng. Dường như say trong câu hát, bao nhọc nhằn cũng vơi đi. Chốn thôn quê để vui hát với bạn bè, chị hai Huệ cũng phải lo chu toàn việc nhà cửa, ruộng vườn, đôi bàn tay của người phụ nữ qua bao nắng mưa cấy lúa, trồng màu trở nên chai sần. Ngày thì lao động vất vả nhưng tối đến chị em lại hẹn nhau ngân nga câu quan họ. Tiếng hát cứ thế ngấm vào mạch máu, hơi thở, trở thành nguồn sống chảy mãi trong tâm hồn chị Huệ.
 |
Nghệ nhân Nguyễn Thị Huệ (bên phải) cùng liền chị dự canh hát ở làng quan họ cổ Ngang Nội. |
Cũng nhờ duyên may khi chị Huệ sinh trưởng trong gia đình có truyền thống hát quan họ. Bố chị là Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đức Nhuận, mẹ chị là nghệ nhân Nguyễn Thị Bướm. Từ nhỏ cô bé Huệ đã được bố mẹ truyền dạy những câu ca đầu tiên. Thế rồi những canh hát tại gia, bé Huệ chăm chú ngồi nghe liền anh, liền chị hát đối đáp để rồi nhẩm thuộc từng câu, hiểu lề lối của người quan họ. Lưng vốn câu hát từ đó dày thêm. Cho đến khi tuổi xuân đương nồng, chị Huệ sắm nón thúng quai thao, chít khăn mỏ quạ để cùng các liền anh, liền chị vui hội. Tiếng hát theo gió bay xa từ hội xuân tới những canh hát nhà bằng hữu và sang cả các làng kết chạ.
Làng Ngang Nội có truyền thống hát quan họ và hát chèo. Thế nên ca câu quan họ có pha âm hưởng của chèo mà hát chèo lại hòa giai điệu quan họ. Chính điều đó tạo nên nét độc đáo trong giọng hát của người Ngang Nội. Chị hai Huệ tâm sự: “Nhờ truyền thống quê hương, nhờ đặc điểm vùng miền thế nên mẹ dạy con, bà dạy cháu cứ cất giọng là hát, ra đúng chất quan họ”. Gia đình chị hiện nay bố mẹ tuổi đã ngoại bát tuần nhưng giọng hát vẫn còn ấm và vang, đến chị thuộc làu làu mấy trăm câu quan họ cổ. Kế đến là cô con gái Nguyễn Thị Thu Thảo tuy lấy chồng xa nhưng vẫn yêu và say hát quan họ. Chị hai Huệ có thể hát đôi với mẹ mình hoặc với con gái. Những lúc rảnh rang tiếng hát cứ thế vang lên giữa gian nhà.
Với mong muốn gìn giữ câu ca quan họ, được sự đồng thuận của chính quyền địa phương, Câu lạc bộ quan họ làng Ngang Nội được thành lập. Những ngày đầu Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đức Nhuận truyền dạy câu hát cho các thành viên là người trong làng tham gia. Khi ông Nhuận tuổi cao, chị Huệ là người kế tục bố đảm nhiệm việc dạy hát. Với vai trò là Phó chủ nhiệm câu lạc bộ, chị duy trì đều đặn sinh hoạt hát quan họ vào dịp cuối tuần. Công việc dù bận đến mấy thì mọi người vẫn cố gắng hằng tuần sắp xếp tham gia đều đặn. Mỗi khi sưu tầm được câu quan họ cổ từ các nghệ nhân ở làng khác, chị Huệ lại phổ biến cho mọi người cùng tập.
Thêm niềm vui khi lớp măng non trong làng cũng được các gia đình khuyến khích đến học hát quan họ. Không quản vất vả, chị Huệ đứng ra phụ trách việc dạy cho các em thiếu nhi. Vậy là trong gian nhà chứa quan họ, người già, trẻ nhỏ cùng nhau cất lên câu hát, niềm vui cứ thế lan tỏa. Không chút thù lao, nghệ nhân Nguyễn Thị Huệ miệt mài truyền dạy, coi đó là cách để quan họ được tiếp nối truyền lại cho thế hệ sau.
Bài và ảnh: THƯ NGỌC
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.