Với tình cảm nồng ấm của một liền anh quan họ, nghệ nhân Nguyễn Văn Đắc khởi đầu cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử bằng câu hát quan họ cổ trong bài “La rằng”. Trong suốt buổi trò chuyện, ông tâm sự về tình yêu và niềm đam mê với di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
 |
Nghệ nhân Nguyễn Văn Đắc hát quan họ cùng một liền chị. |
Phóng viên (PV): Cơ duyên nào đã đưa ông đến với quan họ?
Nghệ nhân Nguyễn Văn Đắc: Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất nơi có quan họ cổ. Từ nhỏ, tôi đã tập hát quan họ cùng anh chị em, bạn bè, rồi say mê quan họ từ khi nào chẳng biết. Lớn lên, tôi đi giao lưu quan họ nhiều nơi. Ở mỗi nơi, tôi lại gặp những người bạn mới, được học hỏi thêm nhiều về dân ca quan họ. Tôi gắn bó với những câu hát từ khi chưa tròn 10 tuổi, đến nay hàng ngày tôi vẫn hát quan họ, vẫn luôn tìm tòi, học hỏi để hát hay hơn.
Tôi thường cùng những liền anh, liền chị hát quan họ suốt cả đêm. Khi mới kết giao với các liền chị quan họ làng bạn, chúng tôi mặc áo the, khăn xếp, mang theo cơi trầu nén hương đến đình làng bên để hát quan họ. Ngày xưa, lúc chưa có phương tiện đi lại thuận lợi như bây giờ, chúng tôi thường đi bộ đến các làng lân cận để giao lưu hát quan họ. Khi có hội hay có lời mời, dù đang làm gì, tôi cũng sắp xếp lại công việc để đi theo tiếng gọi của những canh hát. Khi mời bạn hát đến nhà, chúng tôi chuẩn bị cỗ tiếp đón trang trọng, thể hiện tình cảm khăng khít gắn bó giữa các liền anh liền chị.
PV: Dưới con mắt của một nghệ nhân hát quan họ lâu năm, xin ông cho biết những yếu tố nào để hát quan họ hay?
Nghệ nhân Nguyễn Văn Đắc: Giọng hát quan họ hay phải được tập luyện chỉn chu và nghiêm túc. Để đạt được 4 tiêu chí: Vang, rền, nền, nảy, điều đầu tiên là cần phải có tiếng vang. Giọng hát tốt không có nghĩa là khi hát phải hét to lên mà giọng phải vang nhưng vẫn có độ rền nhất định. Bên cạnh đó, lời hát quan họ cũng cần có sự dịu dàng, thiết tha để tạo độ nền lắng đọng, đi vào lòng người. Người hát quan họ cần biết hát đối đáp sao cho hợp tình, hợp lý. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải có lòng say mê đối với quan họ và không ngừng tìm tòi và luyện tập, rèn luyện.
 |
Nghệ nhân Nguyễn Văn Đắc (thứ 3 từ trái sang) và các thành viên trong Câu lạc bộ quan họ Duệ Đông. |
PV: Ông đã làm gì để truyền lại nét duyên quan họ cho đời sau?
Nghệ nhân Nguyễn Văn Đắc: Tôi cùng ông Nguyễn Thừa Kế đã thành lập câu lạc bộ quan họ xã Duệ Đông làm sân chơi thu hút những người yêu quan họ tham gia và là còn là nơi đào tạo những người có nhu cầu học hát quan họ. Hơn 80 năm gắn bó với những câu hát dân ca, tôi đã truyền lại tình yêu quan họ của mình cho rất nhiều lứa học sinh, từ già đến trẻ. Không chỉ dạy hát, tôi còn nhắc nhớ cho học sinh của mình về lễ nghĩa. Bản thân tôi tâm niệm người hát quan họ thì lời ăn tiếng nói phải đàng hoàng, lịch thiệp. Trước khi hát phải có lời thưa gửi, trọng nghĩa tình thiết tha.
PV: Được biết, ông và nghệ nhân Nguyễn Thừa Kế là những người đứng ra thành lập Câu lạc bộ quan họ Duệ Đông. Xin ông cho biết hoạt động của câu lạc bộ hiện tại ra sao?
Nghệ nhân Nguyễn Văn Đắc: Năm 1992, khi nhận thấy phong trào hát quan họ có vẻ lắng xuống, tôi cùng nghệ nhân Nguyễn Thừa Kế đã tập hợp mọi người để thành lập Câu lạc bộ quan họ Duệ Đông. Trải qua nhiều lớp thành viên, câu lạc bộ hiện có 40 người. Câu lạc bộ vẫn được duy trì và sinh hoạt đều đặn. Khoảng 7 ngày một lần hoặc những có lịch cố định trước, các thành viên ngồi lại với nhau để tập hát, bàn bạc công việc chuẩn bị cho các lễ hội, các cuộc thi hát và còn dạy hát cho mọi người. Đặc biệt sắp đến ngày diễn ra hội Lim, câu lạc bộ sẽ có những liền anh liền chị đi hát ở hội. Vào tối ngày 12,13-1 (Âm lịch), tại nhà một số thành viên trong câu lạc bộ sẽ tổ chức những canh hát quan họ cổ thâu đêm. Đây là dịp để các liền anh liền chị giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và hát giao duyên.
PV: Ông có nghĩ rằng quan họ cổ sẽ bị mai một?
Nghệ nhân Nguyễn Văn Đắc: Ngày nay một bộ phận thanh niên thích những dòng nhạc sôi động hơn là những làn điệu dân ca truyền thống. Tuy nhiên vẫn có những người đặc biệt đam mê với dân ca quan họ, chúng tôi vẫn luôn từng ngày truyền lửa cho lớp con cháu về sau để duy trì và phát triển Quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
PV: Cảm ơn nghệ nhân Nguyễn Văn Đắc về cuộc trò chuyện này!
THẢO MY (thực hiện)