Từ sáng sớm những bước chân đã rậm rịch, những tiếng còi xe đã hối hả dồn về thôn Bắc Sen để dự chợ tình Xuân Dương (25-3 âm lịch). Sự háo hức, ngóng trông dường như đã ấp ủ từ lâu lắm, những người già, người trẻ, nam thanh nữ tú gặp lại nhau tay bắt mặt mừng, những người mới quen còn vương sự e dè trên đôi mắt. Chợ tình không chỉ bán-mua mà hơn hết là sự kết giao, hò hẹn, gặp gỡ, hoài niệm, là tình người, tình đời, tất thảy làm nên tình chợ.
Chợ tình, còn thương đến mai sau
Huyền sử dân gian kể rằng, ở thôn Bắc Sen, xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn xưa kia có hai vợ chồng thương yêu nhau đắm đuối. Vào một ngày, vợ chồng cùng nhau ra đồng, chồng thì cuốc ở cuối ruộng, vợ phát cỏ nơi đầu ruộng. Khi làm đã thấm mệt, người chồng gọi vợ về thì đáp lại chỉ là tiếng vọng của rừng núi. Người chồng chạy tới đầu ruộng chỉ thấy cán dao gãy, cỏ cây nát, chứng tích của một cuộc vật lộn, xô đẩy. Mãi sau, chàng mới hay người vợ của mình đã bị bắt đi, nàng đã chống trả, kêu cứu nhưng vì ruộng dài quá nên chàng không nghe thấy để đến cứu vợ. Biết chuyện, dân làng ai cũng tỏ lòng thương. Thửa ruộng của vợ chồng nhà nọ được gọi là ruộng dài. Sau này, gặp lại chồng cũ, nàng mừng mừng tủi tủi, nhưng cũng chỉ biết ôm nhau khóc chứ không thể hàn gắn lại tình xưa vì mỗi người đều đã yên bề gia thất. Dân làng cảm động nên đồng ý để hai vợ chồng cũ có một ngày ôn lại chuyện xưa, đó là ngày 25-3 âm lịch. Từ đó, hằng năm cứ vào ngày này nam nữ trong vùng, những người lỡ duyên được gặp nhau, ôn lại tình cũ.
Khi lúa chuẩn bị trổ đòng, những vạt dong riềng lên xanh tốt là lúc người nông dân có thể yên tâm gác lại nông cụ để đi chợ tình. Từng tốp người, từng đoàn xe máy, ô tô từ muôn ngả đổ về, người trong xã, trong huyện nô nức rủ nhau đi chợ, người từ thành phố vào, người từ Chợ Mới lên, từ Ba Bể, Ngân Sơn, Chợ Đồn sang. Những người ở tỉnh lân cận cũng đến đây với nhiều háo hức, mong chờ. Các bà, các cô, các chị người Tày, Nùng mặc quần áo chàm, cổ đeo vòng bạc, đầu vấn khăn, bên hông đeo túi nải thêu hoa văn xinh xắn, các cô gái Mông mặc váy truyền thống, chân đeo xà cạp, đầu vấn khăn tỉ mỉ, thiếu nữ người Dao đỏ mặc áo trang trí bông đỏ rực rỡ. Vẻ đẹp lộng lẫy, kiêu sa trên váy áo cuốn hút bao nhiêu thì ánh mắt ngời lên niềm vui của những người đi chợ càng rộn ràng bấy nhiêu. Tiếng cười, tiếng nói, tiếng rượu khà, tiếng hát Then, Sli, Lượn đan vào nhau. Trong sự nhộn nhịp, náo nức đó có những đôi mắt kiếm tìm, phấp phỏng chờ cuộc hạnh ngộ sau vài năm chợ tình tạm dừng tổ chức vì dịch Covid-19.
Anh Lăng Văn Quảng từ huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn đến chợ từ sớm, hãnh diện khoác bộ quần áo chàm của dân tộc Nùng với mong muốn góp một chút sắc màu truyền thống vào hội, anh mong muốn gặp lại những người bạn cũ để nói chuyện, chia sẻ về cuộc sống gia đình, làm ăn. Còn với chị Nông Thị Yêu ở Đổng Xá, dù đã nhiều lần tham gia chợ tình nhưng theo cảm nhận của chị, chợ tình năm nay đẹp và đông vui nhất. Đến với chợ tình, chị mang theo cây đàn tính để biểu diễn hát Then cùng câu lạc bộ trên sân khấu.
Vui với bán-mua
Hòa vào dòng người ngược xuôi, ngắm nhìn thật gần những sản phẩm của người con quê hương xứ “chợ tình” làm ra. Cảm nhận mùi thơm từ thảo dược của núi rừng, vị thơm ngậy của thịt lợn quay phía góc chợ, những sản vật như miến dong, bánh quẩy, bánh khảo, xôi ngũ sắc, lạp sườn gừng đá... thơm ngon bày trên quầy hàng đầy gọi mời. Chợ tình, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, song cũng khẳng định sự vươn mình mạnh mẽ nền kinh tế mới ở miền núi. Người nông dân năng động, sáng tạo chuyển những sản phẩm từ tự cung, tự cấp sang hàng hóa, sang những mô hình đa thu nhập. Mỗi nơi mang đến một vài sản phẩm của vùng quê, giới thiệu và quảng bá. Những sản phẩm nông sản được OCOP công nhận đạt 3 sao, 4 sao do chính bàn tay người nông dân trong xã, trong huyện sản xuất và đóng gói với bao bì đẹp mắt, thu hút khách tham quan, mua sắm.
Mê mẩn ngắm nghía những chiếc mũ thổ cẩm xinh xắn, màu sắc bắt mắt, hài hòa từ đôi tay khéo léo, tỉ mỉ thêu thùa của các cô, các chị, thích thú ngắm những trái bí xanh thơm đầu mùa, trái bưởi ngọt mọng nước, mùi rượu men lá được rót ra mời khách thơm lừng, tất cả tạo nên hương vị của buổi chợ xứ núi đậm đà bản sắc. Không gian chợ mà gần gũi lạ lùng, đi đến đâu cũng gặp nụ cười thân thiện, lời mời chào cũng dễ thương, dễ mến. Ấy là tình người, tình núi chứ đâu.
Câu Sli níu lòng người gần lại
Nhiều người sinh ra và lớn lên ở Xuân Dương, dựng vợ gả chồng cũng là người trong xã, họ sinh sống, làm ăn ở mảnh đất cha ông cố thổ, mạch nguồn văn hóa chảy dạt dào trong huyết quản, họ coi hát Sli là hình thức giao tiếp ý nhị, tinh tế, là câu hát giao duyên mà các cặp đôi nam nữ khéo léo trao nhau, là niềm vui và cũng là kho báu tinh thần, truyền từ năm này qua năm khác, đời này qua đời khác. Tôi nghe những câu Sli mềm mượt, nhìn những đôi mắt hiền hòa mà say thêm câu hát. Bên bến sông Bắc Sen, những câu Sli theo dòng nước chảy qua mùa màng, thấm đẫm nhịp điệu quê hương. Ngày xưa, cha ông gửi gắm ý nghĩ, tình cảm, ước mong qua câu Sli, người đáp lại sao cho khéo léo, lịch sự, có văn hóa, cách giao tiếp đầy tính nhân văn ấy ngày nay vẫn được sử dụng nhưng đang dần hiếm hoi. Chỉ đợi đến ngày hội, ngày chợ tình mới thỏa lòng mong mỏi được nghe lại.
Đất trời tháng Ba xanh nương lúa, nương ngô, màu xanh mơn man cỏ mọc đôi bờ, những câu Sli ngân dài, vang vọng khắp lòng thung. Tôi nghe thấy được qua đôi tai và cả trong nhịp đập tim mình. Những người đàn ông, đàn bà hát Sli bên bến sông, còn mấy ai hiểu, ai nghe? Tưởng chừng chỉ có những người già, trung niên mới biết hát Sli, hiểu Sli nhưng nét di sản văn hóa này không dễ gì mai một khi những người cao tuổi trong bản vẫn đau đáu tìm cách truyền lại điệu hát cho lớp trẻ, con cháu. Tôi bất ngờ và thích thú khi được nghe các em nhỏ cất lời Sli một cách tự nhiên, hào hứng. Em Nông Đại Hiệp, 9 tuổi, ở thôn Thôm Chản, xã Xuân Dương được thừa hưởng niềm say mê hát Sli từ ông nội là nghệ nhân Nông Văn Hồ. Hiệp cùng các bạn không ngần ngại đứng trước đông người hát gửi gắm những lời chúc tốt đẹp cho nhau. Ước mơ của Đại Hiệp với mong muốn lớn lên hát thật nhiều làn điệu Sli, Lượn của quê hương như ông nội.
Những cặp đôi hát Sli giao duyên, chào hỏi, câu Sli cứ ngân nga, lôi cuốn, những xáo động, náo nhiệt xung quanh dần lắng lại, trên những ngôi lán tập trung của các thôn, xã, người gác micro ngừng hát karaoke, người đặt chén rượu xuống, mắt trầm ngâm hướng về phía câu hát. Có thể, trong số đó có người đang hồi ức, có người đang ngóng trông, có người vui, người say, dù bằng lòng hay tiếc nuối thì câu chuyện cũng đã qua, chỉ còn câu Sli vang bên dòng nước êm ả.
Chợ tình Xuân Dương năm nay diễn ra đúng dịp cuối tuần, bởi thế dòng người cứ tấp nập đến, muốn níu lại thật lâu trong không khí ấy, chẳng muốn rời. Tiếng cổ vũ nhiệt thành cuộc giao lưu thể thao các xã, tiếng lày cỏ không quan trọng thắng bại, tiếng hát ngất ngây đêm lửa trại, họ gửi gắm những ước vọng tốt lành cho nhau và cho riêng mình bên ấm nồng củi lửa. Đến với chợ tình Xuân Dương, để xem chợ tình và hòa vào cái tình mộc mạc, chân chất, để thấy nét văn hóa đẹp đẽ từ hàng trăm năm trước cha ông truyền lại. Khi đã đến chợ tình Xuân Dương, dù có đi đâu, về đâu cũng chẳng bao giờ quên được, cái tình ấy không đơn thuần là tình yêu đôi lứa mà còn là tình người, tình yêu đến muôn đời của những người con xứ núi dành cho nhau.
Ghi chép của HƯƠNG LY