Đã có nhiều lời cảnh báo về tình trạng xuống cấp đáng lo ngại của văn hoá đọc trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên hiện nay. Người ta lý giải và đổ lỗi cho các thành tựu kỹ thuật của xã hội công nghiệp, rằng chính những phương tiện nghe-nhìn: Internet, truyền hình, báo điện tử, băng đĩa ghi hình... là thủ phạm chính. Lại nữa, xã hội công nghiệp với một cường độ làm việc siêu tốc độc chiếm hầu hết thời gian của giới trẻ. Và, sự mới lạ, kỳ thú của nhiều loại hình vui chơi giải trí do đời sống vật chất ngày càng cao mang lại, đã làm cho giới trẻ không thể cưỡng lại. Cạnh đó, một bộ phận không nhỏ tận dụng thời gian nhàn rỗi lao vào cuộc chiến làm giàu. Thế là sự đọc đối với họ chỉ như một thứ trò xa xỉ, không liên quan gì đến cuộc sống hằng ngày, văn hoá đọc vì thế ngày càng bị thờ ơ, ghẻ lạnh…
Thật ra, những lý do trên chỉ là lời bào chữa bên ngoài cho sự xuống cấp của văn hóa đọc. Ai cũng biết, cho dù một xã hội phát triển đến đâu, các phương tiện nghe-nhìn thống lĩnh, tân kỳ thế nào cũng không thể và không bao giờ thay thế được văn hóa đọc, nếu không nói rằng, một xã hội văn minh là một xã hội đọc, càng văn minh thì sự đọc càng phổ cập nâng cao. Vì sao vậy? Vì đọc là báu vật "trời cho". Nhờ có đọc mà chúng ta ngày nay biết đến việc của người xưa ngàn năm trước. Nhờ có đọc mà kinh nghiệm tầng tầng, lớp lớp cho ta chắt ra cái hay, cái thiện, chối gạt cái xấu, cái hèn. Nhờ có đọc mà tinh hoa kết tụ, ươm mầm nở sinh sáng tạo ngày này, ngày khác, không ngừng. Nhờ có đọc nên mới biết, mới chia sẻ, cảm thông và hoàn thiện vv và vv.. Cái sự đọc hàm chứa rộng sâu nghĩa lý của cõi người mà thiếu nó con người trở nên ấu trĩ u mê thì sao lại đổ lỗi cho kỹ thuật. Suy đến cùng, những thành tựu của kỹ thuật nghe-nhìn cũng do kết tinh văn hóa, do đọc mà ra. Không đọc lấy đâu tinh hoa tri thức... Vì vậy cái sự đọc xuống cấp ở giới trẻ nguyên nhân sâu xa phải là do người lớn, do gia đình, nhà trường và xã hội...
Mỗi người sinh ra tự nhiên đã hiếu kỳ, ưa thích khám phá hiểu biết. Nếu chúng ta dồn ép giới trẻ học "quên chết" để được điểm cao, để mọi giá vào đại học, ra trường chí mạng kiếm tiền, thì lập tức năng khiếu đọc sẽ rụi dần. Khi đó khả năng sáng tạo bó hẹp, tính tự lập giảm sút, giới trẻ chỉ còn biết thụ động học vẹt, học theo mẫu, học thi lấy điểm. Và như thế hậu quả sẽ là khôn lường trong đời sống tinh thần.
Nói đến đọc cũng có nhiều quy nhiều cách, có loại đọc chơi và có loại đọc thật. Một biên tập viên ở nhà xuất bản nói rằng, những cuốn sách viết về các mối tình éo le, truyện trinh thám, hình sự, tâm lý đàn ông, đàn bà, sách dạy trang điểm, yêu đương... bán chạy; ngược lại, "Đại Việt sử ký toàn thư" hay mới đây nhất, cuốn sách dịch "Hành trình, trưởng thành đích thực" được coi là loại "best seller" trên thế giới, thì rất ít người mua. Nhà xuất bản Đà Nẵng in cuốn "Phan Châu Trinh toàn tập" coi đây là di sản văn hoá trong kho tàng văn hiến chung của dân tộc. Bộ sách đồ sộ này in ra đã gần năm, nghe đâu đến nay mới chỉ bán được một bộ. Các loại sách nghiên cứu, lịch sử, văn học... thường ế ẩm trên giá sách. Như thế, phần đông giới trẻ thích đọc loại sách giải trí, ly kỳ ấy là chưa kể rất nhiều bạn đọc không đọc gì, nếu có thì đọc theo mốt, nghe có cuốn sách nào "ầm lên" là vội mua, đọc qua loa vài trang rồi bỏ, như thế không thể coi là đọc.
Đọc sách là nhu cầu tự thân, không thể gò bó, bắt ép. Vì vậy nếu không say mê, không coi sự đọc như "cơm ăn nước uống", không coi đó là niềm đam mê để tìm hiểu, khám phá tri thức nhân loại thì có đọc cũng như chưa đọc. Có người bảo: Phàm không đọc thì đã chết ai! Ấy là nói cùn, nói xằng. Đời sống văn minh tinh thần của một dân tộc chính nhờ vào sự đọc mà thành. Không đọc hoặc chỉ đọc chơi chơi qua chuyện là một tai họa, có thể thế chăng?
TRẦN ANH THÁI