Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia đến nay đã qua 15 kỳ tổ chức, với 2.350 tác phẩm tham gia dự thi. Tổng số giải thưởng đã trao gồm: 1 Giải thưởng Lớn, 26 giải Nhất, 120 giải Nhì, 247 giải Ba, hơn 200 giải Khuyến khích… Năm 2023, cuộc thi đã thu hút 226 bài dự thi. Đây là số lượng bài dự thi lớn nhất trong nhiều năm vừa qua.

Điều khác biệt, năm nay có sự tham gia dự thi của các tác giả ở nước ngoài. Mặt khác, cuộc thi thu hút được rất nhiều tác phẩm của các tác giả trẻ tham gia. Đây là tín hiệu tích cực, thể hiện đúng đường lối của Đảng và Nhà nước; khuyến khích thế hệ trẻ tập trung trí tuệ và chất xám chung tay phát triển đất nước.

Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm nay cũng được lan tỏa sâu rộng hơn trong kết nối cộng đồng, thể hiện sự trưởng thành của những người làm nghề ngày càng gần gũi và thực tiễn hơn. Ngoài ra, cơ chế thị trường hiện nay cũng thúc đẩy các kiến trúc sư đi sâu vào đời sống, nhạy bén tiếp cận hơi thở mới, hiện đại. Vì vậy, cơ hội tiếp cận làm nghề tốt hơn những giai đoạn trước đây. Sự tự tin, dám dấn thân và tài năng của thế hệ trẻ ngày nay cũng là một yếu tố cần trân trọng và ghi nhận.

leftcenterrightdel
Ông Đặng Kim Khôi, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam. 

Ông Đặng Kim Khôi, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ: “Có 4 tiêu chí chính để đánh giá và xếp hạng các bài dự thi là: Ý tưởng thiết kế phải mới, sáng tạo theo chiều hướng tiên tiến hiện đại; chú trọng bản sắc, bản địa, ý nghĩa văn hóa xã hội; khuyến khích sáng tạo theo tiêu chí “Kiến trúc xanh” của Việt Nam và thế giới; các tác phẩm có tính chất lan tỏa cộng đồng góp phần định hướng cho kiến trúc Việt Nam. Đặc biệt, yếu tố mới và sáng tạo vẫn được đặt lên trên hết. Các tiêu chí này sẽ được áp dụng vào tất cả đồ án”.

Được biết, Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm nay đề cao yếu tố “Kiến trúc xanh”. Theo một số ý kiến của các kiến trúc sư nhận định, đây là kim chỉ nam, định hướng quá trình hành nghề thiết kế trong bối cảnh xã hội hiện nay. Tiến trình này dễ dàng nhận biết qua việc trang trí không gian thêm xanh như: Trồng cây trong nhà, đặt bồn hoa trên ban công, phủ xanh bề mặt tường, phủ xanh mái nhà… cùng với đó, còn ý kiến mong muốn hội kiến trúc sư sẽ đề xuất các chính sách vĩ mô trong quy hoạch sử dụng đất, nhằm xanh hóa đô thị, xanh hóa đất nước tươi đẹp, thay vì những công trình nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, cuộc thi còn nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của kiến trúc sư trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, con người Việt Nam. Hội đồng chung khảo cuộc thi và thí sinh dự thi đều nhận định đây là việc làm cấp thiết trong quá trình sáng tác thiết kế, nhằm khai thác vẻ đẹp, tính độc đáo trong bản sắc văn hóa của nước ta. Ngoài ra, còn có ý kiến cho rằng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia có thể thêm hạng mục nhìn lại công trình đạt giải sau nhiều năm để thấy hiệu quả sử dụng cũng như tính bền vững của công trình.

Sau nhiều vòng chọn lọc đánh giá, Hội Kiến trúc sư Việt Nam quyết định trao giải thưởng năm 2023 gồm: 5 giải vàng (3 giải Kiến trúc công cộng, 1 giải Kiến trúc cảnh quan - thiết kế đô thị, 1 giải Quy hoạch đô thị); 18 giải bạc; 34 giải đồng. Ngoài ra, Hội đồng chung khảo còn trao thêm: 1 tác phẩm do cộng đồng bình chọn; 6 Giải “Vì sự phát triển kiến trúc” dành cho các chủ đầu tư các dự án có quy hoạch, thiết kế kiến trúc đạt giải cao, có khả năng lan tỏa tích cực đến xã hội và cộng đồng; 1 bằng khen tặng đơn vị đạt nhiều thành tích nhất tại kỳ giải này.

leftcenterrightdel

Trụ sở chính Viettel, tác phẩm đạt Giải Vàng Giải thưởng Kiến trúc Quốc Gia năm 2023. Ảnh do Hội Kiến trúc sư Việt Nam cung cấp

Cụ thể, 5 giải vàng thuộc về: Trụ sở chính Viettel (Công ty Gensler); Ngôi nhà Đức tại TP (KTS Meihard von Gerkan cùng cộng sự); Trung tâm gốm Bát Tràng (KTS Hoàng Thúc Hào và cộng sự); Thiết kế cảnh quan khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải Resort (KTS Bùi Thượng Quân, KTS Bùi Thị Bích Đào, KTS Lê Văn Hoàng, KTS Nguyễn Thị Phương Yến); Quy hoạch chung TP Sóc Trăng đến năm 2035, tầm nhìn 2050 (KTS Cao Thành Nghiệp và công sự).

Theo Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, TS, KTS Phan Đăng Sơn: “Điểm mới mẻ của Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm nay có ba nội dung chính. Một là: Không có giới hạn chủ đề ưu tiên như các kỳ trước. Hai là: Thể loại tác phẩm năm nay cũng được chia ra 4 thể loại chính, sát thực tiễn hơn như: Kiến trúc công trình; kiến trúc nội, ngoại thất; kiến trúc cảnh quan - thiết kế đô thị; quy hoạch; nghiên cứu, lý luận, phê bình kiến trúc. Ba là: Kỳ giải thưởng năm nay cũng không còn sự phân biệt giữa tác phẩm kiến trúc sư quốc tế và Việt Nam”.

Ông Đặng Kim Khôi thông tin thêm với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử: “Kiến trúc phản ánh tình hình kinh tế - xã hội, khi có tiền mới nghĩ đến ăn ngon, mặc đẹp rồi làm nhà sang, nhà to, mới chú ý đến sự sáng tạo, thẩm mỹ, tiết kiệm năng lượng… Như vậy là đang có môi trường cho kiến trúc phát triển. Về xu hướng kiến trúc hiện nay đang hội nhập, cạnh tranh, cọ xát cũng như làm cùng kiến trúc quốc tế. Với xu hướng đó, kiến trúc Việt Nam rất tích cực giảm các công trình lệ cổ, thay vào đó là những công trình mới, hiện đại, chú trọng đến không gian. Trách nhiệm của hội đồng là phải chỉ ra và biểu dương những tác phẩm có chất lượng với cộng đồng và các chủ đầu tư khác. Đồng thời phê bình những kiến trúc sư làm ra sản phẩm đáng phê phán”.

Ông Đặng Kim Khôi cũng tiếc nuối: “Đáng tiếc nhất Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm nay, là tòa Trụ sở chính Viettel - Công ty Gensler (Thể loại A2: Kiến trúc công cộng), tuy được đề cử vào giải thưởng Lớn nhưng lại không đủ 2/3 số phiếu từ hội đồng bình chọn, nên chỉ nhận giải vàng - điều đó cho thấy một sự rất khắt khe, kỹ lưỡng trong quá trình chấm điểm. Do đó, năm nay không có tác phẩm nào đoạt giải thưởng Lớn trong Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2023”.

Nhìn chung, nét mới trong các tác phẩm tham gia dự giải năm nay ở mọi loại hình đều có sự tiến bộ rõ rệt về chất lượng, đa dạng về thể loại, nội dung, phong phú về hình thái… phản ánh sự phát triển theo hướng kết nối bản sắc hiện đại, hội nhập có hiệu quả của kiến trúc nước ta hiện nay.

Bài, ảnh: THÁI PHƯƠNG