Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội 40km về phía Tây, Tường Phiêu là một làng cổ nằm trong cái nôi của văn hóa xứ Đoài xưa, có hệ thống di tích được phân bố đậm đặc với đủ các loại hình như: Đình, đền, chùa, miếu,... Trong đó, đình Tường Phiêu là công trình văn hóa, tín ngưỡng tiêu biểu của nhân dân địa phương, được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt năm 2018.

Đình Tường Phiêu - “của để dành trong kho tàng văn hóa Việt. Ảnh: MẠNH CƯỜNG 

Theo thần phả và sắc phong còn lưu lại, trong một lần tuần du qua vùng núi Ngô Sơn, Đức Thánh Tản thấy làng Cả (nay là làng Tường Phiêu) nằm ở nơi hợp lưu bốn dòng nước, thường xuyên chịu cảnh lũ lụt tàn phá, ảnh hưởng đến mùa màng và cuộc sống của người dân. Ngài đã hướng dẫn dân làng đắp đê ngăn lũ, bảo vệ ruộng đồng, đồng thời truyền dạy cách đánh cá dập sào, giúp dân làng thu hoạch được nhiều tôm cá, đời sống khấm khá hơn. Sau này, để tưởng nhớ Ngài, dân làng Tường Phiêu đã dựng đình để phụng thờ.

Lễ hội mùa xuân là sự kiện đặc sắc và sôi động nhất trong 4 kỳ lễ tại đình Tường Phiêu. Ảnh: HẢI LY 

Cùng với dòng chảy tuần hoàn của trời đất “xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng”, hằng năm, đình làng Tường Phiêu tổ chức bốn kỳ lễ chính, gồm: Kỳ lễ hội mùa xuân (ngày 15 tháng Giêng), kỳ lễ Thánh hóa và thủ tục làm bánh giầy (ngày 14 tháng 5 Âm lịch), kỳ lễ Phong thần (ngày 15 tháng 8 Âm lịch) và kỳ lễ Chạp đình (ngày 15 tháng Chạp).

Trong đó, lễ hội mùa xuân là sự kiện đặc sắc và sôi động nhất với nghi thức tế thánh cùng chương trình nghệ thuật đặc sắc và các trò chơi dân gian. Đặc biệt, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, tại kỳ lễ này, làng sẽ tổ chức rước Tam vị Thánh Tản và Thành hoàng làng từ đình Tường Phiêu lên đền Ngo và ngược lại, để các Ngài thăm lại nơi đã tuần du, giúp dân đánh cá, trị thủy.

Rước Thánh đêm và đốt cây đình liệu là điểm độc đáo trong lễ hội truyền thống làng Tường Phiêu. Tục lệ này chỉ diễn ra vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Ảnh: MẠNH CƯỜNG 

Lễ hội truyền thống làng Tường Phiêu thu hút đông đảo du khách thập phương. Ảnh: HẢI LY 

Cụ Khuất Thị Khiêm (75 tuổi, tại xã Tích Lộc) phấn khởi: “Lễ hội hằng năm là dịp để con cháu tưởng nhớ tổ tiên, tri ân tiền nhân và gắn kết tình làng nghĩa xóm. Chúng tôi tự hào vì bao thế hệ vẫn gìn giữ được nét đẹp truyền thống này, để dù đi xa, ai cũng mong ngày hội mà trở về, dâng hương, dự lễ, vui hội”.

Lễ hội đình Tường Phiêu không chỉ là nét đẹp truyền thống mà còn là dịp để thế hệ trẻ như chúng tôi hiểu hơn về lịch sử, cội nguồn. Được tận mắt chứng kiến nghi lễ, hòa mình vào không khí hội làng, tôi càng thêm tự hào và ý thức trách nhiệm gìn giữ những giá trị văn hóa quý báu của quê hương”, bạn Nguyễn Khánh Linh (20 tuổi, xã Tích Lộc) tự hào.

Sáng 12-2, tại xã Tích Lộc (huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội), đã diễn ra Lễ đón Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và khai mạc Lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu năm 2025. 
Các đại biểu dâng hương tại đình Tường Phiêu. 
Ông Kiều Trọng Sỹ - Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ nhấn mạnh: “Việc lễ hội đình Tường Phiêu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là sự ghi nhận về giá trị lịch sử văn hóa mà còn là trách nhiệm lớn lao của Đảng bộ và chính quyền nhân dân huyện Phúc Thọ. Huyện Phúc Thọ sẽ tiếp tục quan tâm, lập quy hoạch tổng thể, tu bổ, tôn tạo đình Tường Phiêu, để bảo tồn giá trị của 1 di tích quốc gia đặc biệt”. 

Những năm gần đây, công tác tổ chức lễ hội đình Tường Phiêu và bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa tại địa phương luôn được Đảng bộ, chính quyền quan tâm. Bên cạnh tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, ban tổ chức cùng nhân dân còn treo băng rôn, khẩu hiệu khắp xã để lan tỏa ý nghĩa lễ hội. “Chúng tôi quyết tâm gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của lễ hội đình Tường Phiêu, để xứng đáng với danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND xã Tích Lộc khẳng định.

 

Để chuẩn bị cho chính hội vào ngày 15 âm lịch thì ngày 14, trai tráng làng Tường Phiêu sẽ thực hiện nghi thức rước Trúc từ đền Văn Chỉ về đình Tường Phiêu. Ảnh: MẠNH CƯỜNG 

Sáng sớm ngày 15 âm lịch sẽ diễn ra hội thổi cơm thi. Cơm của đội thắng cuộc sẽ được dâng lên tế Thánh.

Các công đoạn làm lễ vật dâng Thánh cùng các nghi thức tế lễ tại đình Tường Phiêu đều do các cụ ông đảm nhiệm. Ảnh: HẢI LY 

Chủ tế và các Quan viên tế áo mũ chỉnh tề, bắt đầu thực hiện các nghi thức tế Thánh. Ảnh: HẢI LY 

Nghi thức dâng rượu vào cung. Ảnh: HẢI LY

Lễ tế Thánh diễn ra trang nghiêm và thành kính trong tiếng nhạc đội bát âm trong thời gian 2-3 tiếng. Ảnh: HẢI LY 

Lễ hội đình Tường Phiêu không chỉ mang đậm dấu ấn truyền thống qua các nghi thức trang nghiêm mà còn rộn ràng với nhiều hoạt động văn hóa, giải trí. Du khách có thể thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc, tham gia các trò chơi dân gian như thổi cơm thi, kéo co, đánh đu, cờ tướng, đập niêu, bắt chạch trong chum… Bên cạnh đó, hành trình lễ hội còn đưa người dân và du khách đến với làng hoa cây cảnh, chùa Ngo, nơi không gian Tết xưa được tái hiện sinh động, gợi lên những ký ức thân thuộc về làng quê Việt.

 
Các tiết mục văn nghệ đặc sắc tại lễ hội. Ảnh: HẢI LY
 
 

Du khách thích thú khi tham gia các trò chơi dân gian. Ảnh: HẢI LY 

Lễ hội truyền thống làng Tường Phiêu là dịp để người dân thể hiện lòng tôn kính và biết ơn đối với tiền nhân. Trong không gian linh thiêng, người dân thành tâm dâng lễ, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, gia đình ấm no, hạnh phúc. Hơn cả một nghi lễ tín ngưỡng, lễ hội còn là sợi dây gắn kết các thế hệ, là dịp để những người con xa quê trở về nguồn cội, cùng nhau vun đắp nghĩa tình làng xã, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa quê hương.

HẢI LY (thực hiện)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.