Pháo đất là một trò chơi dân gian có lịch sử lâu đời, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, thể hiện tinh thần thượng võ của một dân tộc với hàng ngàn năm lịch sử... Xã hội hiện ngày càng phát triển, mặc dù lớp trẻ được tiếp xúc với nhiều trò chơi hiện đại, nhưng đấu pháo đất vẫn tồn tại ở một số vùng quê trên địa bàn tỉnh Hải Dương; và dù được tổ chức ở cấp nào vẫn luôn thu hút và gây hứng thú đặc biệt đối với người xem ở mọi lứa tuổi.

Mới đây, sau 2 năm phải tạm hoãn vì dịch Covid-19, tại thôn Phúc Lâm, xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, những màn gieo pháo đất truyền thống âm vang như sấm đã được 90 “pháo thủ” của thôn tạo ra để kỷ niệm ngày 30-4 và 1-5, thu hút hàng trăm lượt du khách đến reo hò, cổ vũ.

Tương truyền pháo đất ở Hải Dương có từ thời Hai Bà Trưng. Lúc ấy, khi giặc phương Bắc tới xâm lược, nữ tướng Lê Chân đã ra lệnh cho binh lính làm những quả pháo to bằng đất, gieo xuống để tạo ra những tiếng nổ lớn nhằm hù doạ kẻ thù. Và trò chơi cổ truyền pháo đất ra đời từ đó...

 

Pháo đất được nặn từ đất thịt, không lẫn tạp chất, có thể lấy ở các cánh đồng hoang, ruộng hoang hoặc đi mua. Sau khi lấy về, đất được lọc, nhồi, nặn theo bí quyết riêng của từng nơi để được loại đất vừa dẻo vừa mịn, không dính tay khi làm pháo. Ba người phụ trách một miếng đất nặn pháo, mỗi người làm một công việc khác nhau như dậm, nặn, vỗ đất để phần đất ở giữa trồi lên trước khi bắt đầu gieo. Đây là khâu rất quan trọng, yêu cầu người nặn phải dày dặn kinh nghiệm...

Tiếp đó, người nặn dùng dao cật tre rạch một đường xung quanh tạo rãnh ngăn giữa phần trung tâm và viền pháo rồi phủ một lớp đất mỏng lên.

 

Mõm pháo được rạch một đường dài khoảng 5cm để pháo bung ra khi gieo. Cuối cùng là đánh dấu xác định vị trí đặt tay trên quả pháo cho cân đối khi nâng lên. Mỗi quả pháo đất nặng từ 50 - 75 kg tùy trọng lượng người gieo.

 

Khi một quả pháo được nặn xong, thành viên nhóm đó phải nhờ khoảng 5 người khác hỗ trợ nâng pháo. 

 

 

 

Khi gieo, pháo thủ phải chân mở bằng vai, dồn lực vào hai gối, hai nách khép, sau đó dùng lực của hai cánh tay để tán pháo, rồi mới gieo xuống. Để gieo pháo tốt, pháo thủ phải rèn luyện rất công phu cả về sức khỏe và kinh nghiệm.

 

 

 

Khán giả cùng đồng đội đứng xung quanh người gieo pháo để cổ vũ, khích lệ tinh thần nhưng vẫn phải đứng xa “pháo thủ” để tránh mảnh pháo bắn văng vào người. Mỗi lần pháo tiếp đất sẽ tạo ra tiếng nổ cực lớn, nghe to như tiếng sấm...

 

Khi gieo pháo, nếu bị đứt thành từng khúc (pháo bị bổ) hay pháo xịt (viền đất bao quanh không tách rời với phần trung tâm) thì sẽ không được đo và tính điểm. Trọng tài dùng thước gỗ để đo và tính điểm cho từng đội theo khoảng cách giữa 2 đầu viền pháo khi bung ra (mỗi thước tương ứng 40 cm). 

 

Khi pháo vừa gieo xong, các thành viên trong nhóm sẽ thu lại miếng đất đó rồi tập trung nhào nặn quả pháo khác để sẵn sàng cho thi đấu hiệp sau. Có tất cả 5 hiệp, mỗi hiệp kéo dài 40 phút, điểm các đội tính riêng theo từng hiệp. Thi đấu 3 hiệp xong sẽ nghỉ giải lao khoảng 30 phút. 

 

Năm nay, số lượng “pháo thủ” đăng ký là 90 người. Mỗi pháo thủ sẽ được ghi tên lên thẻ và trong sổ trên bàn trịch. Trước khi gieo, trọng tài phát thẻ đúng tên với số áo của pháo thủ. 

 

Anh Nguyễn Văn Thanh (người đội khăn) - một trong những pháo thủ hay nhất của thôn - luôn gieo được những quả pháo với viền bung ra khá dài, trung bình khoảng 8 thước (tương đương 3,2 m).

 

Ngoài xã Minh Đức (huyện Tứ Kỳ), ở một số huyện khác của tỉnh Hải Dương như Gia Lộc, Ninh Giang hay một số tỉnh miền Bắc như Hải Phòng, Thái Bình, pháo đất đã trở thành trò chơi truyền thống không thể thiếu vào các dịp lễ, Tết.  

Pháo đất không chỉ là một trò chơi mà còn chứa đựng trong đó những nét văn hóa dân gian đặc sắc, hình thành trong quá trình người Việt chống chọi với thiên tai, địch họa… Ngày nay, mọi người đều tin rằng: Tiếng pháo càng to thì sẽ có thêm một mùa mưa nắng thuận hòa, cây cối tốt tươi…

GIANG ANH (thực hiện)