Đối với trẻ em ở xã hội hiện đại, không thiếu những trò chơi. Tuy nhiên, trẻ em ở xã hội công nghiệp hầu hết chỉ quen với máy móc, các em cũng rất thiệt thòi khi ít có khoảng không gian rộng để chơi các trò chơi dân gian. Tôi nghĩ, giúp các em hiểu và tìm về cội nguồn với trò chơi dân gian, tạo cho trẻ em cơ hội chơi các trò chơi dân gian là một việc làm cần thiết.

Các mẫu tem và blốc thể hiện những trò chơi dân gian phổ biến như ô ăn quan, nhảy dây, rồng rắn lên mây và bịt mắt bắt dê, kéo co. Các trò chơi không đơn thuần mang đến những phút giây chơi đùa cho trẻ mà trong đó chứa đựng những nét văn hóa độc đáo và giàu bản sắc của dân tộc ta.

Những trò chơi đó giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ em, các em được rèn luyện kỹ năng sống, thể chất, phát triển khả năng tư duy, quan sát và đúc rút kinh nghiệm, sự khéo léo mới có kết quả chứ không thể trông chờ vào sự may rủi. Đồng thời, mỗi trò chơi đều có quy luật riêng, mang những sắc thái khác nhau khiến trẻ em chơi suốt ngày mà không thấy chán. Qua trò chơi, các em thêm hiểu, trân trọng tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước.

Bởi muôn vàn yếu tố khác nhau, thực tế đã cho thấy những sân chơi dân gian như vậy không dễ được hình thành và duy trì. Do đó, sự xuất hiện của bộ tem không chỉ thể hiện sự quan tâm đến thế giới trẻ thơ mà còn góp phần thúc đẩy quyết tâm giải bài toán khó, xây dựng một sân chơi lý thú cho trẻ.

Việc bộ tem được phát hành sát với thời điểm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, và vấn đề phòng, chống xâm hại trẻ em cũng là nội dung chiếm trọn một ngày thảo luận tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV cuối tuần qua cho thấy việc chăm lo tâm hồn cho các em cũng không kém phần quan trọng như bảo vệ các em khỏi bạo lực.

MINH ĐỨC (Lê Chân, Hải Phòng)