Làng hoa hối hả vào vụ

Sáng đầu tuần một ngày giữa tháng Chạp, làng nghề hoa đào Nhật Tân (quận Tây Hồ) tấp nập người, xe đến mua và vận chuyện cây đào đi các ngả. Dẫn chúng tôi tham quan vườn đào của gia đình, ông Trần Văn Thành (trú tại phường Nhật Tân) vui mừng khi thời tiết năm nay thuận lợi giúp việc chăm sóc cây đào đỡ tốn công sức hơn. Ông Thành cho biết: “Khác với các loại đào khác, đào Nhật Tân cho bông to, sắc thắm, cánh dày và nhiều nụ lộc. Trải qua nhiều đời, nông dân tại Nhật Tân đã đúc kết các kỹ thuật trồng và chăm sóc đào. Tại Nhật Tân hiện có nhiều loại đào, trong đó có thể kể tới đào bích, đào phai, đào nụ, đào thất thốn. Đào bích luôn là mặt hàng bán chạy nhất”.

Với kinh nghiệm trồng đào gần 50 năm, ông Trần Văn Thành tự tin cho biết quá trình chăm sóc vườn đào của gia đình không dùng bất cứ hóa chất hay thuốc trừ sâu nhằm bảo đảm an toàn cho người mua. “Chỉ cần nhìn vào gốc đào là tôi có thể biết đào có dùng thuốc bảo vệ thực vật hay không. Bằng kỹ thuật, người trồng đào Nhật Tân có thể giúp hoa đào nở từ cành thay vì chỉ đâm nụ tại ngọn. Ngay từ đầu tháng Chạp, nhiều người đã mua đào Nhật Tân về nhà chưng chứ không riêng gì ngày Tết với mong muốn cầu mong năm mới nhiều tài lộc. Không chỉ người dân Thủ đô, đào Nhật Tân cũng được người dân các tỉnh, thành phố lân cận ưa chuộng”, ông Trần Văn Thành cho biết thêm.

Cũng giống như làng nghề hoa đào Nhật Tân, những ngày qua, người dân tại làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) đang hối hả thu hoạch hoa để bán phục vụ người dân trong dịp Tết. Năm nay thời tiết thuận lợi nên nhiều loại hoa kéo dài được thời gian nở và bán được giá. Hiện giá hoa cúc tại ruộng khoảng 120.000 đồng/bó/50 bông, có vườn bán được 150.000 đồng/bó/50 bông. Nhiều năm qua, người dân Tây Tựu cũng trồng thêm hoa ly, hoa hồng, thược dược, violet, hoa đào... nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. 

leftcenterrightdel
Các chậu lan Hồ Điệp từ Đà Lạt sẵn sàng phục vụ người dân Thủ đô 

Sắc hoa hội tụ

Là Thủ đô nghìn năm văn hiến, từ lâu Hà Nội nổi tiếng với nhiều vựa hoa lớn. Ngoài ra, mỗi dịp Tết đến xuân về, Thủ đô cũng chào đón nhiều sắc hoa độc đáo từ khắp các vùng, miền trên toàn quốc. Dạo quanh các con phố tại Hà Nội có nhiều loại hoa được bày bán; trong đó có cả cây, cành đào từ vùng cao Tây Bắc. Đi qua phố Cổ Linh (quận Long Biên) những ngày qua, nhiều người ấn tượng với các gian hàng lan hồ điệp của các chủ vườn tại Đà Lạt. Hoa lan sắc trắng, đỏ, tím, vàng... đã góp phần làm giàu thêm sức xuân cho Hà Nội. Chị Vũ Thị Lan, đại diện chủ vườn Dương Hồ Điệp (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ: “Ngay từ đầu tháng Chạp, chúng tôi đã vận chuyển vài vạn cành lan từ Đà Lạt được trồng theo công nghệ hiện đại. Sản phẩm đặc trưng nhất của nhà vườn Dương Hồ Điệp là gỗ lũa ghép lan. Ngoài ra, nhà vườn cũng có các loại lan với giá thành bình dân phù hợp với nhiều người”.

Nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của nhân dân Thủ đô, từ ngày 1 đến 21-1, UBND TP Hà Nội tổ chức 91 điểm chợ hoa xuân phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn. Các chợ hoa xuân trưng bày các loại cây, hoa, quả cảnh; một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề truyền thống và sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán. Theo quy định, các chợ hoa xuân phải có biển tên, trang trí cờ, ánh sáng; bố trí nơi làm việc và số điện thoại của đơn vị quản lý chợ hoa để liên hệ giao dịch, kịp thời giải quyết các sự cố; dành diện tích phù hợp để làm nơi trông giữ phương tiện cho khách đến tham quan, mua sắm; có bố trí khu vực vệ sinh công cộng...

Từ nhiều năm qua, chợ hoa Tết truyền thống Hàng Lược (phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm) trở thành nét sinh hoạt độc đáo của người dân phố cổ, cũng như người dân Thủ đô Hà Nội. Chợ họp một lần duy nhất trong năm, bắt đầu từ ngày 15 đến 30 tháng Chạp. Càng gần Tết chợ càng đông vui, mang đậm không khí Tết của Hà thành. Đánh giá về nét đặc sắc của chợ hoa Hàng Lược, ông Nguyễn Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm bày tỏ: “Nhiều năm qua, UBND quận Hoàn Kiếm đã triển khai nhiều hoạt động với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, gìn giữ nét đẹp văn hóa của người Hà Nội, quảng bá hình ảnh quận Hoàn Kiếm có bề dày lịch sử, thanh lịch, văn minh đến bạn bè trong nước và quốc tế. Trong đó, các chương trình, sự kiện, hoạt động văn hóa truyền thống quan trọng như chợ hoa Tết truyền thống sẽ góp phần rất lớn vào việc quảng bá, giới thiệu các giá trị di sản của khu phố cổ Hà Nội, đưa khu phố cổ Hà Nội, quận Hoàn Kiếm trở thành điểm đến “An toàn-Thân thiện-Chất lượng-Hấp dẫn".

Bài và ảnh: HOÀI PHƯƠNG