Sao ngôi chùa lại có tên Hương Tích, có sự trùng hợp gì với chùa Hương nổi tiếng của Hà Nội không? Lý giải cho câu hỏi đó của chúng tôi, bà Trần Thị Thu Hà cho biết: Thực tế, chùa Hương tại Hà Nội là phiên bản của chùa Hương Tích tại Hà Tĩnh. Lịch sử ghi chép lại rằng, sở dĩ xây dựng thêm chùa Hương tại Hà Nội bởi đoạn đường từ kinh đô đến chùa Hương Tích rất xa, khiến chúa Trịnh không yên tâm mỗi dịp phi tần đi trẩy hội. Vì vậy, chúa cho xây một ngôi chùa Hương khác tại vùng núi Hà Sơn Bình, là ngôi chùa Hương tại Hà Nội ngày nay.
 |
Cảnh thanh tịnh ở Hương Tích (Hà Tĩnh).
|
Du khách ít biết đến chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh hơn nhưng thực ra nơi đây từng là “Hoan Châu đệ nhất danh lam” (ngôi chùa đẹp nhất vùng Hoan Châu) và là một trong 21 thắng cảnh nước Nam. Chùa tọa lạc ở lưng chừng Hương Tích-một trong những ngọn núi đẹp nhất của dãy núi Hồng Lĩnh. Vịnh cảnh chùa, La Sơn Phu Tử từng đề hai câu thơ: "Hương Sơn Trần Triều/Hồng Sơn đệ nhất phong" (Hương Tích ngôi chùa đời Trần/Dựng trên ngọn núi đẹp nhất Ngàn Hống).
Nếu xưa kia chỉ có một con đường lên chùa thì ngày nay du khách có 3 phương án để lựa chọn: Đi bộ (hoặc xe điện) gần 5km qua cánh rừng thông xanh; đi thuyền trên đập Nhà Đường (khoảng 2km) ngắm nhìn nước từ khe quỷ khóc chảy ra, ngắm cảnh suối nước để đến cổng chùa hoặc men theo khe quỷ khóc lên đến suối Hương Tuyền, rồi theo cáp treo lên chùa. Chúng tôi chọn xe điện. Đường lên chùa rợp bóng thông xanh mát, cả hành trình là tiếng suối róc rách hòa quyện tiếng thông reo, tiếng chim hót chuyền cành giữa mênh mông trời đất. Càng lên cao, phong cảnh thiên nhiên, sơn thủy càng cuốn hút. Mùa xuân, các loài hoa đua nhau khoe sắc. Từ trên chùa, phóng tầm mắt xuống bao lơn bên dưới là bạt ngàn mây trắng lững thững trôi trên những ngọn thông xanh, dưới xa xa là con đường và những ngôi nhà nhỏ. Chùa Hương Tích tựa hồ tĩnh lặng, yên bình và thanh thản để mỗi người đều có thể gửi gắm tới chốn linh thiêng kỳ diệu và niềm tin thiện lành.
Ở lưng chừng núi, nhấp ngụm nước vối, giữa thoang thoảng hương trầm, hương quế làm từ những nguyên liệu tự nhiên quanh chùa, bà Trần Thị Thu Hà kể thêm với chúng tôi về huyền sử với 99 ngọn non cao gắn với truyền thuyết 100 con chim phượng hoàng bay về tìm chốn đậu và câu chuyện lịch sử ngôi chùa gắn với truyền thuyết về công chúa Diệu Thiện hóa Phật Quan Âm cứu độ chúng sinh. Lễ khai hội chùa Hương Tích hằng năm được chọn là lễ hội mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh vào ngày mồng 6 tháng Giêng và chính lễ chùa Hương Tích được tổ chức vào ngày 18 tháng 2 âm lịch hằng năm, tức ngày công chúa Diệu Thiện hóa Phật Quan Âm. Vào dịp đầu xuân năm mới, nhất là vào mùa lễ hội, hàng vạn người về thắp hương lễ Phật, cầu xin cuộc sống bình an, no đủ. Riêng với người Hà Tĩnh, chùa Hương Tích được xem là "bàn thờ gia tiên", dù ở đâu lòng người Hà Tĩnh vẫn luôn hướng về ngôi chùa linh thiêng này như hướng về cội nguồn quê hương, dân tộc.
Bày tỏ niềm tự hào, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết thêm: Chùa Hương Tích được coi là một trong những trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh Hà Tĩnh cùng với Ngã ba Đồng Lộc, làng Trường Lưu với 3 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận... Thời gian qua, UBND huyện đã tích cực chỉ đạo tổ chức hoàn thiện cơ sở hạ tầng giúp du khách đến Hương Tích thuận lợi, tăng cường quảng bá, tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật và phối hợp với các đơn vị lữ hành tổ chức đưa du khách đến Hương Tích...
Bài và ảnh: THANH HƯƠNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.