QĐND - Điều làm tôi day dứt nhất khi bước chân lên chuyến tàu hành phương Nam cuối đông năm ấy là những cơn mưa phùn. Buổi sáng, mẹ tiễn tôi ở ga Hàng Cỏ, mưa phùn vướng vào chân tôi, giăng giăng bảng lảng trong ánh nhìn thân thương của mẹ làm tôi nao lòng chực khóc. Trời mùa đông se se lạnh, mẹ mặc chiếc áo bông cũ màu nâu vẫy vẫy dưới sân ga, chỉ có mưa ở cùng mẹ khi chuyến tàu mang số hiệu SE3 chuyển bánh…
Không hiểu sao những buổi sáng mưa phùn cứ làm tôi nhớ lâu và day dứt mãi. Cũng thật tình cờ, rất nhiều những kỷ niệm tuổi thơ tôi đều ở dưới mưa phùn. Mưa phùn miền Bắc là thứ mưa tựa như vô hình, nhẹ nhàng như sương mỏng, lây rây thành từng sợi, như tơ trời mà nấn níu chân người đến lạ.
Còn nhớ những buổi chợ sáng, mẹ dậy thật sớm gánh chuối ra chợ bán. Tôi cũng dậy lẽo đẽo theo mẹ đi chợ. Ngoài ngõ, dưới những cành xoan nở hoa tim tím, mưa phùn giăng giăng cộng với sương muối thấm vào da thịt lạnh buốt. Con đường đất trước ngõ không sũng nước nhưng âm ẩm vì mưa giăng cả đêm, chỉ những bụi cỏ gà là hớn hở ra mặt đón những cơn mưa phùn triền miên dễ đến mấy ngày ấy, coi đó như một ân huệ của đất trời ban phát trước ngưỡng cửa mùa xuân.
Mưa phùn thực ra không lãng mạn như lời tôi kể. Nó làm cho cuộc sống mưu sinh của gia đình tôi ngày đó thêm khó khăn bội phần. Mưa phùn làm cho vườn cà chua ba trồng khó đậu quả do nụ hoa hay bị sun lại vì lạnh. Nhìn cơn mưa phùn ba thường thở dài, bảo lại sắp mất mùa cà chua. Tuy vậy, ba vẫn tỉ mẩn lấy những tấm ni-lông che chắn từng cây cà chua cẩn thận với hi vọng sẽ vớt vát được một số quả. Vườn cà chua nhà tôi luôn thu hoạch vào dịp áp Tết nên rất nhiều hy vọng trông chờ vào nó. Có thể hai anh em tôi sẽ không có quần áo mới, những gói mứt tết thơm ngon hay những đồng tiền lì xì mới cứng nếu vườn cà chua của ba không đậu quả. Còn nội, nội thường nhìn ra ngoài ngõ, nơi mưa phùn giăng mắc suốt đêm đọng từng giọt như châu sa trên giàn bầu cuối vụ mà chép miệng, chắc mấy tay trầu không cũng không chịu được mưa phùn và sương muối lại héo hết. Và Tết, nội cũng không có trầu ăn hay mời mấy người bạn già trong xóm. Đó là nỗi buồn không chỉ riêng nội vì giàn trầu nhà tôi vẫn thường dành cho các gia đình trong xóm.
Vậy nhưng không hiểu sao, khi vào miền Nam sống xa nhà, cái làm tôi nhớ nhất lại là những cơn mưa phùn. Nhớ mỗi buổi sớm thức dậy, giụi mắt nhìn ra ngoài ngõ, nơi con đường làng dài hun hút với thảm cỏ xanh mướt mà mọc đều hai bên. Ở giữa, một màu đỏ phù sa mịn màng in hằn dấu chân của tôi và lũ trẻ trong xóm những buổi đi học sao mà thân thương quá đỗi. Mưa phùn làm mọi cái dường như đều mới mẻ, trinh nguyên hơn. Từ hàng xà cừ cho đến cánh đồng ngô đang trổ cờ, phấn hoa bay phấp phới. Rồi cả nương dâu cũng hùa vào nhu nhú những chiếc lá non tí xíu nơi nhánh cây cụt ngắn cũn cỡn. Khi đứng trên đê nhìn phía làng, thấy mưa phùn như một họa sĩ tài ba vẩy lên cảnh vật đồng quê những gam màu sắc tinh tươm tràn trề sự sống. Mưa giục giã đất trời sinh sôi, mưa đánh thức giấc ngủ đông dài của muôn loài, mưa như hồi chuông báo, mùa xuân sắp sửa về, đâu đó trong giá rét và gió hiu hiu.
Vừa rồi, tôi lại về quê vào dịp cuối năm. Sau một đêm dài ngủ dậy nhìn ra, mưa phùn đã phủ khắp ngõ quê tự bao giờ. Kỷ niệm xưa theo những sợi mưa mỏng mảnh không chỉ giăng kín hàng xoan già mà còn kín cả tâm hồn tôi, đong đầy hình bóng nội thân yêu. Chợt nhói lòng vì một nhẽ, những cơn mưa phùn giờ không còn là gánh nặng mưu sinh như ngày xưa nữa nhưng nó vẫn làm tôi buồn vô hạn. Giàn trầu không và nội không còn…
ĐOÀN ĐẠI TRÍ