Với tâm thế đó, thế hệ nhạc sĩ hôm nay mong muốn góp sức mình với những góc nhìn trẻ trung sáng tác về Hà Nội thân yêu, để viết tiếp những bản tình ca về "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người", nơi lắng hồn sông núi ngàn năm.

Hà Nội đã hiện ra lịch lãm và kiêu sa trong biết bao tác phẩm âm nhạc, như: “Hướng về Hà Nội” (Hoàng Dương), “Người Hà Nội” (Nguyễn Đình Thi), “Bài ca Hà Nội” (Vũ Thanh), “Trời Hà Nội xanh” (Văn Ký), “Nhớ về Hà Nội” (Hoàng Hiệp), “Nhớ mùa thu Hà Nội” (Trịnh Công Sơn), “Em ơi, Hà Nội phố” (Phú Quang), “Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội” (Nguyễn Cường), “Mùa xuân làng lúa làng hoa” (Ngọc Khuê), “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” (Trương Quý Hải)...

Nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long thể hiện ca khúc “Nồng nàn Hà Nội” trong liveshow “Hà Nội xưa và nay”. Ảnh: MINH THU

Và trong sự tiếp nối, thế hệ nhạc sĩ hôm nay đã nhìn Hà Nội bằng cái nhìn tươi mới, hút được hồn của Hà Nội, cùng chảy trên dòng sông thanh âm rất thao thiết về ca từ, giai điệu, tiết tấu. Mạch nguồn ấy xuất phát từ nền âm nhạc mới Việt Nam từ đầu thế kỷ 20. Những người trẻ được truyền lại tinh túy, tình yêu Hà Nội từ các thế hệ nhạc sĩ đi trước, để rồi trong sự tiếp biến, sáng tạo, họ đã có những góc nhìn mới về Hà Nội, như nhạc sĩ Giáng Son có “Hà Nội 12 mùa hoa” với nét mới nêu bật vẻ đẹp của hoa Hà Nội theo mùa-mùa cũng chính là “đặc sản” của Hà Nội.

Chẳng hạn, hiện giờ Hà Nội đang là mùa thu-mùa quyến rũ mà bất cứ ai cũng nhớ nhung, nếu có đi xa sẽ khắc khoải mong muốn trở về. Thậm chí là hình ảnh hết sức bình thường như “ngồi ăn một quán ven đường”, “đạp xe trên phố” cũng trở nên hấp dẫn trong bài hát “Nồng nàn Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường... Sự hấp dẫn, mới mẻ trong sáng tác của các nhạc sĩ trẻ, ấy là họ luôn mang trong tim mình tình yêu Hà Nội, luôn mang trong mình một sự ngưỡng mộ với các thế hệ đi trước để làm giàu hơn những ca khúc về Hà Nội, thể hiện văn hóa Hà Nội, chất người Hà Nội.

Có thể nói, nhạc sĩ là người chép sử bằng âm thanh. Nếu trước kia các nhạc sĩ cha anh khắc họa Hà Nội kiên cường, bất khuất trong đấu tranh, trong kháng chiến, một Hà Nội hiện lên với những nét hào hoa, lịch lãm thì thế hệ hôm nay cảm nhận chất hào hoa của Hà Nội theo những góc nhìn mới, là đất cổ của nền âm nhạc Việt Nam với chất liệu chèo, ca trù, dân ca, kể cả hát xẩm cũng chứa đựng tinh thần người Hà Nội rất nhẹ nhàng, tế nhị, hào hoa.

Do vậy, những ca khúc về Hà Nội cho dù của nhạc sĩ sinh ra ở Hà Nội hay nhạc sĩ vùng núi Tây Bắc, miền Nam viết về Hà Nội vẫn luôn toát lên vẻ hào hoa được thể hiện qua giai điệu, ca từ, tiết tấu, âm hưởng. Rồi từ người nghệ sĩ biểu diễn, qua giọng hát của họ, ta thấy tính cách của người Hà Nội toát ra từ giai điệu, từ thể hiện của nghệ sĩ. Nghệ sĩ Nhân dân Tấn Minh là một ví dụ, anh không sinh ra ở Hà Nội nhưng đã thể hiện thành công những bài hát về Hà Nội rất tình, rất hào hoa, lịch lãm, được đông đảo công chúng yêu mến.

Có lẽ trên thế giới này không nhiều thủ đô có nhiều bài hát như Hà Nội. Những bài hát, những sáng tác của nhiều thế hệ nhạc sĩ viết về Hà Nội không chỉ tập trung ở một giai đoạn mà trải dài trên các chặng đường của đất nước. Những bài ca đó không tồn tại đơn lẻ mà liên kết thành dòng chảy âm thanh thao thiết, đó là điều đáng quý, đáng tự hào.

Mới đây, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô, Hà Nội đã phát động Cuộc thi sáng tác ca khúc “Thanh âm Hà Nội”. Qua số lượng tác giả, tác phẩm (196 tác phẩm của 131 tác giả thuộc 24 tỉnh, thành phố trong cả nước) tham gia cuộc thi, có thể thấy sáng tác về Hà Nội vẫn là niềm cảm hứng, nỗi đau đáu của nhiều nhạc sĩ, đặc biệt là về một Hà Nội đổi mới ngày hôm nay.

Quả là như vậy, Hà Nội mến yêu với vẻ đẹp cổ kính thâm nghiêm, nét riêng vừa giản dị, quyến rũ, lại chứa đựng trong đó hồn thiêng sông núi đã làm xao xuyến bao tâm hồn nghệ sĩ, để cùng với tài năng đã dệt nên những lời ca, giai điệu đi cùng năm tháng.

PGS, TS, nhạc sĩ ĐỖ HỒNG QUÂN, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.