1. Căn cứ những đặc điểm về hình thức, nội dung và quan niệm nghệ thuật của “Nhật ký trong tù”, có thể nhận xét khái quát về thi pháp của mô hình giữa khách thể thẩm mỹ và chủ thể sáng tạo là sự thống nhất về nhân vật trữ tình (ở đây là nhân vật trữ tình tác giả ngôi thứ nhất-người tù Hồ Chí Minh-với trạng thái tù hãm, mất tự do, chịu nhiều khổ cực, luôn khát khao tự do), về không gian nghệ thuật (ở đây là không gian nhà tù với 4 bức tường, đối lập với không gian bên ngoài rộng rãi, thoáng đãng, tự do mà người tù luôn hướng đến và chiếm lĩnh), về thời gian nghệ thuật (ở đây là sự đối lập về thời gian tù ngục và thời gian tâm lý, thời gian ước mơ diễn ra với vô vàn tính chất, luôn kìm hãm, khắc nghiệt, trì hoãn người tù, nhưng người tù phải luôn hóa giải nó để tạo thành sự tự do tinh thần và khát vọng chiến thắng để được đấu tranh vì những mục tiêu cao đẹp của Tổ quốc, nhân dân trong cả tư tưởng và hành động). Tất cả đặc điểm trên đã quy định thành mô hình khách thể thẩm mỹ và mô hình chủ thể sáng tạo mới mẻ, tích cực trong toàn bộ “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh.

  Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và các đại biểu dự hội thảo kỷ niệm 80 năm "Nhật ký trong tù".Ảnh: HÀM ĐAN 

Bài thơ không có tiêu đề ở trang bìa tập thơ như là “chìa khóa” cho toàn thi tập: Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao. Đây chính là tư tưởng và tuyên ngôn thể hiện tinh thần, ý chí tuyệt đích của người tù Hồ Chí Minh. Chính đang trong hoàn cảnh đối lập thân thể và tinh thần đã làm cho hoàn cảnh trở nên chủ động và nhân đạo hóa trong cái nhìn cùng sự chiếm lĩnh tình thế của chủ thể ý thức. Trong tình huống ấy, nhân vật người tù hoàn toàn chủ động, tự do và tự tin. Tinh thần “dục thành đại sự nghiệp” càng trở nên mãnh liệt, kiên định hơn bao giờ hết, không gì có thể làm lay chuyển tư tưởng, hành động và tinh thần đấu tranh để chiến thắng mọi hoàn cảnh khắc nghiệt, tàn bạo của nhà tù.

Khát vọng tự do thể hiện mọi lúc, mọi nơi, thường trực trong tình cảm và suy nghĩ của chủ thể trữ tình. Nhờ vậy, người tù thấy mình được là mình: Ung dung, tự tại, cần quan sát và ghi lại mọi diễn biến hà khắc của ngục tù. Mở đầu tập nhật ký, tác giả đã xác định: Ngâm thơ ta vốn không ham/ Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây/ Ngày dài ngâm ngợi cho khuây/ Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do (Khai quyển). Trạng thái, tinh thần làm chủ trong suy nghĩ, hành động của người tù Hồ Chí Minh khi Người ở nhà lao như là hình mẫu của một người tù cách mạng bất khuất, kiên cường, khác xa với các kiểu người tù bình thường khác trong cùng hoàn cảnh.

Không gian và thời gian nhà tù không còn là nơi có thể giam hãm trí óc, thân thể người tù nữa mà chính ở trục tọa độ này, nó trở thành nơi để nâng cao, rèn luyện tinh thần, hành động và đạo đức. Người tù bất chấp mọi cản trở về vật chất và hành động dã man của nhà tù để vươn đến thế giới tình cảm, tinh thần bằng năng lực tưởng tượng kỳ diệu của một con người bất khuất. Ở đó, thơ được xem là phương tiện và vũ khí để tăng thêm nghị lực, ý chí: Năm canh thao thức không nằm/ Thơ tù ta viết hơn trăm bài rồi/ Mỗi bài, dừng bút nghỉ ngơi/ Qua khoang cửa ngục, ngóng trời tự do (Đêm không ngủ). 

2. Dù ở vào trạng huống và tình cảm nào cũng như những quan hệ chung và riêng nào, Hồ Chí Minh cũng đều hướng về thiên nhiên cao rộng, tạo thành cái nhìn sinh thái thiên nhiên và sinh thái tinh thần rất mới mẻ: Chẳng được tự do mà thưởng nguyệt/ Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu (Trung thu). Người tù Hồ Chí Minh tiếp nhận, chiếm lĩnh thiên nhiên bằng cái nhìn khách quan theo từng quan hệ bản chất và quan hệ tương tác; có đối lập, có tương hợp, nhưng chủ yếu là đứng cao hơn thiên nhiên để chiếm lĩnh, cải hoán thiên nhiên, điều bình sinh thái để thiên nhiên trở nên nhân đạo hơn đối với chính nó và cao hơn là đối với cá nhân con người đang trong tình cảnh bất ổn: Hoa hồng nở, hoa hồng lại rụng/ Hoa tàn, hoa nở cũng vô tình/ Hương hoa bay thấu vào trong ngục/ Kể với tù nhân nỗi bất bình (Cảnh chiều hôm).         

Không gian và thời gian ngục tù thông qua cái nhìn chủ động, tích cực như thế đã giúp nhà thơ Hồ Chí Minh huy động tất cả năng lực tinh thần và thể chất cùng với kiến thức triết mỹ của mình để hiểu biết quy luật của tạo hóa, quy luật của cuộc sống mà yên tâm chiếm lĩnh hoàn cảnh và hy vọng về một viễn cảnh tốt đẹp trong tương lai: Ví không có cảnh đông tàn/ Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân/ Nghĩ mình trong bước gian truân/ Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng (Tự khuyên mình).         

Từ ý thức làm chủ và quan niệm mới mẻ về không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật như trên đã quy định cách chiếm lĩnh và nhận thức tích cực tiếp theo của nhân vật-người tù Hồ Chí Minh-xét ở tầm đón nhận và vẫy gọi của lý tưởng, ở đây là lý tưởng cách mạng vì dân, vì nước. Mô hình khách thể thẩm mỹ tương ứng với mô hình chủ thể sáng tạo sẽ mở rộng tầm nhìn cũng như khả năng đối thoại với con người và thời đại ở tinh thần yêu nước, lý tưởng cao đẹp. Con người cá nhân tạm thời lui xuống bình diện thứ yếu để nhường chỗ cho con người công dân, con người chính trị và dân tộc trước nhu cầu trọng đại của đất nước, cộng đồng. Các mối quan hệ riêng-chung, cá nhân-cộng đồng, cá thể-tập thể... càng trở nên máu thịt, bền vững mà ở đó, mọi suy nghĩ và việc làm, dù nhỏ nhất, cũng đều hướng về những vấn đề lớn lao, trọng đại liên quan đến nhân dân, Tổ quốc và dân tộc: Một canh... hai canh... lại ba canh/ Trằn trọc, băn khoăn, giấc chẳng thành/ Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt/ Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh (Không ngủ được).

3. Vận dụng tư duy logic để phân tích tình hình, thời cuộc một cách biện chứng luôn đem lại cho Bác sự lựa chọn kịp thời, dứt khoát, theo phán đoán đúng; từ đó xác tín niềm tin mãnh liệt vào sự chiến thắng của chính nghĩa và sự thất bại của phi nghĩa. Bác nhìn thấy được ánh sáng của tự do, chân lý đang vẫy chào phía trước: Đầu tường sớm sớm vầng dương mọc/ Chiếu cửa nhà lao, cửa vẫn cài/ Trong ngục giờ đây còn tối mịt/ Ánh hồng trước mặt đã bừng soi (Buổi sớm).

Từ đó, những phản ứng của tâm lý tự vệ trong con người Bác càng được chứng minh qua từng trạng thái và hoàn cảnh. Có đau đớn nào bằng cảnh “ngoại cảm” trong không gian và thời gian khắc nghiệt của nhà tù nơi đất khách quê người, giữa lúc tâm hồn mình hướng về cố quận, dành tất cả cho “nội thương” nước Việt bị lầm than vì kẻ thù xâm lược, tàn bạo với muôn dân. Dù ốm nặng nhưng Bác đã vượt qua bằng tâm lý tự vệ mãnh liệt và tinh thần chiến thắng, bất chiến bại của một người tù hiên ngang, bất khuất. Chính mô hình sáng tạo nghệ thuật nói trên đã giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa khách thể thẩm mỹ và chủ thể sáng tạo trong ý thức nghệ thuật thông qua cái nhìn nghệ thuật tích cực của một người tù-thi sĩ tràn đầy cảm xúc bi hùng và chói sáng lý tưởng yêu nước cao đẹp: “Ngoại cảm” trời Hoa cơn nóng lạnh/ “Nội thương” đất Việt cảnh lầm than/ Ở tù mắc bệnh càng cay đắng/ Đáng khóc mà ta cứ hát tràn (Ốm nặng). Sự tàn bạo, dã man của nhà tù Tưởng Giới Thạch đã không thể giam hãm tư thể và tinh thần bất khuất, quả cảm, ý chí liên tục tấn công của một con người luôn nắm chắc vận mệnh và bước đi của lịch sử, thời đại cũng như quy luật của vũ trụ, cuộc sống. Tiếng hát tràn của Bác là tiếng hát của một bậc đại nhân-đại trí-đại dũng.             

Tập thơ “Nhật ký trong tù” khép lại bằng bài thơ “Mới ra tù tập leo núi” được Bác viết vào tháng 9-1943. Không gian và thời gian cùng hình tượng người tù Hồ Chí Minh giờ đây đã thực sự thênh thang tự do. Thiên nhiên thật sự tương hợp, nâng đỡ con người; con người càng hòa hợp, chiếm lĩnh và tôn cao thiên nhiên trong tư thế, tầm vóc của một chủ thể chiến thắng, được tuyệt đối tự do trong tư tưởng và bản chất để hướng đến sự nghiệp cứu nước vĩ đại trong tương lai cùng bạn xưa-những chiến hữu bao nhiêu năm nhớ thương và chờ đợi Bác trở về, trong cuộc đoàn viên đầy trọng trách và hy vọng vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại đang đón chờ phía trước: Núi ấp ôm mây, mây ấp núi/ Lòng sông gương sáng, bụi không mờ/ Bồi hồi dạo bước Tây Phong lĩnh/ Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa (Mới ra tù tập leo núi).     

Với tư cách là một nhà thơ, Hồ Chí Minh đã tạo ra một mô hình nghệ thuật mới mẻ, khác xa với mô hình thơ ca truyền thống lúc bấy giờ. Mô hình đó vừa hiện đại vừa truyền thống, tạo ra cái nhìn nghệ thuật và tư tưởng triết mỹ mới mẻ, hấp dẫn, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa khách thể thẩm mỹ và chủ thể sáng tạo, tạo ra hệ thi pháp mới mẻ về nội dung, hình thức thông qua bút pháp hiện thực nhưng thấm đẫm tinh thần lãng mạn cách mạng. “Nhật ký trong tù” trở thành “thi ca chi bảo”, là hiện tượng văn chương rất đặc biệt của nền văn học hiện đại Việt Nam, là bức thông điệp đầy sức ám ảnh về vũ trụ-nhân sinh-tư tưởng-thi ca, giúp mọi người nghĩ về người sáng tạo ra nó, nghĩ về con người văn hóa, con người nghệ sĩ, con người yêu nước Hồ Chí Minh để yêu quý và kính trọng.                                 

PGS, TS HỒ THẾ HÀ (Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.