Rặng đào trước cửa đồn biên phòng Mường Khương trồng đã được ngót 10 năm. Những ngày rét đậm, lá chuối héo quắt, nhưng rặng đào vẫn cứ đâm chồi biếc, vẫn cứ bật nụ, nở hoa.
Buổi sáng hôm ấy, sau khi tôi cầm máy chụp mấy kiểu ảnh tuổi trẻ của đồn và địa phương kết nghĩa quây quần bên rặng đào ấy xong, thì tạm biệt anh em xuống công tác ở các thôn của các xã Mường Khương và Tung Chung Phố. Tôi nói chưa dứt lời, anh cán bộ đoàn của đồn đã mời tôi trưa nay về sớm dự liên hoan cùng với anh em tuổi trẻ của đồn mừng kết quả đại hội chi đoàn. Từ lúc đó, dẫu không nói ra, nhưng tôi nghĩ, trưa nay chắc là anh em thế nào cũng ăn phở chua, được coi là đặc sản của vùng biên ải này.
Nhưng tôi đã đoán nhầm! Buổi trưa hôm ấy, hơn mười mâm cơm đã được dọn ra trong một phòng ăn gần chân núi và rặng chuối tây. Trên mâm, món chủ lực là mộc tồn. Có đủ gia vị: mơ lông, riềng tươi; nước chấm là muối ớt. Quây quần bên các mâm là những người lính màu áo xanh lá rừng và những cô giáo, những cán bộ đoàn ở địa phương kết nghĩa với đơn vị. Ngoài trời mưa xuân nhè nhẹ, gió se se lạnh. Bầu không khí ấy rất thích hợp với một bữa liên hoan có món mộc tồn. Mọi người mới nâng chén, mới cầm đũa được một lát, mà tiếng cười, tiếng nói đã râm ran. Rồi có người hát, người khác lại hát theo. Phòng ăn mỗi lúc một thêm vui nhộn.
Gắp cho khách mấy đũa toàn thịt nạc xong, anh sĩ quan trẻ ngồi cạnh tôi bảo, đất Mường Khương này lành lắm, trồng lúa thì lúa cho hạt mẩy, vật nuôi trong nhà thì chóng béo. Tiếp lời anh, tôi ồ lên một tiếng, rồi bảo, thảo nào mộc tồn ở nơi đây dễ ăn và thơm ngon, chứ không ngầy ngậy như mộc tồn ở quê tôi.
Đĩa mộc tồn ở các mâm mãi chưa vơi, vì mọi người còn mải vui tâm sự, vui hò hát.
Tự nhiên, tôi chợt nhớ chú em tôi ở quê nhà, giờ này có lẽ đang bận rộn với công việc của một chủ hàng mộc tồn. Không biết có lúc nào chú nhớ tới những ngày bản thân mình khi còn khoác áo lính trên biên giới được quây quần bên đồng đội thưởng thức món mộc tồn khó quên tựa như bữa trưa nay, ở nơi đây không?
KHÁNH TÙNG