QĐND - Các bảo tàng trong quân đội có vị trí rất quan trọng trong hệ thống bảo tàng ở nước ta. Đây không những là trung tâm thông tin về lịch sử quân sự của quốc gia, mà còn là nơi những người lính ở các cương vị khác nhau kể những câu chuyện đời thường về cuộc sống và chiến đấu của họ, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, hiểu biết về lịch sử, xã hội của các tầng lớp nhân dân nói chung, của các LLVT nói riêng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Mặc dù có rất nhiều thuận lợi, nhưng phần lớn các bảo tàng trong quân đội ở nước ta đều chưa đông khách. Vậy, làm thế nào để có thể thu hút khách đến bảo tàng, đặc biệt là làm thế nào để phát huy tốt nhất các bộ sưu tập hiện vật quý giá kia? Bài viết này mong muốn nêu ra một vài vấn đề để chúng ta cùng tham khảo.

Thay đổi cách tiếp cận về thông tin trưng bày

Chúng tôi đưa ra thí dụ từ trưng bày triển lãm “Pháo cao xạ-chiến đấu và chiến thắng” của Bảo tàng Phòng Không-Không quân (PKKQ), như một nghiên cứu trường hợp để từ đó suy rộng ra.

Cuộc trưng bày diễn ra ở ngay phòng Khánh tiết, khoảng trên dưới 80m2 với rất nhiều hình ảnh và hiện vật quý, hiếm. Nhưng, với tư cách là một người đi xem, tôi không thấy đọng lại một ấn tượng gì sau khi bước ra khỏi phòng trưng bày. Tôi cứ tự hỏi mình tại sao cuộc trưng bày ngồn ngộn ảnh, hiện vật như thế mà không gây cho mình một sự rung cảm nào? Khi xem lại những bức ảnh chụp trưng bày chúng tôi càng hiểu được lý do.

Thứ nhất: Cuộc trưng bày không có hệ thống cấp bậc thông tin, không đưa ra được thông điệp cho người xem. Tên cuộc triển lãm được xác định rõ ràng “Bộ đội pháo cao xạ-chiến đấu và chiến thắng”, tên các tiểu chủ đề cũng rõ ràng. Nhưng triển lãm chỉ có các câu trích và chú thích hiện vật. Ở đây không có bài viết cấp 1 (bài giới thiệu về nội dung chính, thông điệp chính của triển lãm); không có bài viết cấp 2 (bài giới thiệu từng tiểu chủ đề như Bộ đội pháo cao xạ đánh thắng không quân Pháp, Bộ đội phòng không đánh thắng không quân Mỹ); không có bài viết cấp 3 hay chú thích giải thích về nhóm hiện vật, nhóm sưu tập (như nhóm sưu tập mũ rơm, nhóm hiện vật của Tô Vĩnh Diện)... Sự khuyết vắng về cấp bậc thông tin nên người xem không làm chủ được tình huống khi bị ngợp trong sự la liệt của ảnh, hiện vật, tự mình không thể rút ra những thông tin cần thiết nhất.

Một góc trưng bày chưa gây nhiều ấn tượng tại Bảo tàng PKKQ trong dịp kỷ niệm 40 năm "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không". Ảnh: VIỆT LAM.

Thứ 2: Ngay phần mở đầu của trưng bày là những pano ảnh chân dung những nhân vật tiêu biểu cho bộ đội pháo cao xạ trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; 30 chân dung các anh hùng lực lượng vũ trang…; 18 chân dung các vị Tư lệnh, Chính ủy Bộ tư lệnh, 30 chân dung Phó tư lệnh, Phó chính ủy cùng nhiều loại chân dung khác. Thử hỏi một cuộc trưng bày nhỏ như vậy có nên đưa ra cả trăm chân dung không? Hơn nữa các bức ảnh này lại để quá cao, không thể xem kỹ bức ảnh chứ chưa nói đến đọc được chú thích tên từng vị. Ai mà có thể nhớ được từng ấy vị khi không có cái gì làm điểm nhấn gây ấn tượng. Ai mà có thể hiểu được những đóng góp của họ khi không hề có một dòng thông tin nào khác ngoài họ tên. Chỉ cần chọn 5-7 nhân vật với những câu chuyện thật cụ thể về ký ức, về kỷ niệm, về chiến công của họ thì chắc sẽ gây ra sự xúc động mạnh mẽ. Một bảo tàng quân đội hiện đại đề cao tính nhân văn nên rất cần những câu chuyện kể về cá nhân.

Thứ 3: Hiện vật ở triển lãm bày theo kiểu hàng xén, từng mớ một đồng đều nhau, trong khi chúng ta có nhiều hiện vật đáng lẽ có thể làm cho người xem phải dừng chân và tự suy nghĩ. Không làm được điều này là một điều đáng tiếc. Ví dụ trong bộ hiện vật mũ, có một chiếc mũ vô cùng đặc biệt: Phía trước mũ có một lỗ thủng lớn. Đó là một lỗ đạn hay mảnh bom đã xuyên thủng chiếc mũ? Người chiến sĩ đội mũ đó đã hy sinh trong một trận đánh được ghi rõ ngày, tháng, năm nào? Ở đây có 2 thiếu sót về kỹ năng làm bảo tàng, về thủ pháp trưng bày để gây cảm xúc. Một là, chiếc mũ này bị trưng bày lẫn vào bộ sưu tập mũ sắt làm che mất/lu mờ tính độc đáo của nó. Nếu chiếc mũ này được trưng bày ở một tủ kính riêng phù hợp với kích thước của mũ và được đặt ở một vị trí đặc biệt (dù không gian trưng bày hẹp) thì sẽ làm người xem chú ý và tôn vẻ linh thiêng của chiếc mũ này.

Thay đổi cách tiếp cận mới về đồ họa ở bảo tàng

Một ví dụ khác là chưa có bảo tàng nào trong quân đội có một bộ thiết kế chuẩn về đồ họa (màu sắc chủ đạo, dáng vẻ, cỡ chữ, loại chữ…), cho tất cả các ấn phẩm của mình (từ gấp, tờ rơi, cataloge, sách…) cho hiện tại và tương lai như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng như các bảo tàng tiên tiến trên thế giới. Những thiếu sót trên thể hiện chúng ta chưa coi trọng đồ họa trong bảo tàng và chưa chuyên môn hóa người thiết kế đồ họa cho bảo tàng. Chúng tôi cho rằng, các bảo tàng trong quân đội của chúng ta cần quan tâm hơn tới công tác đồ họa và cách tiếp cận mới về đồ họa. Đặc biệt những người làm thiết kế trưng bày dần dần phải có người được đào tạo chuyên về đồ họa bảo tàng, phải học về đồ họa bảo tàng hiện đại.

Gắn bảo tàng với cộng đồng, đặc biệt cộng đồng CCB, thanh niên xung phong hỏa tuyến

Bảo tàng gắn với cộng đồng là một xu hướng hoạt động quan trọng của bảo tàng hiện đại. Chính nhờ phát triển cách tiếp cận này mà nhiều bảo tàng trở nên sống động hơn, hấp dẫn khách tham quan hơn. Chẳng hạn, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thường gắn với những người thợ thủ công (dệt vải, làm gốm, mộc, rèn…), những nghệ nhân nắm giữ di sản nghệ thuật trình diễn dân gian như múa rối nước, hát quan họ, trống quân. Gần đây Bảo tàng này lại mở ra mối quan hệ mới với các nhóm cộng đồng mới, nhỏ hơn như nhóm thanh niên thích Hip-hop, nhóm gia sư là sinh viên, nhóm bán hàng rong,… để cùng hợp tác làm những trưng bày về cuộc sống thường ngày và những vấn đề của chính họ.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và nhiều bảo tàng khác trong quân đội đã hình thành một truyền thống, rất hữu ích, đó là mở các cuộc vận động sưu tầm các kỷ vật thời kháng chiến. Đây chính là một cách kết nối cộng đồng: Kết nối với nhóm các cựu chiến binh (CCB) từ chiến sĩ, sĩ quan đến các vị tướng lĩnh, các gia đình liệt sĩ, gia đình CCB. Họ đã đóng góp nhiều hiện vật, tư liệu cho bảo tàng. Các bảo tàng thường tổ chức trưng bày kết quả cuộc vận động này hằng năm hay mỗi khi sơ kết, kết thúc cuộc vận động. Đó là một cách làm hữu ích trong việc phát triển mối quan hệ với cộng đồng của bảo tàng. Nhưng có lẽ nếu chỉ dừng lại ở đó thì vẫn chưa đủ và rất đơn điệu, mà cần sáng tạo thêm nhiều cách làm có sức thuyết phục hơn nữa.

Điểm mấu chốt ở đây là sự thay đổi vai trò của cộng đồng tham gia vào trưng bày và của cán bộ bảo tàng trong cuộc trưng bày. Từ trước đến nay cán bộ bảo tàng là tiếng nói duy nhất, là người độc tôn triển khai trưng bày. Nếu có thêm cộng đồng tham gia ở các cuộc trưng bày với các vị trí rất đa dạng, họ có thể trở thành người quyết định ý tưởng trưng bày, cách thể hiện trưng bày, các bảo tàng trong quân đội có thể áp dụng cách tiếp cận này không? Chúng tôi cho rằng, hoàn toàn có thể được. Chúng ta có thể tổ chức những cuộc trưng bày chuyên đề dựa vào các CCB để kể về một trận đánh, về cuộc chiến đấu hay cuộc sống thường ngày của bộ đội trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó. Những câu chuyện cá nhân của tướng lĩnh, sĩ quan hay chiến sĩ trong thời kháng chiến nếu được kể sẽ có sức thu hút mạnh mẽ đối với người xem. Định hướng này sẽ làm cho bảo tàng phong phú hơn, nhân văn hơn, sống động hơn và trở nên vui hơn, thích thú hơn. Bởi hơn ai hết, người CCB đã từng sống, chiến đấu ở môi trường đó rất hiểu cần phải kể câu chuyện gì và nên kể thế nào về mình cũng như về đồng đội của mình.

Câu hỏi làm thế nào để bảo tàng có thể thu hút đông đảo khách tham quan luôn luôn là một câu hỏi lớn và rất lớn. Nó đề cập đến nhiều vấn đề. Nếu chúng ta nhận thức sâu sắc, tìm ra nhiều phương án sáng tạo để làm tốt từng điểm này, sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt của mỗi bảo tàng trong quân đội.

PGS, TS NGUYỄN VĂN HUY