Trong số này có đô vật nhí mới lên 8 tuổi, có cả người bước sang tuổi "cổ lai hy". 

Lễ hội vật Mai Động được tổ chức từ mồng 4 đến mồng 7 tháng Giêng hằng năm, nhằm tưởng nhớ công đức Thành hoàng làng Tam Trinh. Theo thần phả hiện lưu giữ tại đình Mai Động, tướng Tam Trinh có công dạy vật, dạy chữ và truyền nghề làm đậu phụ cho dân làng Mai (nay là phường Mai Động). 

Cái hay của lễ hội vật truyền thống Mai Động là người dân và du khách đều có thể tham gia. Ban tổ chức sẽ dựa theo chiều cao, cân nặng, tuổi tác của đô vật mà chia cặp thi đấu, theo các giải: Nhí, lèo, ba, nhì, nhất. Trong đó, giải nhí và giải lèo, mỗi đô vật cần thắng 2 trận tuyệt đối theo kiểu “lấm lưng trắng bụng”. Đô vật thi đấu giải ba và nhì cần thắng 3 trận tuyệt đối. Trong đó, giải nhất là khốc liệt nhất khi mỗi đô vật cần vượt qua vòng loại, tiến tới vòng chung kết. Phần thưởng cho các đô vật chiến thắng ngoài tiền cố định của ban tổ chức (3 triệu đồng cho đô vật đoạt giải nhất) thì còn tùy thuộc vào người xem. Bởi vậy, không bất ngờ khi nhiều du khách hảo tâm thưởng cho các đô vật, có keo vật hay được thưởng tới hai chục triệu đồng.

leftcenterrightdel
Một keo vật tại giải lèo.  

Trải qua 21 mùa hội vật Mai Động, anh Lê Xuân Thành (33 tuổi, trú tại xóm Đình, phường Mai Động) bước vào sới vật với tinh thần tự tin, ra đòn dứt khoát. Dễ dàng thắng tuyệt đối hai đối thủ ở giải lèo, anh Lê Xuân Thành phấn khởi nói: “Thật tự hào khi tôi sinh ra ở Mai Động, được thừa hưởng truyền thống thượng võ của cha ông. Nhờ đấu vật từ nhỏ mà tôi được tuyển chọn vào đội tuyển vật Việt Nam và giành Huy chương Bạc Đại hội thể thao Đông Nam Á 2023. Mỗi khi đình Mai Động rộn ràng tiếng trống hội là tôi đều về tham dự”.

Theo Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Lợi, Trưởng ban Quản lý di tích đình-nghè Mai Động, lễ hội vật Mai Động thường thu hút nhiều đô vật chuyên nghiệp và không chuyên từ nhiều sới vật trong nước và quốc tế. Năm nay, lễ hội tổ chức từ 40 đến 50 keo vật, bảo đảm sự công bằng và vui tươi. “Thật vui mừng khi nhân dân từ trẻ đến già của phường Mai Động đều quan tâm và hưởng ứng lễ hội vật. Để mạch nguồn vật truyền thống Mai Động luôn tuôn chảy là nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, các tập thể, cá nhân trong hỗ trợ huấn luyện, đào tạo các đô vật nhí trong phường”, Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Lợi nhấn mạnh.

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.