QĐND - Vào những năm giữa và cuối thế kỷ XIII, vua tôi triều Trần đã tiến hành ba cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông thắng lợi. Tuy đã đánh bại đội quân xâm lược hùng mạnh song, nhằm giữ vững nền hòa bình lâu dài cho quốc gia, tránh mọi sự tổn hại đối với nhân dân do các cuộc chiến tranh của ngoại bang đem lại, triều đình nhà Trần đã chủ động xây dựng quan hệ hòa hiếu thông qua những lần tiếp đón sứ thần triều Nguyên, đồng thời phái cử các đoàn sứ bộ sang Nguyên. Theo thống kê của Lê Tắc trong An Nam chí lược, tính từ năm 1289 (tức là một năm sau chiến thắng giặc Nguyên Mông lần thứ ba năm 1288) đến năm 1339, có tới 26 đoàn sứ bộ của triều Trần sang Nguyên.

Trong những lần cử phái đoàn sang Nguyên của triều Trần giai đoạn cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV, chúng ta cần phải nhắc đến hai lần đi sứ của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi vào các năm 1308 và 1324.

Năm 1308, tức là sau 4 năm đỗ đầu khoa thi Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long thứ 12 đời vua Trần Anh Tông (1304), Mạc Đĩnh Chi giành được sự tin cậy của triều Trần cử đi giao thiệp với sứ mệnh trọng đại là chúc mừng việc lên ngôi của vua Vũ Tông triều Nguyên. Quốc sử Việt Nam chép: “Sứ Nguyên là An Lỗ Uy sang báo tin Vũ Tông lên ngôi. Vua sai Mạc Đĩnh Chi sang Nguyên”. Và lần xuất ngoại đầu tiên của Mạc Đĩnh Chi đã không hổ danh là một tân Trạng nguyên của Đại Việt.

Đền thờ Mạc Đĩnh Chi tại Hải Dương. Ảnh: CTV

Với những ghi chép trong chính sử, chúng ta thấy hiển hiện một con người tuy thân hình thấp bé, xấu trai nhưng có một khí phách kiên cường, tài ứng đối mẫn tiệp trước các đại thần của Thiên triều, khiến cho vua quan triều Nguyên rất vị nể và thán phục. Tương truyền về những vế đối thông minh, sắc sảo của ông cũng được thịnh hành trong dân gian. Người Nguyên thấy ông có diện mạo dị tướng, đưa ra vế đối:

Ly vị võng lưỡng tứ tiểu quỷ

Mạc Đĩnh Chi xuất thần ứng tác:

Cầm sắt tì bà bát Đại vương

Trong vế xuất đối người Nguyên có ý chê Mạc Đĩnh Chi xấu như ma (quỷ), trong vế đối của Mạc Đĩnh Chi lại tự hào tuy là ma (quỷ) nhưng (thông minh) lại gấp đôi Đại vương của [nước các ngươi]. Cái tài tình ở chỗ: Xuất đối đưa ra các chữ đều có một bộ quỷ cộng lại thành "tứ tiểu quỷ”, ngược lại, vế đối của Mạc Đĩnh Chi lại đưa ra các loại nhạc khí đều có 2 chữ vương, tổng cộng là “bát Đại vương”, như vậy 4 con quỷ nhỏ Đại Việt bằng 8 vị Đại vương Thiên triều.

Khi yết kiến vua Nguyên, được báo trước về tài ứng đối xuất thần của Mạc Đĩnh Chi, vua Nguyên ra một câu đối đã chuẩn bị:

Nhật: hỏa; vân: yên; bạch đán thiêu tàn ngọc thố

(nghĩa là: Mặt trời là lửa, mây là khói; ban ngày đốt cháy vầng trăng).

Mạc Đĩnh Chi hiểu rõ ý tứ kiêu ngạo và cả mục đích hăm dọa của vua Nguyên. Ông lập tức ứng khẩu đối lại:

Nguyệt: cung; tinh: đạn; hoàng hôn xạ lạc kim ô

(nghĩa là: Trăng là cung, sao là tên; chiều tối bắn rụng mặt trời).

Vế đối đưa ra rất chỉnh và thể hiện rõ tinh thần bất khuất, không sợ cường bạo của người dân Đại Việt, luôn sẵn sàng tự vệ vô cùng hiệu quả, làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù.

Gần 20 năm sau, Trạng nguyên họ Mạc lại tái xuất sang phương Bắc. Vào thời gian này, Mạc Đĩnh Chi cũng ở độ tuổi gần 60, thuộc loại “cựu trào”. Mặc dù tuổi đã cao nhưng đứng trước tình hình cần phải có bề tôi kinh nghiệm giao thiệp với triều Nguyên, ông đã khảng khái nhận cầm cờ mao, vượt muôn trùng hiểm nguy, đảm đương trọng trách của một sứ thần. Việc tái cử Mạc Đĩnh Chi dẫn đầu sứ bộ năm 1324 chứng tỏ mức độ tin cậy tuyệt đối của vương triều Trần đối với Mạc Đĩnh Chi, nhưng đồng thời cũng thấy được uy tín sau lần đi sứ đầu tiên của ông vẫn còn có tiếng vang tại phương Bắc.

Mạc Đĩnh Chi với hai lần đi sứ đều đã đối ngoại ở tầm cao văn hóa, mềm mỏng nhưng kiên quyết; khiêm nhường và hiểu biết sâu rộng, sắc sảo, nêu cao được vị thế của quốc gia Đại Việt. Thông qua những lần ứng tiếp với các triều thần phương Bắc, Mạc Đĩnh Chi tỏ ra là một vị Trạng nguyên có tài thực sự, khiến cho “người Nguyên phải thán phục”. Điều này hoàn toàn phù hợp với nhận định của Phan Huy Chú về truyền thống tiếp sứ, đi sứ của triều Trần, góp phần tích cực trong việc kéo dài hòa hiếu, ngăn chặn ý đồ xâm lược của phương Bắc, nâng cao danh tiếng của các trí thức Đại Việt: “Nước ta đời nhà Trần ứng tiếp với sứ nhà Nguyên, khi cương khi nhu, đều là đắc thế cả, cho nên từ năm Trùng Hưng về sau mới có thể hết việc binh đao, mà Bắc sứ thường thường phải khuất phục. Trong khoảng hơn trăm năm, ngăn được sự nhòm ngó của họ mà tăng thêm thanh danh cho văn hiến nước nhà, đó là nhờ có sự giao tiếp đắc nghi giúp sức vậy”.

TS NGUYỄN HỮU TÂM (Viện Sử học)