Nhân Ngày lễ Tình nhân Valentine (14-2), phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với PGS, TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý-giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) về chủ đề này.

PV: Đã có nhiều câu chuyện tình yêu vượt thời gian của thế hệ đi trước khiến không ít người thèm được sống trong những mối tình như thế. Nếu so sánh giữa tình yêu thế hệ cũ và thời hiện đại, anh có suy nghĩ gì?

PGS, TS Trần Thành Nam: Tôi muốn bắt đầu bằng câu chuyện tình yêu của bố mẹ tôi. Bố tôi là bộ đội, mẹ là giáo viên. Dù họ yêu cách xa nhau, không có những món quà về vật chất nhưng tình cảm vẫn bền chặt. Họ đã cùng nhau trải qua những ngày gian khó và gắn bó bên nhau. Tôi cho rằng, tình yêu, hạnh phúc chính là cảm xúc. Cảm xúc đó không ở đâu xa mà chính bằng những suy nghĩ, rung cảm, sự tin tưởng của một người hướng về người khác.

PGS, TS Trần Thành Nam.

Không phải bạn trẻ nào khi lớn lên cũng hiểu được mối liên hệ tình cảm giữa bố và mẹ mình, của thế hệ trước. Nếu như ngày xưa, sự gắn bó được bền chặt bởi bên cạnh tình cảm còn là nghĩa thì ngày nay, khi quyền tự do cá nhân càng cao thì sự ràng buộc giữa tình và nghĩa không còn nhiều. Hầu như các bạn trẻ nhầm lẫn giữa tình cảm với cảm xúc. Họ có thể yêu khi chỉ thấy người nào đó hấp dẫn về mặt hình thức. Đôi lúc, mối quan hệ trong tình yêu rất lỏng lẻo mà nhiều người gọi đó là mối quan hệ không an toàn. Họ phải dùng thêm một thứ “gia vị” khác để đổi mới, để cảm thấy an toàn hơn trong mối quan hệ đó. Chính vì vậy, có rất nhiều đôi lứa rơi vào thứ tình yêu không được xây đắp bởi những cảm xúc tích cực nên không lâu dài, dễ bị rạn vỡ.

PV: Thứ “gia vị” khác mà anh vừa nhắc tới là gì?

PGS, TS Trần Thành Nam: Thực ra, cuộc sống càng ngày càng thay đổi quá nhanh, khiến một số bạn trẻ không đủ thời gian để ngẫm nghĩ, thậm chí đến với nhau cũng gấp gáp, vội vàng mà không hiểu được hết những đặc điểm, tính cách của người bạn mà mình đã lựa chọn. Nếu đặt mình ở con mắt của giới trẻ, khi đôi lứa mới đến với nhau, việc chinh phục nhau ví như trẻ con khi làm bài toán khó cần có động lực là phần thưởng. Hay như một người đàn ông về muộn, không chăm con, hoặc mắc lỗi thì sẽ có xu hướng tặng quà để chuộc lỗi. Trong tình yêu, cũng có những chuyện “đầu tư” để lôi kéo đối tượng được quan tâm về phía mình, mang vật chất để thu hút sự chú ý.

PV: Nói như vậy, liệu giá trị của tình yêu thời hiện đại có được đong đếm bằng những món quà về vật chất?

PGS, TS Trần Thành Nam: Dù ở thời đại nào, có thực dụng tới đâu thì giá trị, sự lãng mạn trong tình yêu không thể mất đi. Điều quan trọng ở mỗi món quà là ý nghĩa và tình cảm của mỗi người gửi gắm trong món quà đó. Đó là những món quà mang giá trị đúng.

Đôi bạn trẻ chụp ảnh cưới tại Mộc Châu (Sơn La) vào dịp lễ tình nhân Valentine.Ảnh: PHƯƠNG CHI.

PV: Với phương Tây, “sống thử” trước hôn nhân là câu chuyện hết sức bình thường nhưng ở Việt Nam, quan điểm này vẫn còn khá dè dặt. Anh nghĩ sao về điều này?

PGS, TS Trần Thành Nam: Ở phương Tây, vấn đề về bình đẳng giới đã được đề cập đến từ lâu rồi và trở thành vấn đề quan trọng trong xã hội. Ngay cả những đứa trẻ cũng được giáo dục về hôn nhân, giới tính. Việc giáo dục cho giới trẻ để trở thành những cặp đôi biết yêu thương, chăm sóc, thậm chí cả việc nhận biết đâu là tình yêu đích thực, đâu là tình yêu cảm mến cũng được các nước phương Tây giáo dục. Họ cũng có những giai đoạn trải nghiệm về việc “sống thử” với nhau để biết có phù hợp hay không. Họ cũng có những hợp đồng hôn nhân rất rõ ràng nếu kết hôn.

Riêng ở Việt Nam, công tác giáo dục để giới trẻ nhận ra được những giá trị tình cảm, giá trị đạo đức nói chung cũng chưa thực sự bài bản. Những kiến thức đưa vào trường học thường quá chậm so với sự phát triển của lứa tuổi. Thậm chí nhiều cặp đôi đã quyết định tiến tới hôn nhân cũng không có kiến thức về hôn nhân. Họ không cho rằng điều này là quan trọng, chính vì vậy lại càng làm tăng yếu tố rạn vỡ trong mối quan hệ tình cảm.

Chúng ta không thể nói các bạn trẻ không được “sống thử” trước hôn nhân như thời xưa, nhưng các bạn trẻ phải tự đưa ra quyết định của mình về việc có nên “sống thử” hay không và phải có kỹ năng tự phân tích về bản thân, về đối tác để biết được những mặt lợi, mặt hại và hệ lụy của nó. Có nhiều người “sống thử” giống như một hình thức tiết kiệm khi khó khăn hoặc khi cuộc sống quá nhàm chán, áp lực, thiếu người chia sẻ. Họ không phân tích được hệ lụy, thậm chí còn liên quan đến thế hệ sau nữa.

PV: Ngày nay, các bạn trẻ không ngại thể hiện tình cảm, thậm chí tỏ tình hay “yêu bạo” giữa chốn công cộng. Với nền văn hóa ưa kín đáo của Việt Nam, sự thể hiện tình cảm quá mức của các bạn trẻ, theo anh, có nên không?

PGS, TS Trần Thành Nam: Những trường hợp tỏ tình hoành tráng chưa chắc đồng nghĩa với mối quan hệ sẽ kéo dài, bền chặt. Điều quan trọng không phải là cách thể hiện tình cảm bằng hình thức mà quan trọng là hai cá nhân hướng về nhau như thế nào. Không thể nào lấy lịch sử ra so sánh với hiện tại, quan trọng là những điều các bạn làm có xuất phát từ rung cảm thật sự hay không. Không nhất thiết phải tặng 1.000 bông hồng, đôi khi chỉ cần một bông hồng nhưng cách thức bạn tặng thế nào để chạm được vào trái tim của người ấy. Đằng sau hành động hay cử chỉ là sự đã lắng nghe, theo dõi bằng cả tình cảm và sự tinh tế giống như văn hóa truyền thống vốn có trong tình yêu của thế hệ trước.

PV: Vậy theo anh, làm thế nào để giới trẻ có một tình yêu đẹp trong sự giao thoa giữa nền văn hóa truyền thống và hội nhập?

PGS, TS Trần Thành Nam: Hiện nay, chúng ta đang đưa những ngày lễ của phương Tây vào Việt Nam một cách rất hình thức, như ngày: Halloween, Valentine, Giáng sinh… Các bạn trẻ chỉ biết đến phần ngọn và làm theo trào lưu mà không hiểu sâu phần gốc là ý nghĩa của những ngày đặc biệt ấy. Tôi cho rằng, chúng ta cần tập trung truyền thông, giáo dục cho tuổi trẻ hiểu giá trị nguồn gốc của sự kiện đó. Khi thấm được giá trị, ý nghĩa thì các bạn có thể thể hiện tình cảm bằng nhiều cách khác nhau, có thể theo phương Tây hoặc phương Đông. Bởi dù ở phương nào thì những ngày đặc biệt cũng cùng chung một thông điệp là tình yêu thương, sự chia sẻ và bày tỏ sự chân thành với gia đình, người yêu, vợ chồng…

PV: Trân trọng cảm ơn anh!

NGUYỄN HOÀI (thực hiện)