Ngọn lửa cháy nghi ngút để lại một đống than đỏ rực. Bên cạnh, chục nam thanh niên người Pà Thẻn (xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) ngất ngây theo tiếng đàn pàn dơ. Thầy mo ngồi trên một chiếc ghế dài để cúng thần linh, tay cầm que sắt gõ vào một thanh sắt phía dưới ghế, phát ra những âm thanh gấp gáp liên tục trong 3-4 giờ đồng hồ. Trước mỗi buổi lễ, thầy cúng khấn thần linh phù phép cho những người đàn ông Pà Thẻn có được sức mạnh phi thường để nhảy vào đống lửa. Sau nghi lễ nhập thần, họ giẫm lên đống lửa bằng chân trần, tay không hất than nóng bỏng trong điệu nhảy độc đáo của mình. 

Một lúc sau khi than tàn, tiếng đàn kết thúc, các thanh niên Pà Thẻn mới thức tỉnh. Chân tay họ vẫn bình thường, cơ thể không bị bỏng. Điệu nhảy lửa vừa nguy hiểm vừa huyền bí ấy từ lâu đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của người Pà Thẻn, mới được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Thanh niên Pà Thẻn trong lễ nhảy lửa. 

Từng có kinh nghiệm hơn 10 năm tham gia nhảy lửa tại các lễ hội, anh Phù Văn Sự (35 tuổi) lý giải, đối với người Pà Thẻn, vị thần tối cao là thần lửa. Nhảy lửa biểu trưng cho cái thiện trong tâm tính con người và mong ước tốt đẹp đến với đời sống thường ngày của nhân dân. Điệu nhảy còn mang ý nghĩa thể hiện tính cách chân chất của người Pà Thẻn, phát huy tinh thần đoàn kết giữa người với người và lưu giữ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số. Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn thường được tổ chức hằng năm vào lúc giao thời giữa năm cũ và năm mới hoặc khi vào vụ thu hoạch lúa.

Anh Phù Văn Sự cho biết thêm, những người tham gia nhảy lửa đã được thần linh chọn. Khi thầy cúng làm lễ, họ được "thần nhập" vào người, thấy cơ thể khác lạ, hễ thấy lửa là lao vào. “Thần lửa sẽ nhập vào những ai có tâm tính tốt, hiền lành và vía yếu nhằm tiếp thêm sức mạnh. Tới khi người đã rất lạnh, chúng tôi khát khao nhảy vào ngọn lửa hồng để sưởi ấm và dùng đôi tay, chân trần hất than lên. Bình thường tôi nhìn vào lửa đã sợ, nhưng khi được "thần nhập" vào thì có thể nhảy múa cùng lửa”, anh Phù Văn Sự cho hay.

Theo quan niệm của người Pà Thẻn, nhảy lửa để tạ ơn thần linh đã phù hộ cho một năm mùa màng tốt tươi, cuộc sống no ấm, dân bản khỏe mạnh. Đống lửa được đốt lên cũng sẽ giúp xua đuổi ma tà, quỷ dữ và cái lạnh lẽo. Ông Trần Hải Quang, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Tuyên Quang khẳng định: “Đồng bào dân tộc Pà Thẻn ở xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình có duy nhất thầy mo tên Phù Văn Thành có khả năng cúng và "triệu hồi" các vị thần trong lễ nhảy lửa. Người được cấp sắc sẽ phải trải qua quá trình học rất dài trước khi lên làm thầy. Người Pà Thẻn nói riêng và đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang nói chung tự hào về lễ nhảy lửa truyền thống. Chúng tôi cam kết sẽ bảo tồn, phát huy và lan tỏa lễ nhảy lửa để xứng đáng với danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”. 

Mong muốn, cam kết ấy cũng chính là thái độ tôn trọng đối với di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số. Tăng cường các hoạt động bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, đặc trưng và phù hợp với điều kiện mới; bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy, bảo tồn và phát triển, nhất là phát triển bền vững về văn hóa, đặt trong mối quan hệ với kinh tế-xã hội chính là mong muốn xuyên suốt mà Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19-6-2020. 

Bài và ảnh: THANH HÒA

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.