Trải nghiệm văn hóa mang bản sắc Việt
Danh sơn Yên Tử, đỉnh cao nhất là 1.068m, là dãy núi cao nằm trong cánh cung Đông Triều của vùng núi Đông Bắc Việt Nam và cũng là một địa danh quan trọng trong bản đồ tâm linh của Việt Nam.
Nơi đây được coi là đất tổ của Phật giáo Việt Nam với hệ thống chùa, am, tháp trải dài từ chân núi lên đến đỉnh, tạo thành quần thể di tích Phật giáo độc đáo gắn liền với Thiền phái Trúc Lâm.
Ngày khai hội Xuân Yên Tử 2025, thời tiết mưa và giá rét nhưng hàng nghìn người dân vẫn đổ về chân núi thiêng để tham gia khai hội và hành hương về đất Phật. Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó trưởng ban Trị sự, Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Thông qua lễ khai hội, du xuân trẩy hội, chiêm bái, chúng ta học tập, chiêm ngưỡng và thực hiện những lời của Phật hoàng Trần Nhân Tông dạy để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Các hoạt động văn hóa diễn ra trong Lễ hội Xuân Yên Tử năm nay cơ bản mang tính truyền thống như nhiều năm, song hình thức tổ chức ngày càng hoàn thiện hơn, trong đó có một yếu tố rất quan trọng, đó là: Lễ hội là của nhân dân, là sự phục vụ cho nhân dân, là sự tự nguyện tham gia của nhân dân và là cảm thụ của nhân dân. Có thể thấy rõ qua dòng người hành hương về Yên Tử và sự tham gia của nhân dân, đặc biệt nhân dân các địa phương dưới dãy núi Yên Tử của thành phố Uông Bí. Họ đã dâng lên những sản vật địa phương để cúng tiến trong buổi rước lễ, tỏ tấm lòng thành kính với Đức Phật, Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông và những bậc anh linh của dân tộc. Chúng ta đều mong muốn chư Phật cũng như Đức vua Phật hoàng phù hộ cho nhân dân chúng ta có cuộc sống sung túc, no ấm quanh năm. Đó là một nguyện ước rất văn hóa của người Việt”.
 |
Biểu diễn nghệ thuật tại Lễ khai hội Xuân Yên Tử 2025.
|
Sau các nghi thức tâm linh như gióng trống, thỉnh chuông, lễ chúc phúc đầu năm, lễ cầu quốc thái dân an, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử... người dân bắt đầu leo núi Yên Tử, bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Những ngày này, thời tiết mùa xuân lạnh rét, có nhiều sương mù tạo nên khung cảnh huyền ảo. Gió buốt, mưa phùn khiến việc hành hương vất vả hơn nhưng dường như không làm chùn bước chân bộ hành. Tham gia lễ khai hội còn có sự góp mặt của những vị khách quốc tế. Christian Veenman (du khách Hà Lan) rất thích kiến trúc những ngôi chùa của Việt Nam, anh cho biết: “Dù sang Việt Nam được hơn 10 ngày nhưng đã đi được hơn 10 ngôi chùa từ Hà Nội, Ninh Bình đến Lào Cai. Ở Yên Tử, tôi thích không chỉ cảnh quan hùng vĩ mà còn những nghi thức tâm linh đầy bản sắc của lễ hội”.
Để Yên Tử ngày càng đẹp hơn
Được biết, mùa lễ hội năm nay, ban tổ chức đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức lễ khai hội xuân, đón khách tham quan Yên Tử và các lễ hội trên địa bàn thành phố bảo đảm an ninh-trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan, bảo đảm an toàn cho du khách tham gia các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo văn minh, lịch sự, đúng quy định.
Hội Xuân Yên Tử 2025 được tổ chức với những hoạt động đặc sắc và quy mô lớn hơn, tái hiện một lễ hội xuân xưa mang đậm nét truyền thống. Đặc biệt nghi lễ rước kiệu có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với sự tham gia của 11 đội kiệu từ các xã, phường thuộc thành phố Uông Bí và Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh. Các chương trình nghệ thuật đặc sắc, triển lãm văn hóa, các hoạt động trải nghiệm trò chơi dân gian... góp phần tôn vinh giá trị văn hóa, lịch sử và tạo cơ hội giao lưu, gắn kết cộng đồng.
Tính từ đầu năm tới ngày khai hội Xuân Yên Tử (ngày 7-2, tức mồng 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ), có hơn 100.000 lượt du khách, phật tử đã đổ về Yên Tử. Ông Lê Trọng Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm cho hay: “Trong hơn 20 năm qua, chúng tôi đã luôn nhất tâm đề cao tính chất di sản và trân quý từng cành cây, ngọn cỏ, ngọn núi tại vùng đất này để phát triển dịch vụ tại Yên Tử. Chúng tôi luôn phát triển các sản phẩm dựa trên 3 trụ cột chính là giá trị tâm linh, giá trị văn hóa lịch sử và giá trị thiên nhiên để đưa ra các sản phẩm phục vụ du khách ngày một tốt hơn, thông qua du lịch để quảng bá văn hóa, lịch sử và các giá trị tinh thần của vùng đất này. Hiện nay, ngoài khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử và Làng Nương, chúng tôi thường xuyên tổ chức đêm hội làng và các trò chơi dân gian để giới thiệu tới du khách nhiều nhất nét đẹp văn hóa tại Yên Tử”.
Ông Phạm Tuấn Đạt, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí cho biết: “Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động phối hợp với tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hải Dương xây dựng và hoàn thiện bộ hồ sơ khoa học "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc" đệ trình lên tổ chức UNESCO công nhận là di sản thế giới. Cùng với đó là nỗ lực tôn vinh các giá trị văn hóa lịch sử, đồng thời tăng độ nhận diện của di sản ở quy mô toàn cầu, trở thành tài nguyên cho phát triển du lịch, phát huy hiệu quả cho giá trị di sản. Nếu được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới sẽ là cơ sở vững chắc cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển bền vững, góp phần bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo nền tảng quan trọng để thành phố Uông Bí vững bước vào kỷ nguyên phát triển giàu mạnh của dân tộc”.
Bài và ảnh: HẠNH KHANG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.