Bước qua cửa rừng Nà Hẩu là khu rừng thiêng của bà con dân tộc Mông tại xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Bao năm qua, rừng luôn là nguồn sống, che chở cho đồng bào dân tộc Mông trong xã. Ông Lý Tòn Cầu - Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái - chia sẻ: “Tộc người Mông thường sống ở những nơi núi cao, những khu vực rừng rậm, rừng sâu thẳm nên tất cả cuộc sống của người dân đều cơ bản dựa vào rừng. Do đó, rừng có tác dụng nuôi sống, che chở cho người dân, đồng thời cũng gắn bó với cộng đồng người Mông từ nhiều đời nay, thế nên rừng có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng đối với cộng đồng người Mông. Ở đây người ta quan niệm rằng các vị thần như thần núi, thần sông, thần suối, thần cây cổ thụ rồi thần rừng, đều có sự che chở cho người dân. Đặc biệt, người ta rất tôn thờ Thần rừng nên hàng năm, cộng đồng người Mông tổ chức nghi lễ để thờ cúng Thần rừng, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi, cầu sức khỏe và người người nhà nhà được yên vui, ấm no và hạnh phúc”.
 |
Bước qua cửa rừng Nà Hẩu là khu rừng thiêng của bà con dân tộc Mông.
|
Lễ hội “Tết rừng” của đồng bào dân tộc Mông Nà Hẩu xưa kia được gọi là lễ cúng rừng, đã có từ khi người Mông di cư đến Nà Hẩu lập làng, lập bản và trở thành nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, tạo ra sắc thái văn hóa riêng của người Mông nơi đây. Theo truyền thống, Tết rừng Nà Hẩu sẽ được tổ chức tại 3 khu vực rừng thiêng của 3 thôn: Ba Khuy, Trung Tâm và Bản Tát. Ông Sùng A Sình - Thầy Mo tại thôn Bản Tát, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: “Theo quan niệm của người Mông, từ năm 1979, người Mông di cư từ Lào Cai, chủ yếu là khu vực Bắc Hà về đến Nà Hẩu này. Cúng Rừng thì từ xưa người Mông đã cúng rồi và khi đến đây thì các cụ cũng dựng lại lễ cúng này để cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, không bị sâu bệnh phá hoại hoa màu, trâu bò không bị hại gì”.
 |
Tết rừng Nà Hẩu được tổ chức tại 3 khu vực rừng thiêng của 3 thôn: Ba Khuy, Trung Tâm và Bản Tát.
|
Nghi lễ cúng rừng được thực hiện trên rừng, tại khu rừng có địa thế đẹp nhất của xã, nơi đây hội tụ đầy đủ linh khí của trời đất để thờ cúng Thần rừng và là nơi có cây cổ thụ lớn nhất thôn, mà dân làng gọi là khu rừng cấm, rừng thiêng. Tại Nà Hẩu, mỗi thôn đều có một khu rừng cấm, nơi có rất nhiều loại cây to, hàng trăm năm tuổi.
Lễ cúng rừng mở đầu bằng phần rước lễ vật lên khu rừng cấm. Nghi thức rước lễ được thực hiện trong không khí trang nghiêm, mang ý nghĩa thiêng liêng với ngụ ý báo cáo với Thần rừng và đất trời chứng giám cho việc cộng đồng làng xã tổ chức Tết rừng. Hoạt động này đã phản ánh rõ nét các hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian của đồng bào người Mông; thể hiện sâu sắc tính cộng đồng trong tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp, đồng thời tạo sự phong phú, hấp dẫn của các hoạt động văn hóa dân gian trong Tết rừng.
Lễ vật để dâng cúng Thần rừng gồm một cặp gà trống - mái, một con lợn đen hoặc vàng, rượu, hương, giấy bản… Đến giờ lành, Thầy cúng của bản kính cẩn dâng hương, gõ mõ bốn phương, 8 hướng và khấn mời Thần rừng về hưởng lễ vật, phù hộ, che chở, ban lộc rừng cho người dân trong xã; cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu… Nghi lễ cúng rừng gồm 2 phần: Cúng sống và cúng chín.
 |
Lễ vật dâng cúng Thần rừng được rước lên khu vực rừng thiêng. |
Đối với phần cúng sống, sau khi công tác chuẩn bị đã xong, thầy mo bắt đầu thổi một hồi tù và báo hiệu lễ cúng bắt đầu. Thầy mo vừa cúng vừa gõ mõ quay theo bốn hướng, từ Đông sang Tây, vừa gõ vừa khấn bằng tiếng Mông. Tiếp đó, thầy cúng bắt hai con gà sống, con gà trống màu trắng để bên phải, con gà mái màu đen hoặc vàng ở bên trái đầu quay vào bàn thờ. Theo quan niệm của đồng bào thì con gà trống màu trắng thể hiện cho sự trong trắng tinh khiết thờ thần nước, con gà mái màu đen hoặc vàng như màu của đất thờ thần đất, thần cây. Sau lễ tế gà sống, thầy cúng gõ mõ để báo hiệu tiếp tục lễ tế lợn sống. Ông Vàng A Pao - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái: “Khoảng ngày 25, 26 âm lịch đã chuẩn bị xong gà và lợn rồi. Lợn phải chọn đẹp nhất, đôi gà thì bắt buộc gà trống phải màu trắng, đẹp còn gà mái thì đen hay vàng đều được. Theo như ngày xưa, dân ít thì lợn chỉ phải mua con khoảng 30-40kg là đủ cho cả thôn. Gà không quy định trọng lượng nhưng con gà trống bắt buộc phải biết gáy, gà mái phải biết đẻ”.
Kết thúc phần lễ hiến sinh, các phụ lễ mang gà và lợn làm thịt, sắp đồ lễ chín chuẩn bị cho phần cúng chín. Nghi lễ cúng chín mang ý nghĩa tiễn đưa Thần rừng sau khi chứng kiến tấm lòng thành của dân bản. Sau khi những lễ vật cúng tế đã chế biến xong, thầy cúng lại tiếp tục cúng chín. Trong nghi lễ cúng chín, mâm lễ vật gồm hai con gà đã luộc chín, thủ lợn luộc chín.
 |
Nghi lễ cúng chín trong lễ cúng rừng của đồng bào Mông tại Nà Hẩu.
|
Sau khi cúng xong, phụ lễ hạ các lễ vật, còn thầy mo đốt tiền mã rồi gõ ba hồi mõ và thổi ba hồi tù và báo hiệu lễ cúng rừng đã kết thúc đồng thời tiễn đưa các vị thần linh. Tại các điểm cúng rừng, thầy Mo và người dân trải lá cùng ngồi xuống để họp làng, đánh giá tình hình bảo vệ rừng năm qua và cùng thề giữ rừng. Sau khi thực hiện nghi thức thề giữ rừng, Trưởng thôn và nhân dân bầu ra Tổ tự quản bảo vệ rừng năm mới (trước đây người Mông gọi là chủ rừng) của thôn, gồm: 4 người đàn ông là những người mạnh mẽ, am hiểu về cây rừng và hiểu tập quán của bà con trong thôn. Ông Hà Trung Kiên - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái - cho biết: “Bốn người này sẽ làm việc: Cắm mốc các vị trí rừng để cấm rừng cũng như bảo vệ rừng trong thời gian tới. Ngoài ra, ở đây người Mông còn có nghi lễ ăn thề, tức là, đồng bào người Mông sẽ tổ chức cam kết bảo vệ rừng trong thời gian 1 năm. Sau đó, hết một năm chúng tôi sẽ tổ chức bình xét, bình chọn, biểu dương và bầu ra lực lượng tổ bảo vệ rừng mới để thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng trong thời gian tới”.
Sau khi bầu xong tổ tự quản của năm, tại điểm cúng rừng, nhân dân sẽ cùng nhau hát ca, chơi các trò chơi dân gian và tổ chức ăn tết trên rừng. Kể từ ngày làm lễ cúng Rừng, 3 ngày sau, người dân nơi đây có tục kiêng lên rừng, kiêng hái lá, đào bới đất, kiêng phơi quần áo ngoài giọt gianh nước mưa xuống (tóm lại là không mang cây rau xanh từ rừng về nhà). Trong thời gian kiêng lên rừng mà người dân phát hiện ra một ai đó vi phạm những điều cấm đã được cam kết thì sẽ bị Tổ tự quản xử lý vi phạm. Tục phạt là người vi phạm phải nộp 1 con lợn, 1 đôi gà cúng, mời một số thành phần trong thôn hoặc mời cả làng ăn cùng. Do đó, từ những ngày trước lễ, nhân dân đã chuẩn bị sẵn đầy đủ lương thực, thực phẩm để phục vụ cho 3 ngày này.
 |
Bà con cùng nhau ăn tết tại điểm cúng rừng.
|
Ông Hà Trung Kiên chia sẻ: “Đến nay, Tết rừng của người Mông xã Nà Hẩu đang được cấp ủy chính quyền từ tỉnh, huyện, xã đặc biệt quan tâm và được cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng. Do vậy, bà con nhân dân rất hồ hởi, phấn khởi. Sau Tết Nguyên đán, tất cả bà con chuẩn bị tập trung cho ăn Tết rừng và phong tục tập quán đó đến nay vẫn được trao truyền, lưu giữ rất tốt. Chúng tôi tin rằng, với các nét đẹp văn hóa của người Mông cũng như phong tục Tết rừng, cánh rừng khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu sẽ mãi mãi xanh tốt phục vụ cho phát triển du lịch cũng như đời sống bà con nhân dân Nà Hẩu trong thời gian tới”.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.