Với người Việt Nam, Tết Nguyên đán là dịp lễ đầu năm quan trọng, chứa đựng nhiều mong ước cũng như những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Lễ ông Công, ông Táo và dựng cây Nêu là nghi thức truyền thống trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt, mang màu sắc Phật giáo và tín ngưỡng dân gian.
 |
Lễ dựng cây Nêu. |
Trước đây, dưới thời các triều Lý, Trần, Lê, tục dựng cây nêu thường được tổ chức vào ngày 23 hoặc 25 tháng Chạp. Cây Nêu được dựng trước cổng Đoan Môn thường do nhà vua làm chủ lễ hoặc phải là viên quan hàm “Tam phẩm” trở lên mới được nhận chỉ dụ của nhà vua làm chủ lễ. Trước khi dựng Nêu phải lập đàn tế trời đất, sau phần lục cúng, ngũ bái dâng lễ vật mới tiến hành động thổ dựng Nêu. Phong tục tốt đẹp này mới được khôi phục mấy năm gần đây và được coi là một biểu tượng văn hóa truyền thống của mảnh đất Kinh kỳ trong những ngày Tết Nguyên đán.
Trong khuôn khổ các hoạt động chào năm mới tại Hoàng thành Thăng Long, còn có triển lãm chủ đề “Tiến lịch đón xuân sang”. Triển lãm giới thiệu với người xem quy trình làm lịch cũng như ban hành lịch của triều đình nhà Lê, đặc biệt phỏng dựng bìa sách ngự lịch tiến vua. Đồng thời, trưng bày cũng tái hiện một cách sinh động quy trình san khắc, in ấn, đóng quyển lịch thông qua bộ sưu tập dụng cụ, nguyên liệu chuyên dụng của nghệ nhân khắc mộc bản.
 |
Nghi Lễ thả cá chép tại Hoàng thành Thăng Long. |
Ngoài ra, Trung tâm vẫn tiếp tục duy trì trưng bày không gian phong tục Tết truyền thống mô tả không khí chuẩn bị đón Tết, phong tục cúng gia tiên, tục treo tranh Tết, câu đối Tết, chúc Tết....
Đặc biệt, trong dịp Xuân mới năm nay, không gian khu di sản được sắp đặt nhiều tiểu cảnh, vườn hoa rực rỡ. Khu vực Đoan Môn được trang trí nổi bật với nhiều loài hoa như: Hoa xác pháo, hoa hướng dương, hoa cúc và hoa hồng.
Năm nay, do đại dịch Covid-19 nên các hoạt động được tổ chức đơn giản hơn đồng thời đảm bảo các quy định phòng, chống dịch.
Tin, ảnh: KHÁNH HUYỀN