“Nếp gấp thời gian” hằn trên từng chiếc quạt

Nghề làm quạt của người Chàng Sơn đã xuất hiện cách đây hơn 200 năm. Ngay từ thế kỷ XIX, quạt Chàng Sơn đã nổi tiếng trong và ngoài nước. Người Pháp đã từng nhiều lần mang quạt Chàng Sơn vượt đại dương xa xôi sang Paris triển lãm. Đến thời bao cấp, xã Chàng Sơn chuyên sản xuất quạt giấy cho Nhà nước. Nhờ đó, tinh hoa nghề quạt có cơ hội tỏa khắp muôn nơi.

Theo dòng chảy cuộc sống, khi đất nước ngày một phát triển hơn, quạt điện tiện dụng đã dần thay thế các loại quạt nan, quạt giấy truyền thống. Cũng vì thế mà nghề làm quạt làng Chàng Sơn bị thất truyền một thời gian dài.  

 Những chiếc quạt được bó lại gọn gàng tại xưởng quạt nhà bà Nguyễn Thị Tuấn. Ảnh: PHƯƠNG LY

Mãi sau này, nghệ nhân Dương Văn Mơ đã tiên phong đứng lên để tìm lại và khôi phục nghề quạt truyền thống của làng. Vài chục năm trước, khi nghề làm quạt ở Chàng Sơn đứng trước nguy cơ thất truyền, phong trào khôi phục lễ hội truyền thống ở các xã quanh Chàng Sơn được đẩy mạnh.

Năm 2009, trong lễ hội phố hoa chào xuân, du khách mọi miền đã trầm trồ thán phục trước vẻ đẹp lộng lẫy, sắc nét của chiếc quạt khổng lồ do chính tay nghệ nhân Dương Văn Mơ tự mình chuẩn bị trước đó hơn một tháng trời. Riêng phần vẽ bức tranh phiên chợ cổ Hà Nội trên giấy quạt đã mất 8 ngày, 11 thanh nan quạt được xẻ từ một khúc gỗ chò lớn. 

Sau tiếng vang của chiếc quạt khổng lồ, nghề làm quạt Chàng Sơn ngày càng được biết đến rộng rãi hơn trong nước và quốc tế. Trong quá trình khôi phục làng nghề, cụ Mơ đã đặt toàn bộ tâm huyết của mình trong từng bước làm quạt, được lắng nghe biết bao câu chuyện về những giai đoạn phát triển thăng trầm trên chính mảnh đất quê hương mình.

Tại xưởng quạt giấy của gia đình bà Nguyễn Thị Tuấn ở xóm Đình, những chồng quạt giấy được bó thành từng xấp, xếp gọn trong các góc nhà. Khác với xưởng quạt khác, hộ nhà bà Tuấn chuyên làm quạt đặt theo yêu cầu để quảng cáo in logo hình ảnh, làm quà tặng, quảng bá sự kiện, quà cưới… hoặc quạt khổ to treo tường. 

Bà Tuấn sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Chàng Sơn nên cũng nối nghiệp gia đình với nghề làm quạt. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc làm quạt nhỏ lẻ, bà cùng các con biết cách nắm bắt xu thế để nâng tầm nghề thủ công truyền thống này. Các sản phẩm quạt của gia đình bà luôn có nét đặc trưng riêng, những hình ảnh đậm nét văn hóa Việt Nam như: Quốc kỳ, tranh Đông Hồ, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh... được gia đình bà khéo léo vẽ lên từng chiếc quạt.

Bà Tuấn chia sẻ: “Quạt không chỉ là vật dụng làm mát mà nó còn có thể biến thành những tác phẩm nghệ thuật, những nét văn hóa đặc trưng, đặc biệt mà người khác có thể cảm nhận được”. 

Quạt Chàng Sơn do gia đình bà Nguyễn Thị Tuấn sản xuất trưng bày tại hội chợ thương mại. Ảnh: NVCC

Mỗi cây quạt được người dân làng Chàng Sơn làm ra mang theo tình cảm của chính họ với quê hương mình. Để nghề truyền thống do cha ông truyền lại không bị mai một, nhiều thế hệ từ già đến trẻ tại làng Chàng Sơn đều đang miệt mài, người già góp sức làm quạt, người trẻ cố gắng sử dụng công nghệ hiện đại giúp quảng bá hình ảnh cây quạt của quê hương mình đi xa nhất có thể.

Nghề làm quạt cần thay đổi để phát triển

Làng Chàng Sơn ngày nay, làm quạt đã trở thành một nghề sản xuất đem lại thu nhập cao cho người dân trong vùng. Những chiếc quạt Chàng Sơn đã có thể vượt đại dương, xuất khẩu sang cả Nhật và Hàn Quốc với đa dạng về mẫu mã, chủng loại, kiểu dáng. Không chỉ làm ra những chiếc quạt giấy, quạt nan mà nay người Chàng Sơn còn sản xuất quạt lụa các cỡ, riêng quạt tranh có kích cỡ đến hàng mét. Các loại quạt cỡ lớn chủ yếu được đặt hàng bởi các đoàn nghệ thuật, lễ hội, các công ty du lịch, du khách quốc tế.

Để hội nhập và thích nghi với thời đại công nghệ số phát triển, người dân làng Chàng Sơn cũng đang bắt đầu học hỏi và thích nghi với việc “bán quạt online”. Khách đặt hàng mua quạt hầu như là những người trẻ, thích sự tiện lợi và nhanh chóng khi sử dụng các nền tảng trực tuyến.

Nhìn thấy cơ hội phát triển, người dân trong làng cùng nhau thay đổi từ bán nhỏ lẻ tại các chợ, truyền miệng nhau để quảng bá quạt sang bán trên các website, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. 

Tại xưởng nhà bà Tuấn, bà đã cùng các con xây dựng một trang web riêng, kết hợp  quay các video và đăng tải trực tuyến lên nền tảng Facebook nhằm tiếp cận lượng lớn khách hàng trẻ tuổi.

“Quạt nhà tôi bây giờ chủ yếu được đặt hàng trước. Các bạn trẻ bây giờ cũng rất thích yêu thích văn hóa xưa, có một số bạn trẻ còn đặt quạt giấy số lượng lớn để làm quà cưới cho khách, vừa ý nghĩa lại mang đậm bản sắc truyền thống quê hương”, bà Tuấn chia sẻ.

 Nhiều du khách nước ngoài chụp ảnh cùng bộ quạt bốn mùa do bà Nguyễn Thị Tuấn sáng tạo. Ảnh: NVCC

Không chỉ dừng lại ở việc làm kinh tế, bà Tuấn còn mang quạt Chàng Sơn đến các triển lãm, hội chợ lớn nhỏ trong nước và quốc tế. Bà đã phối hợp cùng các cụ ông, cụ bà từ Trung tâm Bách Niên Thiên Đức sáng tạo những chiếc quạt mang chủ đề bốn mùa đặc biệt, tạo nên không gian tràn ngập sắc màu để trưng bày triển lãm tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Trong triển lãm có nhiều du khách quốc tế, họ tỏ ra thích thú và chụp nhiều ảnh lưu niệm cùng những chiếc quạt mang đậm nét văn hóa Việt Nam.

Dần dần, nghề làm quạt không chỉ giúp cải thiện đời sống người dân làng Chàng Sơn, mà còn góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống một làng nghề lâu đời, góp phần quảng bá văn hóa Việt với bạn bè trong nước và quốc tế.

PHƯƠNG LY

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.