Tại cửa hàng giày da Điệp Luyện, chị Lê Thị Luyện đang cẩn thận kiểm tra chất lượng các sản phẩm mới hoàn thiện. Các mẫu giày thành phẩm được cung ứng cho một số cửa hàng ở trung tâm Hà Nội. Để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường, việc bảo đảm chất lượng là yếu tố quyết định. Do đó, sản phẩm làm tại xưởng phải được kiểm tra chặt chẽ từ khâu chọn nguyên liệu đến gia công, đóng gói, xuất xưởng. Theo anh Trần Hữu Điệp, một sản phẩm giày gồm phần mũi, phần đế và các phụ kiện đi kèm. Nguồn nguyên liệu da đã qua chế biến được nhập từ nhà máy. Phần đế có thể là nhựa hoặc cao su. Thợ mũi chịu trách nhiệm thiết kế mẫu mã, cắt gọt, tạo hoa văn cho da. Sau đó, thợ đế gò da vào đế và hoàn thiện đôi giày.
 |
Cửa hàng giày da ở thôn Giẽ Thượng giới thiệu sản phẩm xuất ra thị trường. |
Nói về truyền thống làng nghề, ông Nguyễn Lương Đức, Chủ tịch Hội Da giày Phú Yên tự hào nhắc đến công lao của dòng họ trong việc truyền dạy và phát triển nghề đóng giày cách đây hơn trăm năm. Vào những năm đầu thế kỷ 20, trong làng có cụ Nguyễn Lương Nghé vì nghèo đói phải bươn chải lên Hà Nội kiếm sống. Ở đây, cụ học được nghề đóng giày da trên phố Tràng Tiền và chỉ sau 3 năm đã thành nghề. Lúc này, cụ Nghé cùng người cháu là Nguyễn Lương Mạc ra Quảng Ninh mở một cửa hàng lấy tên “Hiệu hài xưởng Nguyễn Mạc”. Nhờ tay nghề cao nên hiệu giày của cụ Nghé trở nên nổi tiếng nhất nhì đất Bắc. Trong xưởng lúc nào cũng có từ 40 đến 50 thợ là người làng học nghề. Khi tay nghề các thợ Phú Yên đã vững, cụ Nghé mới khuyên họ vào Nam mở xưởng. Chỉ chục năm sau, khắp các cửa hàng giày da ở Việt Nam đều có mặt người Phú Yên.
Nghề giày da truyền thống từ đó phát triển. Trong các công đoạn sản xuất, tùy theo khả năng mà mỗi người tham gia vào một công đoạn. Trẻ thì cắt da, đóng đinh, già thì bôi mủ, cắt chỉ, đóng gói. Trước đây, việc đóng giày làm hoàn toàn thủ công qua rất nhiều công đoạn như cắt, dán, khâu dùi, mài giũa mới ra được một đôi giày. Giờ ứng dụng máy cắt, máy dập, máy bào nên việc sản xuất nhanh và đẹp hơn nhiều. Các khuôn được đúc sẵn theo những cỡ số tiêu chuẩn để sản xuất đồng loạt. Nếu ai muốn làm riêng, hoặc chân quá cỡ thì thợ sẽ đo chân để đóng giày, tuy nhiên giá thành các sản phẩm đó khá cao. Hiện nay, nhiều xưởng tổ chức sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, nên đặt các gia đình làm từng phụ kiện, sau đó ghép lại thành sản phẩm hoàn chỉnh. Nhờ áp dụng máy móc nên các sản phẩm hiện nay có mẫu mã đa dạng, đẹp mắt, chất lượng tốt.
Theo ông Nguyễn Đại Hoan, Bí thư Đảng ủy xã Phú Yên, hiện toàn xã có hơn 500 hộ tham gia sản xuất, kinh doanh giày da, thu hút hàng nghìn lao động trong và ngoài xã đến làm việc. Công suất hiện nay trong các làng nghề đạt khoảng 1.700-1.800 đôi/ngày. Thu nhập bình quân của người thợ từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, có hơn 100 cơ sở sản xuất đăng ký nhãn hiệu độc quyền với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhằm bảo vệ uy tín thương hiệu. Sản phẩm giày da Phú Yên được xuất ra thị trường trong và ngoài nước. Các làng nghề giày da truyền thống đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, tạo đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển.
Bài và ảnh: THẾ ANH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.