Buổi tọa đàm có sự tham gia của TS Phạm Thị Kiều Ly, tác giả cuốn sách “Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ”; PGS, TS Trần Trọng Dương, nhà nghiên cứu Hán Nôm và TS Vũ Đức Liêm, nhà nghiên cứu lịch sử.

Các diễn giả đã chia sẻ với bạn đọc xoay quanh câu chuyện về chuyến hành trình sáng tạo và phát triển, phổ biến chữ viết hệ Latin của tiếng Việt, kể từ khi giáo sĩ Alexandre de Rhodes lần đầu đặt chân tới Việt Nam vào gần 400 năm trước (năm 1642) và giá trị của các loại văn tự được ghi nhận trong sự thăng trầm của lịch sử Việt Nam.

Quang cảnh tọa đàm.

TS Phạm Thị Kiều Ly nhận định, chữ viết chính là một trong những thành tựu văn hóa nổi bật nhất của nền văn minh nhân loại. Đầu thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ đã góp phần rất lớn trong công cuộc khai dân trí thức, xóa nạn mù chữ cho đa phần người dân Việt Nam thời kỳ bấy giờ. Trải qua nhiều biến động chính trị và giáo dục, chữ Quốc ngữ dần thay thế chữ Nho trong các văn bản hành chính nhà nước và trở thành chữ viết chính thức của Việt Nam. Sắc lệnh số 20/SL và Hiến pháp năm 1946 là hai văn bản chính trị đầu tiên thể hiện chính sách của nhà nước trong việc công nhận và phổ biến chữ Quốc ngữ.

Cũng tại buổi tọa đàm, Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu cuốn sách “Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ” của tác giả Phạm Thị Kiều Ly, họa sĩ Tạ Duy Long vẽ minh họa. Đây là cuốn tranh truyện bán hư cấu kể lại câu chuyện cuộc đời nhiều thăng trầm của giáo sĩ Alexandre de Rhodes, một vị linh mục, người của Tòa thánh Vatican, đã tới Việt Nam từ thế kỷ XVII  và có công rất lớn trong việc in cuốn từ điển đầu tiên của tiếng Việt (từ điển Việt-Bồ-La) vào năm 1651.

Cuốn sách “Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ” cũng sẽ là lời giải đáp về sự ra đời của chữ viết tiếng Việt, góp phần lan tỏa vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt.

Tin, ảnh: VÂN HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.