Hiện nay, dù nhiều trường học vẫn tổ chức các ngày hội đọc sách hay treo khẩu hiệu kêu gọi đọc sách, nhưng phong trào đọc vẫn thiếu chiều sâu. Nhiều học sinh đọc vì bị "giao nhiệm vụ" chứ không phải vì thực sự yêu thích. Thư viện trường thường thiếu hấp dẫn, sách cũ... khiến học sinh khó tìm thấy cảm hứng đọc.

Cô Nguyễn Thị Lan Hương, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) chia sẻ: “Nhiều học sinh học giỏi nhưng lại ngập ngừng khi nói về một cuốn sách nổi tiếng. Đó là điều đáng tiếc vì kiến thức giúp các em thi tốt, làm việc tốt, còn sách lại giúp các em sống tốt. Đọc sách không chỉ phục vụ học tập mà còn hình thành tư duy độc lập, bồi đắp cảm xúc và sự đồng cảm...". 

Thư viện trường học cũng là nơi các em học sinh có thể học tập, nghiên cứu, kết nối tri thức. 

Muốn lan tỏa văn hóa đọc, cần thay đổi từ gốc. Thư viện cần trở thành không gian sống, nơi học sinh được tự do khám phá với các loại sách đa dạng, thủ thư tận tâm và môi trường gần gũi. Giáo viên cũng đóng vai trò then chốt khi kết nối bài giảng với những cuốn sách hay, khơi dậy sự tò mò nơi học sinh. Khi thầy cô yêu sách, học sinh sẽ tự nhiên noi theo.

Em Minh Khuê, học sinh lớp 11, từng phải ngừng đọc sách vì áp lực học tập, chia sẻ: “Một buổi thầy giáo giới thiệu cuốn “Totto-chan bên cửa sổ”, em đọc và như được "cứu". Giờ đây sách là người bạn thân thiết mỗi ngày của em”. Từ câu chuyện của em Minh Khuê cho thấy, chỉ cần khơi đúng cách, học sinh sẽ tự tìm đến sách. Gia đình cũng là mắt xích quan trọng. Trẻ sẽ khó yêu sách nếu lớn lên trong môi trường không có sách. Việc đọc cần được gieo bằng thói quen, không phải bằng lời dạy suông. Đọc sách là cách để giữ lại phần sâu sắc của con người trong một thế giới vội vã. Và hành trình ấy, nên bắt đầu từ những trang sách đang lặng lẽ chờ được mở ra...

Bài và ảnh: BÙI MINH TUẤN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.