Đặt bàn tay lên mỗi hiện vật, ngắm nghía từng chi tiết, ký ức về những năm tháng chiến đấu ở chiến trường lại ùa về trong lòng người anh hùng, vị tướng từng kinh qua trận mạc giờ đã ở vào tuổi “thất thập cổ lai hy”. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng đã chia sẻ về vấn đề phát huy giá trị của những hiện vật.
Phóng viên (PV): Di sản ký ức không chỉ là câu chuyện của quá khứ mà còn là thông điệp của thế hệ trước gửi lại cho thế hệ sau, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Di sản ký ức theo tôi là phải được truyền từ đời này sang đời khác. Ký ức đó không chỉ là những gì có thể nhìn thấy, chạm tay vào, mà còn là kỷ niệm của những người đã đi qua chiến tranh mới cảm nhận được hết giá trị. Ở Bảo tàng, những hiện vật sống như xe tăng, máy bay, khẩu pháo, súng, vật dụng của các chiến sĩ tham gia các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc năm xưa đều mang dấu ấn của ký ức. Mỗi hiện vật đều gắn với một câu chuyện về quá khứ, về những năm tháng chiến tranh gian khổ của quân và dân Việt Nam.
 |
Ký ức những năm tháng chiến đấu ở chiến trường lại ùa về khi mỗi lần Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng xem lại các hiện vật trưng bày trong hệ thống các bảo tàng quân đội. |
Trước đây khi còn công tác ở Quân khu 4, tôi thường xuyên trao đổi với đồng nghiệp của mình là phải sưu tầm tất cả các loại bom mà Mỹ rải xuống miền Trung. Đây là những hiện vật mà thế hệ hiện tại sưu tầm để sau này kể cho con cháu rằng, thời kỳ chiến tranh, đế quốc Mỹ rải xuống mảnh đất này những loại bom gì. Hoặc những vùng bị rải chất độc hóa học, chẳng hạn như Quảng Bình, Quảng Trị... có bao nhiêu người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về sự tàn khốc của chiến tranh.
PV: Được biết, ông là một trong những nhân chứng lịch sử tham gia tọa đàm “Di sản ký ức”, do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vừa tổ chức, theo ông những buổi nói chuyện về những chủ đề như thế này cần thực hiện như thế nào để mang lại hiệu quả tốt nhất?
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Theo tôi, những buổi giao lưu, tọa đàm, trò chuyện giữa nhân chứng lịch sử với thế hệ trẻ cần được tổ chức và duy trì thường xuyên. Chẳng hạn như cuộc tọa đàm “Di sản ký ức”, có rất nhiều câu chuyện mà các nhân chứng muốn chia sẻ nhưng tiếc rằng thời gian có hạn nên các nhân chứng không thể kể nhiều câu chuyện về lịch sử. Tôi cho rằng, nhân chứng lịch sử mà kể chuyện về lịch sử qua những hiện vật thì sẽ cuốn hút người nghe.
Chẳng hạn như ở Bảo tàng Tăng thiết giáp trưng bày 2 hiện vật, đó là chiếc xe tăng mang số hiệu 390, đã húc đổ cánh cổng sắt của Dinh Độc Lập, báo hiệu thời khắc sụp đổ hoàn toàn của chính quyền ngụy Sài Gòn, đồng thời góp phần vào chiến thắng vĩ đại của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thì được rất nhiều người biết đến. Còn chiếc xe tăng mang số hiệu 980, từng tham gia vào trận đánh Buôn Ma Thuột, mở màn Chiến dịch Tây Nguyên thì dường như rất ít người biết đến hiện vật này. Mỗi lần đi nói chuyện ở các trường học hoặc những buổi giao lưu, tọa đàm, tôi thường gắn các câu chuyện trong quá khứ với mỗi hiện vật để dẫn dắt người nghe đến với các bảo tàng nhiều hơn nữa.
 |
Hiện vật máy bay trưng bày ngoài trời tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. |
PV: Cảm giác của ông ra sao khi mỗi lần đến thăm các bảo tàng?
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Xúc động vô cùng, đó là cảm giác của tôi mỗi lần đi vào các bảo tàng. Có những lần, tôi đi thăm bảo tàng mà không dám đi xem hết bởi nếu xem hết các hiện vật thì tôi không cầm lòng được, nước mắt cứ tuôn trào và bao nhiêu ký ức lại hiện về. Mỗi một trận đánh, khẩu pháo, xe tăng, từng chi tiết trong bảo tàng, nếu đi sâu nghiên cứu sẽ rất thú vị.
Tôi thường đến các bảo tàng nhưng không đi theo đoàn mà đi một mình để ngắm nghía từng chi tiết, tìm hiểu kỹ mỗi hiện vật. Như vậy mình mới cảm nhận được hết giá trị của lịch sử. Chính sự nghiên cứu, quan sát kỹ lưỡng từng hiện vật đó khiến cho tôi xúc động, nhớ lại ký ức một thời chiến đấu gian khổ và oanh liệt. Qua đó để thấy được thành quả chiến đấu của dân tộc Việt Nam lớn lao vô cùng.
PV: Ông đánh giá thế nào về các hiện vật trưng bày trong bảo tàng hiện nay?
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Tôi cho rằng phải tiếp tục tập trung sưu tầm để có những không gian trưng bày phong phú hơn. Ngoài việc trưng bày hiện vật thì phải tiếp tục sưu tầm những câu chuyện về lịch sử và các nhân chứng. Điều này để giáo dục con em chúng ta sau này hiểu rằng, thế hệ cha ông xưa kia đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc ra sao. Đây cũng là nét văn hóa cần phải được phát huy, để người xem đến với bảo tàng không chỉ để tham quan mà là cảm nhận giá trị của lịch sử. Đương nhiên không phải cái gì cũng sưu tầm mà phải chọn lọc, có chủ đề và định hướng nhất định để có cách làm cho tốt thì mới thu hút khách tham quan.
Để phát huy giá trị của lịch sử thông qua hiện vật thì phải triển khai nhiều việc, không những chỉ tổ chức các cuộc triển lãm, trưng bày hiện vật tại chỗ mà còn phải tổ chức nhiều triển lãm lưu động để tuyên truyền rộng rãi cho đông đảo người dân.
 |
Các loại hiện vật súng thần công. |
PV: Theo ông làm thế nào để thu hút các em học sinh yêu thích học lịch sử và đến với các bảo tàng thường xuyên?
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Cần phải triển khai những chương trình ngoại khóa, giao lưu các đơn vị bộ đội, gặp gỡ các cựu chiến binh, để các nhân chứng lịch sử kể lại chuyện ký ức cho các em nghe, hướng các em vào những thực tế, có phần liên hệ với quá khứ thì mới mang lại hiệu quả trong vấn đề giáo dục lịch sử. Tôi cho rằng giáo dục là cả một quá trình chứ không phải một sớm một chiều, phải làm sao để những bài học lịch sử chạm vào trái tim của các em, thì hiệu quả giáo dục mới cao.
Nếu đặt vấn đề tham quan bảo tàng là hình thức bắt buộc thì hơi nặng nhưng phải làm cho mọi người, mọi thế hệ cảm thấy yêu thích và chủ động tìm hiểu, cảm nhận từng hiện vật, đó mới là cái khó của những người làm công tác bảo tàng và giáo dục hiện nay.
PV: Trân trọng cảm ơn Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng về cuộc trò chuyện này!
KHÁNH HUYỀN (thực hiện)