Lưu giữ hồn thiêng núi sông

“Thăng Long tứ trấn” hay “Tứ trấn Thăng Long” là cụm từ để chỉ 4 di tích tiêu biểu, trấn giữ bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc của kinh thành Thăng Long, gồm các đền: Bạch Mã, Voi Phục, Kim Liên và Trấn Vũ. Với vai trò này, suốt hơn một nghìn năm các di tích thuộc “Thăng Long tứ trấn” luôn giữ vị trí đặc biệt trong không gian văn hóa, lịch sử của Thăng Long-Hà Nội.

Dẫn chúng tôi tham quan Khu di tích đền Kim Liên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng tiểu ban khu di tích giới thiệu tấm bia đá với bài tựa “Cao Sơn đại vương thần từ bi minh” do sử thần Lê Tung soạn năm 1510. Tấm bia ghi dấu công lao của thần Cao Sơn, là một trong những bảo vật quý hiếm, không chỉ có giá trị chứa đựng cứ liệu lịch sử liên quan đến di tích nói riêng, lịch sử các triều đại phong kiến nói chung, mà còn chứa đựng nhiều thông tin khoa học quý giá về thư pháp, ngôn ngữ học, mỹ thuật truyền thống Việt Nam.

leftcenterrightdel
        Đền Voi Phục-một trong “Thăng Long tứ trấn” đón du khách gần xa trong lễ đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.Ảnh: TUẤN ANH

Theo lịch sử ghi lại, đền Kim Liên được khởi dựng từ thời nhà Lý, tại làng Kim Hoa (nay là làng Kim Liên, phường Phương Liên, quận Đống Đa), để thờ thần Cao Sơn Đại Vương-vị thần bảo hộ, phù trì nhân dân chống lại thiên tai, cường địch, giữ gìn sự bình yên trong cuộc sống. Tương truyền, thần Cao Sơn là con của Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ. Do có công giúp Sơn Tinh đánh Thủy Tinh, nên rất được đề cao trong hệ thống thần thoại về buổi đầu dựng nước của dân tộc. Đến đầu thời Lê Trung Hưng, thần tiếp tục phù giúp vua Lê Tương Dực dẹp loạn, giành lại ngai vàng. Để tỏ lòng cảm tạ, vua cho dựng lại đền thờ thần khang trang, to đẹp hơn.

Trải qua bao biến thiên lịch sử, đền Kim Liên đến giờ vẫn được bảo tồn nguyên trạng, với nhiều hạng mục mang đậm dấu ấn từ thời Lê Trung Hưng. Đền hiện còn lưu giữ 33 bản sắc phong các thời Lê, Nguyễn; lễ hội đền Kim Liên diễn ra vào ngày 16-3 âm lịch. Với những giá trị tiêu biểu đó, đền Kim Liên-Nam trấn cùng với các di tích thuộc “Thăng Long tứ trấn”, gồm: Trấn Đông-đền Bạch Mã, thờ thần Long Đỗ (rốn rồng); trấn Tây-đền Voi Phục, thờ Hoàng tử Linh Lang và trấn Bắc-đền Quán Thánh, thờ Huyền Thiên Trấn Vũ đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt lần thứ 12, năm 2022.

Khái niệm “Thăng Long tứ trấn” xuất hiện năm 1956 trong tập sách “Thăng Long cổ tích khảo tịnh hội đồ” của tác giả Đặng Xuân Khanh. Từ đó mỗi người dân Hà Nội đều biết “Tứ trấn Hà Nội” thờ 4 vị thần trấn giữ bốn phương huyết mạch của kinh thành Thăng Long; 4 ngôi đền còn mang những nét kiến trúc nghệ thuật, văn hóa tâm linh riêng biệt, nổi bật trong đó là Bảo vật quốc gia bức tượng Huyền Thiên Trấn Vũ (đền Quán Thánh).

Tạo dựng bản sắc riêng cho Thủ đô

GS, TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định, tứ trấn bảo vệ cho Thăng Long, hay Thăng Long có 4 ngôi đền bảo vệ cũng hàm nghĩa như vậy. Đó là sự trấn giữ-ngăn chặn, giúp cho Kinh đô Thăng Long tránh được những thiên tai, địch họa từ ngoài xâm nhập vào. Từ đó giúp cho cuộc sống của người dân được yên ổn. Sâu xa hơn thì sự yên ổn trường tồn thịnh vượng của Kinh đô Thăng Long chính là sự trường tồn thịnh vượng của quốc gia Đại Việt. Bởi Kinh đô Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay luôn là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế quan trọng nhất của cả nước. Việc Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt “Thăng Long tứ trấn” là sự ghi nhận, tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử to lớn của cụm di tích, góp phần tạo dựng bản sắc riêng có cho mảnh đất nghìn năm văn hiến Thăng Long-Hà Nội.

Trong lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt “Thăng Long tứ trấn”: Đền Voi Phục và đền Quán Thánh vừa diễn ra, ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, quận sẽ tích cực phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của thành phố xây dựng kế hoạch quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, góp phần đưa di tích trở thành một địa điểm tham quan, nghiên cứu, khám phá lý thú và hấp dẫn của Thủ đô Hà Nội.

Đối với di tích đền Bạch Mã, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long khẳng định, việc bảo tồn di tích đền Bạch Mã sẽ gắn liền với việc phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô và quận Hoàn Kiếm, nhất là với khu phố cổ Hà Nội. Trong đó, có 5 nhiệm vụ được đề ra, gồm: Tiếp tục nghiên cứu nhằm làm sáng rõ hơn những vấn đề về lịch sử, văn hóa gắn liền với di tích; có kế hoạch toàn diện, cụ thể để bảo vệ, bảo quản tốt; nghiên cứu, khôi phục lễ hội nghênh xuân; đa dạng công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu di sản; phát huy vai trò cộng đồng, thực hiện tốt phương châm xã hội hóa trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích đền Bạch Mã. Ban quản lý di tích cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm cho di tích thực sự kiểu mẫu, văn minh để nơi đây xứng đáng là nơi lưu giữ hồn thiêng sông núi “Thăng Long tứ trấn”. Đây cũng là địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, hun đúc ý chí, khát vọng xây dựng đất nước thịnh vượng, hùng cường cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

CHÂU XUYÊN