Hội thảo do Hội Xuất bản Việt Nam, Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. 

leftcenterrightdel
 Chủ tọa điều hành hội thảo.

Các tham luận tại hội thảo đã nhấn mạnh rằng, các vi phạm về bản quyền sách trên không gian mạng ngày càng nhiều, đa dạng và khó kiểm soát. Trong đó, hành vi vi phạm bản quyền sách trên nền tảng số phổ biến như: Bán các sản phẩm sách in giả, sách lậu trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội, sử dụng các website, ứng dụng (app) được cấp phép để cung cấp sai quy định các sản phẩm sách số (đọc, nghe, nhìn), hay lợi dụng công nghệ số, nhất là công nghệ AI để tạo ra các tác phẩm nhưng không thực hiện theo đúng quy định về quyền tác giả, quyền liên quan...

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết: Hội thảo lần này là diễn đàn cho các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các đơn vị xuất bản Việt Nam và các nước Đông Nam Á trao đổi kinh nghiệm, giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả bảo vệ bản quyền sách trên trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế lĩnh vực xuất bản. Việt Nam luôn quan tâm vấn đề bảo vệ bản quyền, xem bảo vệ bản quyền là một trong hai trụ cột cùng với phát triển văn hóa đọc để thúc đẩy xuất bản phát triển.

Tham luận tại hội thảo, ông Arys Hilman Nugraha, Chủ tịch Hội Xuất bản Indonesia cho biết: Vi phạm bản quyền sách đã trở thành một vấn nạn lớn trong ngành xuất bản Indonesia. Hơn 75% thành viên của hiệp hội đã phát hiện sách của họ bị vi phạm bản quyền trên các chợ trực tuyến. Các sàn thương mại có thể tránh trách nhiệm phân phối các sản phẩm bất hợp pháp.

Còn ông Atty. Dominador D. Buhain, Chủ tịch Hội Xuất bản Philippines chia sẻ rằng: Để ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền trên nền tảng số, Chính phủ Philippines cử một cơ quan phụ trách bảo vệ bản quyền. Cơ quan này nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục ý thức bản quyền và thúc đẩy các khuôn khổ pháp lý tạo ra sự thay đổi lâu dài trong việc giải quyết tình trạng vi phạm bản quyền. 

Ở góc độ người viết sách, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bày tỏ: Hiện nay sách giả, sách lậu giống một thứ virus bào mòn “sức khỏe” văn hóa, “sức khỏe” tinh thần của cộng đồng. Nhìn xa hơn, nạn sách giả, sách lậu còn làm xấu hình ảnh của đất nước, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nói chung và kinh doanh văn hóa nói riêng. Cộng đồng hãy cùng nâng cao ý thức chống sách giả, sách lậu, đẩy lùi vấn nạn vi phạm bản quyền. 

leftcenterrightdel
 Quang cảnh hội thảo.

Nhiều tham luận tại hội thảo đã đề xuất cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực xuất bản, phát hành sách. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra xử lý kịp thời hành vi vi phạm quyền tác giả, các quyền liên quan...  

Tin, ảnh: HÙNG KHOA

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.