 |
Bộ sưu tập đoạt giải của Lâm Hồng Phúc |
QĐND - Vượt qua hơn 100 mẫu thiết kế đa dạng, đầy màu sắc và 29 gương mặt thí sinh khác, trong đêm chung kết cuộc thi thiết kế thời trang Việt Nam 2006 (VietNam Collection Grand Prix 2006) tối 1-10, Lâm Hồng Phúc (TP Hồ Chí Minh) đã “đăng quang” với bộ sưu tập có tên “Ảo và Thực”.
“Ngoài việc kết hợp, hội tụ được 4 yếu tố là thiết kế, chất liệu, ý tưởng và màu sắc, bộ sưu tập của Lâm Hồng Phúc còn thể hiện được sự "sống động". Lâm Hồng Phúc đã biết kết hợp những chi tiết phụ kiện đi kèm như giầy, dép, ví, mũ là điểm yếu của các thí sinh khác nên có thể nói bộ sưu tập của Hồng Phúc rất sống động và có tính ứng dụng cao. Nếu tách riêng từng bộ một trong bộ sưu tập này đều có thể ứng dụng được ngay trong cuộc sống”. Những lời đánh giá, nhận xét của nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh đã nói lên tất cả về bộ sưu tập mà Lâm Hồng Phúc đã thể hiện.
Chính vì thế, bộ sưu tập này đã nhận được sự đồng thuận và đánh giá rất cao của Ban giám khảo gồm những người hoạt động uy tín trong lĩnh vực thời trang.
Chúng tôi đã gặp Lâm Hồng Phúc ngay sau lễ trao giải.
- Trước tiên xin gửi lời chúc mừng tới Hồng Phúc. Ý tưởng nào để bạn thực hiện những mẫu thiết kế này?
- Lâm Hồng Phúc: Nói ra thật khó tin nhưng ý tưởng của tôi xuất phát từ bộ phim hoạt hình "Con ma Casper". Không phải hình tượng "ma" làm cảm hứng của tôi mà chính sự xuất hiện kỳ ảo chú ma tinh nghịch Casper khiến tôi nghĩ đến khái niệm Thực và Ảo. Hai khái niệm đối lập nhưng tồn tại song song này tạo nên cuộc sống thực tại của chúng ta. Nhờ có “ảo” - trí tưởng tượng phong phú mà con người luôn vươn tới những thành tựu khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật. Chính vì vậy, tôi quyết định thực hiện bộ sưu tập mang hai phạm trù Ảo và Thực của cuộc sống.
- Bạn dùng chất liệu nào để có thể chuyển tải tốt ý tưởng này?
- Lâm Hồng Phúc: Gần giống với ý tưởng, tôi cũng dùng hai loại chất liệu đối lập cứng và mềm để thực hiện. Chất liệu mềm không có gì phù hợp hơn oganza và lụa tơ tằm, còn cứng tôi dùng da cá sấu. Điều khó nhất trong khi thiết kế đó chính là kết hợp hai chất liệu này lại với nhau. Từng miếng da cá sấu phải qua một số khâu xử lý khá đặc biệt mới có thể ghép lại được với những miếng lụa hoặc oganza mềm mà không hề cảm thấy có sự gợn nét giữa những mảng ghép đó. Có những bộ tôi đã phải dùng kỹ thuật bọc, cắt và dựng ngay trên khung ma-nơ-canh.
- Bạn học những kỹ thuật cắt may này ở đâu?
- Lâm Hồng Phúc: Tôi đã tốt nghiệp trường Thiết kế thời trang Limkokwing Ma-lai-xi-a năm 2005. Những gì tôi học được ở đó đã được áp dụng khi dựng bốn mẫu thiết kế này. Ngoài những thiết kế tham dự Grand Prix, tôi đã từng có mẫu trong show trình diễn thời trang Gala Dinner.
- Sau này những mẫu thiết kế của bạn sẽ thiên về trình diễn hay ứng dụng?
- Lâm Hồng Phúc: Tôi luôn đề cao tính ứng dụng trong khi thiết kế. Bởi vì đây là một cuộc thi nên bên cạnh việc đề cao khả năng ứng dụng trong cuộc sống vẫn có những chi tiết để dành cho việc trình diễn. Ví dụ bỏ đi cánh tay xếp li nhiều tầng, hay đơn giản hoá thân váy dưới trong bộ sưu tập của tôi là có thể sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.
- Các nhà thiết kế khác từng đoạt giải Grand Prix hầu hết đã ra những nhãn hiệu của riêng mình, bạn đã có những dự định gì chưa?
- Lâm Hồng Phúc: Quả thật bây giờ tôi vẫn còn chưa hết hồi hộp, đầu óc còn chộn rộn vì niềm vui đến quá bất ngờ. Tất nhiên làm nghề thiết kế ai cũng muốn tạo ra thương hiệu của riêng mình, nhưng nếu nói kế hoạch cụ thể thì hiện tôi vẫn chưa có. Tôi sẽ cố gắng hoàn thiện thêm về nhiều mặt khác nữa vì dù sao nghề thiết kế là một nghề khá nghiệt ngã chứ không chỉ có tiền và danh tiếng.
- Cám ơn bạn.
Bài và ảnh: HUYỀN-THẮNG