Lạc Cầm thứ 16

Sau gần nửa thế kỷ bền bỉ nghiên cứu và sáng tạo, những chiếc đàn độc đáo với tên Lạc Cầm (cây đàn mang tên chim Lạc) do chính bàn tay của nhà giáo-nhạc sĩ Mác Tuyên (tỉnh Khánh Hòa) sáng chế, đã lần lượt ra mắt công chúng từ Lạc Cầm 1 cho đến Lạc Cầm 16-cây đàn này hội tụ những âm thanh của 4 nhạc cụ gắn liền: Đàn bầu, đàn tranh, ghi ta và đàn pi-a-nô. Hưởng ứng cuộc vận động “Hiến tặng cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam”, vừa qua, nhạc sĩ Mác Tuyên đã hiến tặng 3 cây đàn trong sê-ri Lạc Cầm: 12, 13, 15 với mong muốn “đứa con tinh thần" của mình được trưng bày như một di sản văn hóa quý hiếm tại Thủ đô.

Từ Lạc Cầm thứ nhất (1960) đến Lạc Cầm thứ 11 (1970) đều không thành công và chịu đựng không ít dư luận trong gần nửa thế kỷ qua, nhưng nhạc sĩ Mác Tuyên cho rằng: "Thất bại là mẹ của thành công và đó là giai đoạn khởi đầu của một quá trình nghiên cứu sáng tạo". Rồi đến Lạc Cầm 12 (năm 1986) ra mắt tại Nhạc viện Hà Nội; Lạc Cầm 13 (1987) được Hội đồng cải tiến nhạc khí dân tộc toàn quốc xếp giải A; Lạc Cầm 15 (1995) lung linh, uyển chuyển như con chim Lạc sải cánh bay trên vòm trời bao la, sáng tạo nghệ thuật. Lạc Cầm 15 của Mác Tuyên được Hội đồng khoa học âm nhạc Quốc gia đánh giá đúng mức tính năng khoa học và âm nhạc, được Chủ tịch nước tặng huân chương Lao động hạng ba năm 1996.

Tiếp nối mạch thành công đó, Lạc Cầm 16 ra đời là "đứa con" tâm huyết của nhạc sĩ Mác Tuyên sau thời nghiên cứu từ 1999 đến 2004. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia uy tín về nhạc khí dân tộc, Lạc Cầm 16 đã vươn tới sự hoàn mỹ ở 3 phương diện: Tạo dáng thẩm mỹ đẹp-Lạc Cầm mô phỏng chim Lạc, hoa văn trống đồng Ngọc Lũ, cách điệu tạo dáng dựa trên những huyền thoại Thánh Gióng và nỏ thần của An Dương Vương đặt trên đôi cánh của chim Lạc đồng thời là con thuyền truyền thống của một thời dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Song vẫn bảo đảm âm lượng và âm sắc trong việc chuyển tải những âm sắc cổ truyền và nhiều thể loại âm nhạc hiện đại, dựa trên sự kết hợp giữa mộc và kim. Vì thế nó có tính năng âm nhạc phong phú. Nếu như ở Lạc Cầm 15, khán giả ngộ nhận là những âm thanh được mượn từ rô-bốt điện tử thì ở Lạc Cầm 16 đã thoát ly hoàn toàn và phát ra những âm thanh thật bởi Lạc Cầm 16 có 49 dây, có khả năng khai thác âm sắc đặc trưng của đàn tranh, đàn phím lõm, đàn bầu, piano... Lạc Cầm 16 giúp nghệ sĩ biểu diễn phát huy thủ pháp ứng tấu, ứng tác, tạo ra những nốt ngân dài. Tùy tác phẩm và khả năng phối khí, có đủ điều kiện độc tấu, song tấu và tam tấu, kể cả thực hiện các hòa thanh phức điệu. Hòa nhập được cuộc sống xã hội đương đại, là phương diện thứ 3 công chúng cảm nhận được bởi tính năng dễ sử dụng và dùng được vào các thể loại âm nhạc khi cùng lúc có thể dùng thay cho 4 loại nhạc cụ riêng lẻ.

Với mục đích nâng cao trình độ và mở rộng phạm vi kĩ thuật diễn tấu của người nghệ sĩ chứ không làm mất đi cái âm thanh thật hoặc phá vỡ cái cấu trúc khoa học vốn sẵn có của nó. Mặc dù những năm qua đã có rất nhiều nhạc cụ dân tộc cổ truyền được cải tiến, nhưng hiệu quả sử dụng trong đào tạo và biểu diễn không đạt được như mong muốn. Một số đã bị mất đi trong quên lãng, một số khác bị cho là cải tiến một cách phản khoa học hoặc phản thẩm mỹ. Qua đôi tay tài hoa và tâm hồn âm nhạc dân tộc, nhà giáo-nhạc sĩ Mác Tuyên đã bổ sung vào kho tàng nhạc cụ dân tộc Việt Nam cây đàn mang hình ảnh Chim Lạc để dệt nên những sóng âm mượt mà của dân ca hay sôi động vui tươi qua những bản nhạc trữ tình, hùng tráng của cách mạng.

"Lạc Cầm giờ không còn là của cá nhân tôi nữa, mà nó trở thành di sản văn hóa cần phải được lưu giữ, truyền lại cho thế hệ mai sau, đồng thời cần được giới thiệu rộng rãi với bạn bè quốc tế hiểu biết thêm về một nhạc khí mang đậm hồn dân tộc Việt Nam. Đây cũng là sự trả ơn với gia đình, bạn bè, những tổ chức đã nâng đỡ, tạo điều kiện cho Lạc Cầm đi vào đời sống âm nhạc của đất nước và nhân loại"-nhà giáo, nhạc sĩ Mác Tuyên đã nói như vậy trong lễ trao tặng cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Bài và ảnh: HÀ VƯƠNG