Dấn thân và hành động

Ngày cuối tuần, trong phòng sinh hoạt của Đại đội trinh sát đặc nhiệm 1, Tiểu đoàn Trinh sát 20, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, các chiến sĩ trẻ quây quần trước màn hình ti vi xem Chương trình “Tôi tự tin” của kênh QPVN. Chúng tôi thấy những gương mặt hồ hởi giãn ra sau một tuần huấn luyện vất vả. Niềm vui, tiếng cười cứ thế nhân lên làm ấm căn phòng. Chăm chú theo dõi chương trình, Binh nhất Phạm Thiên Long, chiến sĩ Phân đội 1 chia sẻ: “Ngày còn ở nhà, nhờ xem các chương trình trên kênh QPVN mà tôi hiểu về đời sống trong quân ngũ. Từ hiểu rồi đến yêu mến, tôi đã tình nguyện nhập ngũ. Đến nay xem đồng đội trên sóng truyền hình, tôi càng thấy tự hào về Quân đội, thêm yêu màu xanh áo lính”. Không riêng Thiên Long, nhiều chiến sĩ cũng có chung suy nghĩ như vậy. Những chương trình trên kênh QPVN đã trở thành người bạn thân thiết, động viên kịp thời bộ đội trên mỗi bước quân hành. Đứng phía sau hội trường quan sát chiến sĩ xem truyền hình, Đại úy Nguyễn Bình Quân, Chính trị viên Tiểu đoàn Trinh sát 20 nói với chúng tôi rằng: “Để có các chương trình phục vụ bộ đội chắc hẳn các nhà báo-chiến sĩ phải mất nhiều công sức lắm?”.

Phóng viên Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam tác nghiệp tại Army Games 2021, Moscow, Liên bang Nga. Ảnh: CHÍ CƯƠNG

Từ câu hỏi của một cán bộ ở đơn vị cơ sở, chúng tôi đến Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội tại số 165 Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội. Từ nơi đây, đội ngũ cán bộ, phóng viên tỏa đi muôn nẻo đường Tổ quốc sản xuất các chương trình truyền hình chất lượng cao. Để có những giây phút phát sóng bổ ích, hấp dẫn, những người làm báo hình phải đánh đổi bằng nhiều mồ hôi, công sức, thậm chí cả những hiểm nguy.

Gặp Thiếu tá Phạm Hồng Khánh, Phó trưởng phòng Thời sự Truyền hình, chúng tôi được nghe nhiều về chuyện nghề. Tôi biết Khánh từ khi còn là học viên Trường Sĩ quan Chính trị. Năm học thứ hai, anh được cử đi học chuyên ngành truyền hình, sau khi tốt nghiệp được điều động về Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội. Nói về chuyện tác nghiệp, anh chia sẻ kỷ niệm khi thực hiện tác phẩm “Từ không đến có” kể về hành trình của Đại úy Cứ A Dia, Trợ lý chính trị Ban CHQS huyện Mường Nhé (Bộ CHQS tỉnh Điện Biên) được giao nhiệm vụ làm Bí thư Chi bộ xã Pá Mỳ (Mường Nhé, Điện Biên). Đây là địa bàn đặc biệt khó khăn với 9/9 bản đều trắng đảng viên. Đại úy Cứ A Dia đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, từng bước giúp dân xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt xóa được 5/9 bản trắng đảng viên... Để có được 40 giây kết cho phóng sự này, Hồng Khánh cùng ê kíp phải đi hơn 40km dưới trời mưa, đường trơn trượt, nguy hiểm. Tác phẩm đã xuất sắc giành Huy chương Vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2017 và giải C Giải Báo chí quốc gia năm 2018. Thiếu tá Phạm Hồng Khánh tâm niệm: “Chúng tôi dám dấn thân, dám bước đi, có thể có thất bại, nhưng sự mới mẻ có được sẽ làm dày thêm những kinh nghiệm, đó là con đường bước tới thành công”.

Nói đến sự dấn thân của các đồng nghiệp, tôi nhớ đến Đỗ Ngọc Hoa, biên tập viên Phòng Phóng sự-Phim tài liệu. Bố Hoa là bộ đội. Từ nhỏ, Hoa yêu Chương trình Truyền hình Quân đội nhân dân phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam để từ đó nuôi ước mơ trở thành nhà báo-chiến sĩ. Ước mơ thành hiện thực. Khi kênh QPVN chính thức phát sóng ngày 19-5-2013, Hoa là một trong số những người tham gia đầu tiên sản xuất chương trình. Mười năm gắn bó biết bao kỷ niệm. Ngồi lặng trước những tập kịch bản, Ngọc Hoa đưa tôi tấm hình chụp lá đơn tình nguyện xung phong lên đường phòng, chống dịch Covid-19. Những dòng chữ nghiêng nghiêng, xúc động “Chúng tôi hiểu rằng đến với tâm dịch miền Nam lúc này không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là niềm hạnh phúc lớn lao khi mình được cống hiến, được là một trong rất nhiều người đứng nơi tuyến đầu chống dịch...”. Hoa đã khóc rất nhiều khi chứng kiến những phận người nằm lại giữa tâm dịch. Cảm xúc dồn nén để cô có những phóng sự thấm đẫm tình người như “Trọn nghĩa vẹn tình” hay “Những mầm sống trong tâm bão”. “Sẵn sàng dấn thân và hành động đó không phải là phương châm của cá nhân tôi mà là của tất cả đồng nghiệp trong cơ quan”, Ngọc Hoa chia sẻ.

Phóng viên Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam tác nghiệp trong diễn tập bắn đạn thật của Quân chủng Phòng không-Không quân tại Trường bắn TB1. Ảnh: VĂN PHAN 

Vươn xa hơn để đến gần hơn

Chính nhờ những cán bộ, phóng viên dấn thân và hành động như thế, dòng chảy thông tin trên kênh QPVN luôn thông suốt, phát sóng 24/7, mỗi ngày có 9 bản tin thời sự bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Kênh QPVN hiện được tích hợp trên các hạ tầng truyền dẫn phát sóng theo quy hoạch của Chính phủ. Đặc biệt, kênh được tích hợp phát sóng quảng bá trên hạ tầng số mặt đất và số vệ tinh, phát trực tuyến trên internet tại địa chỉ http://www.qpvn.vn giúp đông đảo khán giả trong và ngoài nước dễ dàng tiếp cận theo dõi, nhất là cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Hiện nay, hơn 50 format chương trình phát sóng trên kênh QPVN ngày càng được nâng cao về chất lượng, chú trọng tính thời sự, nội dung hấp dẫn, đúng định hướng, có tính vùng miền và phương pháp sáng tạo mới. Một số chương trình đã trở thành thương hiệu của kênh từ những ngày phát sóng đầu tiên như: Bản tin Thời sự Quốc phòng, Biên cương xanh, Hậu phương chiến sĩ... Bên cạnh đó, nhiều chương trình đổi mới, phát triển theo yêu cầu tuyên truyền trong tình hình mới như: Nhận diện sự thật, Người quan sát, Đối ngoại quốc phòng...

Để có được thông tin nóng hổi từ cơ sở, làm nên sự đa dạng, phong phú, đa chiều trong các chương trình truyền hình phải nói đến đội ngũ cộng tác viên. Nhiều năm qua, Thiếu tá QNCN Nguyễn Giang Nam, phóng viên Báo Quân khu Một được coi là cộng tác viên “bấm nút” của kênh QPVN. Nói về sự gắn bó với kênh, anh Nam cho hay: “Vào những thời điểm cấp bách như bão lũ ở các địa bàn khó khăn khi mà phóng viên của kênh QPVN chưa lên kịp thì tôi đã có mặt ghi hình, đưa tin nhanh nhất có thể. Cũng qua cộng tác, tôi có thêm nhiều kinh nghiệm, tự tin sản xuất nhiều tác phẩm chất lượng dự các liên hoan truyền hình”. Với định hướng vươn xa “cánh sóng” truyền hình, kênh QPVN đã xây dựng được mạng lưới cộng tác viên ở khắp các vùng miền, góp phần không nhỏ trong việc đưa thông tin đến với khán giả nhanh nhất.

Nhìn lại một thập niên phát sóng, những nhà báo-chiến sĩ của kênh QPVN vui mừng chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ, ghi dấu trên chặng đường phát triển nhiều thành công mới. Thiếu tướng Nguyễn Kim Tôn, Giám đốc Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội khẳng định: “Kênh QPVN phát huy vị thế là một trong 7 kênh thiết yếu quốc gia, kênh thông tin tham chiếu tin cậy trong các cơ quan báo chí ở Việt Nam. Trung tâm tiếp tục xây dựng thương hiệu kênh QPVN hướng tới vị trí tốp đầu các đài truyền hình, kênh truyền hình lớn trong nước, có uy tín đối với khán giả trong và ngoài nước”.

Như những cánh chim không mỏi, đội ngũ sản xuất chương trình của kênh QPVN đang từng ngày nỗ lực đổi mới hình thức thể hiện, nâng cao chất lượng nội dung, mở rộng, đi sâu vào nhiều vấn đề được xã hội quan tâm, gắn kết, tương tác với khán giả nhiều hơn để thực hiện tốt tiêu chí: “Vươn xa hơn để đến gần hơn”.

TÍN NGHĨA