Bởi lẽ bức tranh có kích thước khá lớn (540cmx200cm), được người họa sĩ tài hoa sáng tác trong 20 năm (1969-1989) là một kiệt tác, biểu tượng đỉnh cao của nghệ thuật sơn mài truyền thống Việt Nam. Đặc biệt, bức tranh đã được công nhận là bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2599/QĐ-TTg ngày 30-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã dành khu vực trưng bày bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” ở một phòng lớn gồm 3 gian. Bên cạnh gian chính trưng bày bức tranh bảo vật quốc gia, các gian còn lại trưng bày các vật dụng, dụng cụ của họa sĩ Nguyễn Gia Trí cùng những bức phác thảo là hiện vật gốc trong quá trình họa sĩ sáng tác bức tranh. Ngoài ra, còn trưng bày các hình ảnh, bài viết, bài báo... về họa sĩ Nguyễn Gia Trí để giúp người xem hình dung rõ nét hơn không chỉ về tác phẩm mà còn về con đường sáng tác nghệ thuật của ông.
 |
Du khách tham quan bức tranh sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. |
Sinh viên Nguyễn Thị Mỹ Ngân, Trường Đại học Tài chính-Marketing tâm sự: “Khi tham quan bảo vật quốc gia “Vườn xuân Trung Nam Bắc”, mọi người sẽ cảm nhận được khung cảnh tươi vui, tràn đầy sắc xuân 3 miền, cũng là khung cảnh của hòa bình, hạnh phúc. Tôi học chuyên ngành về du lịch nên đã chọn bảo tàng này gắn bó từ những năm học đầu để góp phần quảng bá, giới thiệu đến mọi người, nhất là các du khách quốc tế đến với TP Hồ Chí Minh về bức tranh bảo vật quốc gia, cũng như về họa sĩ Nguyễn Gia Trí”.
Đã vài thập kỷ trôi qua, bảo vật quốc gia “Vườn xuân Trung Nam Bắc” được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Trong bố trí hành trình tham quan của du khách khi đến với bảo tàng, “Vườn xuân Trung Nam Bắc” luôn được ưu tiên giới thiệu trước, khẳng định niềm tự hào của nền mỹ thuật Việt Nam. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết, tiêu chuẩn bảo quản các hiện vật về lĩnh vực mỹ thuật đòi hỏi rất khắt khe, nhất là đối với tranh. Trong đó, cần phải có hệ thống kho bảo quản chuyên biệt, bảo đảm nhiệt độ, ánh sáng phù hợp với từng chất liệu tranh. Riêng với chất liệu sơn mài rất độc đáo của Việt Nam thì quy trình bảo quản, bảo dưỡng càng phải chặt chẽ, chu đáo. Hiện bảo tàng đã xây dựng đề án bảo tồn, bảo quản để phát huy giá trị các bảo vật quốc gia. Thuận lợi của bảo tàng là trung bình hằng năm đều có 6-7 sự kiện, hoạt động trưng bày, triển lãm cấp toàn quốc và thành phố nên có điều kiện để quảng bá, phát huy giá trị của bảo vật quốc gia với giới mỹ thuật nói riêng và công chúng nói chung.
Trong thời gian tới, Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giới thiệu về hiện vật. Trong đó, chú trọng đổi mới không gian trưng bày hiện đại, mã hóa dữ liệu các hiện vật, tăng cường ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong trưng bày, giới thiệu, góp phần đưa hình ảnh, giá trị của bảo vật quốc gia vươn xa hơn. Bên cạnh đó, Sở Ngoại vụ, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh sẽ tạo phiên bản thu nhỏ của bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” làm tặng phẩm phục vụ công tác đối ngoại của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, giúp giới thiệu bảo vật này đến bạn bè quốc tế.
Bài và ảnh: HỒNG GIANG