Vốn chuyên sâu tìm hiểu thể loại văn xuôi (truyện ngắn, tiểu thuyết), đến tập sách này, anh tập hợp 29 bài viết mới thể hiện rõ thế mạnh của mình ở cả hai phương diện nghiên cứu và phê bình. Đây có thể coi là cuộc “duyệt binh” văn chương, định danh, trưng bày, giới thiệu, phân tích những điểm ưu trội của các tác giả, tác phẩm. Cuốn sách của Bùi Việt Thắng là tiêu biểu cho sách dạng này ở 3 tính chất cơ bản: Tính toàn diện, tính khái quát, tính mới.
 |
Bìa cuốn sách. |
Trước hết là toàn diện về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng, tức chọn các tác giả, tác phẩm tiêu biểu viết về hình tượng bộ đội và chiến sĩ công an nhân dân ở các thời kỳ (chống Pháp, Mỹ, chiến trường biên giới phía Bắc, phía Tây Nam); nhân vật (Bác Hồ, người lính, người phụ nữ...). Cũng rất đa dạng về nhân vật người lính (cả ta, cả đối phương) với sĩ quan chỉ huy, lính bộ binh, tăng thiết giáp, hải quân, biên phòng... Toàn diện về thể loại (thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, ký), toàn diện cả về nội dung phản ánh, không chỉ ở người lính cầm súng trong chiến tranh mà còn ở người lính bước ra từ chiến tranh hòa nhập vào cuộc sống thời bình với muôn vàn dáng vẻ đa dạng, phức tạp.
Tính khái quát đòi hỏi sự tổng hợp để nâng cao vấn đề lên một tầm giá trị mới. Thiếu phẩm chất này, văn bản nghiên cứu phê bình chỉ là sự phân tích của phân tích không rõ tính định hướng. Là người có kinh nghiệm, đọc nhiều, tư duy khái quát tốt, Bùi Việt Thắng có những nhận định giàu ý nghĩa. Nghiên cứu các trường hợp nhà văn-chiến sĩ-liệt sĩ Nam Cao, Trần Đăng, Trần Mai Ninh, Thâm Tâm, Nguyễn Thi, Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong, Ngô Kha, Nguyễn Trọng Định, Vũ Đình Văn, Nguyễn Mỹ..., anh coi đó là quá trình các nghệ sĩ tự “đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ và tự đốt cháy trí tuệ để trở về với trái tim”.
Đến nay, những trang văn của họ vẫn lấp lánh vẻ đẹp lý tưởng soi đường của tình yêu, của lòng yêu nước, của niềm tin... Những nhận xét về đặc trưng riêng về tác giả, tác phẩm của tập sách rất đáng suy ngẫm, là “tinh thần dấn thân” của Ca Lê Hiến-Lê Anh Xuân; là kết cấu của dàn hợp xướng trong “Lính trận” (Trung Trung Đỉnh); tinh thần nhân văn, hòa giải, hòa hợp trong “Mưa đỏ” (Chu Lai); tiếng vọng từ “Nhiệt đới gió mùa” (Lê Minh Khuê) chính là “Người ơi đừng tuyệt vọng” cũng là cấu tứ sâu xa của tác phẩm. Sử thi hòa quyện với tâm lý là đặc điểm nghệ thuật nổi bật của “Cát trọc đầu” (Nguyễn Quang Vinh); thi pháp của “Vị tướng thành Nam” (Dương Thiên Lý) là “thi pháp chân thành”.
Tính mới là yêu cầu bắt buộc của nghiên cứu. Trong tập sách thể hiện rõ ở sự liên tưởng và phát hiện phong cách mới, tác giả mới, giá trị mới. Thực ra liên tưởng chỉ là con đường có nhiệm vụ đưa bạn đọc đến cái đích một nhận thức mới. Nhờ phẩm chất liên tưởng, bạn đọc được hiểu rộng hơn về một hoàn cảnh khác, không gian khác. Phân tích “Thư về quá khứ” của Nguyễn Trọng Tân, tác giả nhận thấy nhân dân là nhân vật chính tương đồng với nhân vật chính trong thơ Petofi (Hungary): “Cày một tay/ Gươm một tay/ Đời nhân dân muôn nỗi đắng cay/ Máu cứ đổ, mồ hôi cứ đổ”. Nhờ liên tưởng, một câu thơ trong văn bản phê bình được tỏa sáng thêm ý nghĩa: “Một hòn đá Trường Sơn/ Cha con cùng gối ngủ” (Trinh Đường). Nó cũng đồng thời tỏa chất thơ vào mạch lập luận để “mềm hóa”, “thơ hóa” diễn ngôn nghiên cứu vốn duy lý, khô khan...
Tập sách có những phát hiện mới, thuyết phục và tinh tế. Đó là sự khẳng định tài năng nhà văn Đặng Ngọc Hưng với tác phẩm “Hùng binh” có giá trị. Phát hiện lối viết “ngược sáng” để “nở hoa trong lòng địch” trong “Biên bản chiến tranh...” (Trần Mai Hạnh) không chỉ tái hiện nội tình bi đát của ngụy quyền Sài Gòn mà còn khắc họa đầy ấn tượng về âm mưu, hành động bối rối của những người Mỹ xâm lược Việt Nam. Tác giả cũng dụng công tìm ra “sắc thái nữ quyền” có đóng góp riêng trong tác phẩm của Lê Lan Anh, Lê Minh Khuê, Dạ Ngân; phân tích những ứng xử văn hóa tinh tế, cao thượng của nhân vật người lính trong truyện ngắn Nguyễn Đăng An...
Có thể nói đây là tập sách vừa có ý nghĩa lý luận vừa đậm ý nghĩa văn học sử.
NGUYÊN THANH