Trước nguy cơ mai một, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình để tuồng đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là người trẻ. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trò chuyện với ông Tạ Văn Sốp, Phó giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam về vấn đề này.

leftcenterrightdel
Ông Tạ Văn Sốp, Phó giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam. 

Phóng viên (PV): Tuồng khó được khán giả quan tâm. Theo ông đâu là vấn đề khiến tuồng lâm vào tình trạng như vậy?

Ông Tạ Văn Sốp: Trong những năm gần đây, có thể nói cả một nền nghệ thuật sân khấu bị vắng khán giả, riêng tuồng thì khó khăn hơn. Hằng năm chúng tôi vẫn có các vở diễn mới, diễn các trích đoạn tuồng cổ; xây dựng các chương trình biểu diễn phối hợp với các công ty du lịch nhằm thu hút du khách tại rạp Hồng Hà (51A phố Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội)... Nhưng vẫn không đạt được hiệu quả như mong đợi. Sâu xa là còn nhiều bất cập trong quá trình truyền thông, quảng bá.

PV: Nỗ lực tìm nhiều phương cách để đưa tuồng đến với khán giả, trong đó có việc đưa tuồng bước ra khỏi sân khấu hộp. Liệu cách làm này có đạt được hiệu quả không thưa ông?

Ông Tạ Văn Sốp: Nhiệm vụ đầu tiên của nhà hát là công tác gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật hát tuồng. Bên cạnh dàn dựng các vở diễn, truyền dạy các trích đoạn, nhân vật điển hình trong nghệ thuật tuồng cho các diễn viên trẻ, mới thì nhà hát đã chú trọng đưa tuồng đến khán giả, nhất là khán giả trẻ.

Chúng tôi xây dựng Chương trình “Giới thiệu nghệ thuật tuồng với khán giả trẻ”. Để xây dựng chương trình cho khán giả trẻ phải nói là rất khó khăn. Tư liệu về nghệ thuật tuồng nhiều nhưng tính thống nhất chưa cao. Chúng tôi dành nhiều thời gian đọc lại lịch sử và văn học từ lớp 1 đến lớp 12 để tìm các nhân vật, vấn đề liên quan đến nghệ thuật tuồng; từ đó xây dựng chương trình, tiết mục phù hợp với nhận thức, tâm sinh lý, trình độ và lứa tuổi của khán giả. Ví dụ, đến trường tiểu học, có các cháu lớp 2, lớp 3 mà diễn tiết mục “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” thì học sinh sẽ khó hiểu. Mặt khác, để thuyết phục được một trường học đồng ý thu xếp cho học sinh xem tuồng không dễ. Mình phải chủ động liên hệ, nói đúng là phải xin diễn; thậm chí diễn miễn phí nhưng vẫn bị từ chối là tuồng bây giờ ai xem.

leftcenterrightdel

Diễn viên trẻ Nhà hát Tuồng Việt Nam trình diễn tại phố đi bộ hồ Gươm (Hà Nội).Ảnh: NAM NGUYỄN  

PV: Thực tế đi biểu diễn, ông đánh giá ra sao về sự quan tâm của khán giả trẻ với nghệ thuật sân khấu, trong đó có tuồng?

Ông Tạ Văn Sốp: Đôi khi mọi người cứ nghĩ là khán giả trẻ không quan tâm đến nghệ thuật truyền thống, nhưng đây là một sự võ đoán và chủ quan. Nếu các bạn không quan tâm là do chưa được gợi mở hoặc tác phẩm chưa đủ độ hấp dẫn. Trong quá trình đi diễn ở các trường học, chúng tôi thấy các bạn trẻ rất háo hức xem. Nhiều bạn trẻ tò mò từ cách trang điểm của diễn viên, làm theo các động tác biểu diễn của diễn viên, tìm hiểu lại câu chuyện của tích tuồng...

Năm vừa qua, nhà hát đã làm việc với các địa phương để được tạo điều kiện giới thiệu nghệ thuật tuồng, từ các tỉnh đồng bằng đến những bản làng xa xôi nhất ở Mèo Vạc (Hà Giang). Các chương trình đưa tuồng xuống phố vào cuối tuần trên phố đi bộ hồ Gươm cũng được chú trọng. Đây là dịp để truyền nghề, trao lại những vai diễn, miếng diễn hay cho thế hệ trẻ và góp phần bảo tồn, lưu giữ tác phẩm. 

PV: Trong thời gian tới, Nhà hát Tuồng Việt Nam có kế hoạch như thế nào để giữ chân và để người trẻ góp sức lan tỏa tình yêu tuồng tới khán giả?

Ông Tạ Văn Sốp: Chúng tôi luôn sẵn sàng kết hợp với đơn vị, nhóm các bạn trẻ để giới thiệu tuồng đến với công chúng. Từ cuối năm 2023, chúng tôi đã kết hợp với nhóm sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức chương trình trò chuyện mang tên “Tuồng kể”. Sự kiện đã thu hút hơn 400 bạn trẻ, và rõ ràng người trẻ không hề quay lưng với nghệ thuật truyền thống. Bạn Vũ Thùy Linh, thành viên Ban tổ chức sự kiện “Tuồng kể” chỉ biết đến tuồng khi được giảng viên đưa đến nhà hát. Khi hiểu rồi Vũ Thùy Linh say mê và kết nối nhiều bạn trẻ khác đến xem và thực hiện các dự án lan tỏa nghệ thuật tuồng.

Chúng tôi đang kết hợp với các bạn trẻ để xây dựng trang truyền thông cho nhà hát. Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng sẽ tiến hành sưu tầm, đối chiếu và hệ thống hóa các tư liệu về tuồng để khán giả dễ dàng tìm kiếm và truyền thông chặt chẽ, hiệu quả hơn. Năm 2024, nhà hát chủ trương xây dựng một chương trình dành riêng cho bậc tiểu học. Trong đó, các nhân vật gần gũi, có trong truyện cổ tích, lịch sử, và thần thoại của Việt Nam; nội dung phải đơn giản, ngắn gọn; ngôn ngữ theo thể thức nghệ thuật tuồng nhưng phải dễ hiểu, ngộ nghĩnh.

Mới đây, nhà hát cũng đã thông qua kế hoạch truyền thông cho từng quý, để khán giả có thể biết trước thời gian, địa điểm và thông tin các buổi diễn, từ đó chủ động lựa chọn các vở diễn phù hợp. Tất cả vì mục tiêu quan trọng nhất là đưa tuồng đến với khán giả một cách hiệu quả. Đặc biệt, Hiện nay, sau mỗi chương trình, nhà hát luôn yêu cầu các nghệ sĩ ghi lại câu hỏi của người xem để cải thiện các buổi biểu diễn, đồng thời tổ chức các phần giao lưu giải đáp thắc mắc của khán giả. Tất cả những câu hỏi phải được trả lời vì gợi ra cho khán giả hiểu thì họ mới yêu thích nghệ thuật tuồng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

LAN ANH (thực hiện)    

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.