Tuồng trong giới trẻ

Một thời, nghệ thuật tuồng được xem là “quốc kịch”. Cuộc sống hiện đại, loại hình nghệ thuật sân khấu tuồng bị suy giảm khán giả bởi những luồng văn hóa mới. Với mong muốn đưa nghệ thuật tuồng tới công chúng, đặc biệt là giới trẻ, dự án “Tuồng kể” do Nhà hát Tuồng Việt Nam phối hợp với nhóm sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện đã phát huy được những hiệu quả tích cực.

Thông qua dự án này, công chúng được trực tiếp thưởng thức nghệ thuật, lên sân khấu giao lưu, thực hiện một số động tác cùng diễn viên, thoải mái trình bày câu hỏi, thắc mắc để hiểu hơn về những đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này.

leftcenterrightdel

Các bạn trẻ trong dự án "Tuồng kể". 

Là người yêu thích các loại hình nghệ thuật truyền thống, chị Nguyễn Thảo My (25 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đều dành thời gian đến xem các Talkshow và biểu diễn nghệ thuật "Tuồng kể".

Chị My cho biết: “Đây là cơ hội quý để tôi có thể giao lưu về nghệ thuật tuồng. Tôi từng xem tuồng ở nhiều nơi nhưng đây là lần đầu tiên có một nơi để nghệ sĩ có dịp giao lưu sâu hơn với khán giả. Không chỉ được xem các nghệ sĩ biểu diễn, tôi có cơ hội để hiểu sâu về loại hình này. Tôi có dịp hiểu được tâm tư, nguyện vọng khi những người nghệ sĩ muốn quảng bá loại hình nghệ thuật truyền thống đến khán giả”.

leftcenterrightdel
Dự án "Tuồng kể" thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.  

Bạn Vũ Thùy Linh, sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) - một trong những thành viên của dự án “Tuồng Kể” bày tỏ: “Thông qua sự kiện, chúng em muốn giới thiệu tuồng đến với khán giả trẻ bởi trong con mắt của người trẻ tuồng còn xa lạ. Chúng em luôn nghĩ khi người trẻ chung tay bảo tồn nghệ thuật văn hóa truyền thống và huy động được những người bạn đồng trang lứa góp phần nhỏ giữ gìn môn nghệ thuật này”.

Hòa nhập với thời đại

Trong xu thế hội nhập và phát triển, nhiều yếu tố khách quan không chỉ tác động đến nhu cầu khán giả mà còn tác động đến sân khấu tuồng. Tác động của nhiều loại hình như chương trình giải trí, nghệ thuật hiện đại khiến giới trẻ không mặn mà với nghệ thuật truyền thống. Dù ít khán giả so với thời kỳ trước, song sự nỗ lực đưa tuồng đến với công chúng của Nhà hát Tuồng Việt Nam trong những năm qua đã mang lại hiệu quả tích cực.

Nghệ sĩ Trần Tuấn Hiệp (25 tuổi) dành cả tâm huyết cho nghệ thuật tuồng. Sau khi ra trường, Tuấn Hiệp công tác tại Nhà hát Tuồng Việt Nam. Là nghệ sĩ trẻ khao khát giữ nghề, Tuấn Hiệp học hỏi từ thầy cái hay của nghệ thuật tuồng, từ đó đưa tuồng đến với khán giả. Từ khi làm việc tại nhà hát, anh cùng những nghệ sĩ khác tham gia nhiều hội thảo về bảo tồn văn hóa truyền thống, quảng bá và giới thiệu đến mọi người về nghệ thuật tuồng. Anh tham gia giới thiệu tuồng tại các trường học, biên giới, hải đảo cũng như liên kết với các bạn trẻ để tạo ra các sản phẩm nghệ thuật truyền thống mới mẻ, độc đáo.

“Là một nghệ sĩ trẻ kế thừa và phát huy nghệ thuật tuồng, được đào tạo, truyền dạy nghề nghiệp và làm nghề, tôi có cơ hội nhận thức được cái hay, cái đẹp, giá trị tinh hoa, độc đáo của nghệ thuật truyền thống dân tộc Việt Nam. Tôi và các anh chị em nghệ sĩ quyết tâm không ngừng nỗ lực đưa nghệ thuật tuồng đến với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ để quảng bá tinh hoa văn hóa, tiếp thêm niềm tự hào, tự tôn dân tộc", Tuấn Hiệp chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Tuồng Việt Nam trong chương trình Talkshow và biểu diễn nghệ thuật “Tuồng kể”.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, tuồng vốn là thể loại nghệ thuật kén người nghe nhưng vô cùng đặc sắc, chứa đựng giá trị văn hoá dân tộc sâu sắc. Hiện nay, nhận thức của giới trẻ về tuồng còn hạn chế, song loại hình nghệ thuật này đã có những bước tiến đáng kể trong việc thu hút sự quan tâm của người trẻ.

Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, trong những năm qua, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã tìm nhiều giải pháp để đưa nghệ thuật tuồng đến với khán giả trẻ qua việc tổ chức các sự kiện, hội thảo, các dự án, liveshow, chương trình biểu diễn phù hợp với các bạn trẻ và "Tuồng kể" là một trong số đó. Nhà hát đã kết hợp với các bạn trẻ đã có những kỹ năng truyền thông hiện đại, yếu tố kỹ thuật của thời đại 4.0. Chính những người trẻ giúp cho nghệ thuật tuồng ít nhiều lôi kéo được khán giả.

"Chúng tôi mừng khi khán giả đến xem tuồng nhiều so với trước kia, tuy nhiên so sánh với các loại hình nước ngoài khó có thể chạy đua được. Hy vọng rằng khán giả sẽ có sự hiểu biết, đón nhận và nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật tuồng", ông Phạm Ngọc Tuấn bày tỏ.

Bài, ảnh: LƯƠNG HIỀN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.