Ấn tượng với chúng tôi là toàn bộ tầng 2 rộng 160m2 được gia chủ dành làm thư viện với những kệ sách ngay ngắn, bàn ghế đầy đủ, không gian đọc sách thoáng đãng, sạch sẽ.

Nhân dân trong khu dân cư đến đọc sách tại Thư viện Hương-Hằng. 

Cùng đến thư viện đọc sách vào buổi sớm có ông Phạm Thế Khang, nguyên Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam. Ông Khang là người trong tổ dân phố số 6 đã hỗ trợ việc thành lập và duy trì hoạt động của Thư viện Hương-Hằng. Ngồi giữa không gian đọc sách, ông Khang kể lại câu chuyện lịch sử của địa phương: “Trước đây, ở vùng đất Ngọc Thụy, bà con trồng dâu nuôi tằm và ươm tơ dệt lụa. Vào dịp 19-5-1960, thanh thiếu niên địa phương đã gửi biếu Bác Hồ tấm lụa để tỏ lòng biết ơn vị lãnh tụ của dân tộc. Đáp lại tình cảm đó, Bác Hồ đã gửi tặng một tủ sách với hơn 200 cuốn được mua bằng tiền nhuận bút viết báo của Người. Nhân dân Ngọc Thụy vô cùng cảm động trước sự quan tâm ân cần, sâu sắc của Bác”.

Là người con của quê hương Ngọc Thụy, vợ chồng doanh nhân Nguyễn Phú Hương và Nguyễn Thu Hằng đã tìm hiểu và biết được câu chuyện Bác Hồ tặng sách thanh thiếu niên quê hương mình. Với mong muốn tiếp nối và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, gia đình anh chị Hương-Hằng có ý định xây dựng một thư viện để nhân dân đến đọc sách. Ý tưởng đó nhận được sự ủng hộ của ông Phạm Thế Khang là người hàng xóm có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý, duy trì hoạt động của thư viện. Bước đầu, ông Khang hỗ trợ việc tiến hành các thủ tục hành chính trong việc thành lập Thư viện Hương-Hằng. Thư viện khai trương, mở cửa đón khách vào đúng dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Bác Hồ (19-5-2022). Hơn 2.000 bản sách được Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Quân đội, Thư viện Hà Nội, Nhà xuất bản Kim Đồng... trao tặng. Cùng với đó, các trường học trên địa bàn, cá nhân trong khu phố cũng đem sách đến đóng góp cho thư viện thêm phong phú.

Nhờ công sức của các tập thể, cá nhân ủng hộ, đến nay, Thư viện Hương- Hằng đã có hơn 4.000 bản sách được phân chia theo các lĩnh vực, như: Văn học nghệ thuật, khoa học đời sống, sách lịch sử, thiếu nhi... Chị Nguyễn Thị Thìn, nhân viên Thư viện Hương-Hằng cho biết: “Ngoài những sách đã có, thư viện còn tiếp nhận thêm các nguồn sách được trao tặng. Sách được đăng ký cẩn thận để quản lý chặt chẽ và thuận tiện cho độc giả tra cứu, đọc tại chỗ hoặc mượn về nhà”.

Nằm giữa khu dân cư, thư viện mở cửa miễn phí các ngày trong tuần, thu hút nhiều người đến đọc sách. Đặc biệt, trẻ em thường đến thư viện sau giờ học và ngày nghỉ, tìm đọc các loại truyện thiếu nhi, sách lịch sử. Em Nguyễn Thảo Nguyên, Lớp 5A1, Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (Ngọc Thụy, Long Biên) chia sẻ: “Thư viện có nhiều sách hấp dẫn. Đến đây em có điều kiện tìm đọc sách để nâng cao hiểu biết, có thêm kỹ năng sống, ý thức bảo vệ môi trường và giao lưu với bạn bè”. Cùng với nhân dân địa phương, những trường học trên địa bàn cũng tổ chức các hoạt động tham quan, đọc sách tại Thư viện Hương-Hằng, tạo cơ hội cho học sinh trải nghiệm không gian văn hóa đọc thú vị ở ngay trong khu dân cư.

Bài và ảnh: THƯ NGỌC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.