Vốn dân tộc - nguồn tài nguyên giàu tiềm năng

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Anh Cường, Trưởng bộ môn Quản trị du lịch cộng đồng, Khoa Quản trị Du lịch và Ngôn ngữ quốc tế, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: “Vốn dân tộc là một thuật ngữ dân gian bao gồm toàn bộ giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, giá trị xã hội và tri thức dân gian do cộng đồng các dân tộc sáng tạo nên trong tiến trình lịch sử và được truyền nối qua nhiều thế hệ. Chính những giá trị này đã và đang tạo nên nguyên liệu vô giá cho các mô hình khởi nghiệp mang đậm bản sắc dân tộc”.

 Zó Project chuyển giao dạy nghề làm giấy dó cho bà con dân tộc Dao Tiền tại bản Sưng (xã Cao Sơn, tỉnh Phú Thọ). Ảnh do đơn vị cung cấp

Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều mô hình kinh tế biết cách tận dụng thành công các giá trị truyền thống để phát triển, vừa bảo tồn văn hóa, vừa tạo ra sinh kế bền vững. Chẳng hạn, bản Lác (xã Mai Hạ, tỉnh Phú Thọ), nhiều hộ gia đình nơi đây đã khai thác được các giá trị, vốn văn hóa của cộng đồng người Thái để làm du lịch, mang lại hiệu quả về mặt kinh tế; hay mô hình khu du lịch sinh thái Thái Hải (Thái Nguyên) đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch trong và ngoài nước góp phần gìn giữ và lan tỏa giá trị không gian văn hóa nhà sàn của dân tộc Tày tại địa phương. 

Zó Project là một doanh nghiệp xã hội được thành lập từ năm 2013 bởi chị Trần Hồng Nhung, hiện có cửa hàng ở Hà Nội. Xuất phát từ tình yêu với nghề làm giấy dó truyền thống, chị Nhung đã kiến tạo một hệ sinh thái sáng tạo xoay quanh chất liệu dó tưởng như đang dần bị lãng quên này. Thay vì chỉ dùng giấy dó cho mục đích mỹ thuật như thư pháp hay tranh vẽ, Zó Project đã đưa giấy dó vào đời sống hiện đại thông qua các sản phẩm như bao bì, thiệp, đồ lưu niệm, khuyên tai... Đặc biệt, Zó Project còn pha trộn giấy dó với nguyên liệu tái chế giúp giảm giá thành, thân thiện với môi trường mà vẫn giữ được tinh thần văn hóa cốt lõi, nhờ đó, sản phẩm trở nên gần gũi hơn với thị trường và người tiêu dùng hiện đại.

Giữ cốt lõi truyền thống để phát triển bền vững

Mặc dù tiềm năng là rất lớn, nhưng việc khai thác văn hóa truyền thống vào khởi nghiệp không đơn giản. Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Cường, bài toán lớn nhất hiện nay là làm sao để đổi mới sáng tạo mà không làm mất đi bản sắc văn hóa. Sự sáng tạo chỉ thực sự có giá trị khi nó xuất phát từ sự hiểu biết và tôn trọng các yếu tố cốt lõi của văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, theo thời gian, không ít nơi chỉ chú trọng đến yếu tố thương mại mà bỏ qua việc gìn giữ bản sắc, giá trị của văn hóa truyền thống đó. “Tại Sa Pa (Lào Cai), dịch vụ cho thuê trang phục dân tộc Mông khá phổ biến. Tuy nhiên, bên cạnh những bộ đồ đúng với kiểu dáng và hoa văn địa phương, nhiều cửa hàng còn cho thuê trang phục của người Mông Cổ, vốn không liên quan đến văn hóa địa phương. Sự lai tạp này dễ gây nhầm lẫn, làm sai lệch hình ảnh văn hóa và dần làm mất đi bản sắc truyền thống cần được gìn giữ và bảo tồn”.

 Các du khách nước ngoài trải nghiệm quy trình làm giấy dó truyền thống cùng Zó Project. Ảnh do đơn vị cung cấp

Do đó, để có thể đưa văn hóa truyền thống vào khởi nghiệp một cách hiệu quả, theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Cường, bản thân mỗi chủ doanh nghiệp cần trau dồi hiểu biết sâu sắc về giá trị cốt lõi của truyền thống văn hóa đó, hiểu bản chất của từng yếu tố văn hóa sẽ giúp xác định đâu là giá trị cần phải gìn giữ, đâu là yếu tố có thể sáng tạo, sản phẩm mới không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mang tính đặc trưng riêng của doanh nghiệp mà còn gìn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.

Cùng với đó, chị Trần Hồng Nhung cho rằng: “Các làng nghề truyền thống cần thay đổi tư duy, không nên chỉ giữ nghề trong nội bộ dòng họ hay bản làng. Thay vào đó, cần mở rộng chia sẻ kiến thức, để bất kỳ ai có đam mê đều có thể học và phát triển nghề. Sự cạnh tranh bền vững không nằm ở việc giấu nghề, mà ở khả năng sáng tạo, sự đầu tư chất xám và bản sắc riêng trong từng sản phẩm”.

Chính tư duy cởi mở ấy là bàn đạp để các nghề truyền thống phát triển lâu dài, không những không mai một mà còn có cơ hội lan tỏa mạnh mẽ hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa. Từ đó, các sản phẩm khởi nghiệp không chỉ mang giá trị văn hóa mà còn có năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

“Hiện nay, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa góp phần định hướng rõ ràng, thúc đẩy mạnh mẽ sự kết nối giữa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và gìn giữ, bảo tồn truyền thống văn hóa. Tuy nhiên, chính người khởi nghiệp phải là người biết tận dụng và chọn lọc, để xác định đâu là yếu tố có thể chuyển hóa thành giá trị kinh tế và đâu là tinh thần văn hóa cần phải gìn giữ”, Tiến sĩ Nguyễn Anh Cường nhấn mạnh.

VÂN HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.