Với các nghệ sĩ, sân khấu luôn là “mảnh đất” màu mỡ để văn nghệ sĩ sáng tạo, nhưng làm sao để sân khấu trở lại thời hoàng kim từng có là trăn trở của Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Lệ Ngọc, Giám đốc Sân khấu Lệ Ngọc trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.
 |
Hình ảnh trong vở diễn “Trung trinh liệt nữ” của Nhà hát chèo Hà Nội.Ảnh: VIỆT LAM.
|
Làm sân khấu không bán được vé phải xem lại mình
Phóng viên (PV): Có thể nói, sau những khó khăn do đại dịch Covid-19, nghệ thuật sân khấu đã vực dậy với rất nhiều sự kiện và hầu hết đều được tổ chức tại Hà Nội. Nghệ sĩ nhận định như thế nào về các hoạt động sôi nổi này?
NSND Lệ Ngọc: Tôi thấy nhiều người vẫn than thở, sân khấu u ám quá, buồn quá, khán giả không quan tâm tới sân khấu. Nhưng thực tế thì đâu có vậy. Sân khấu vẫn rất rộn ràng, người làm sân khấu vẫn luôn cháy bỏng đam mê cống hiến. Bằng chứng gần nhất là gì? Là Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã mở rộng ra không gian rộng lớn để đón sự quan tâm của công chúng khi tổ chức tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, trước sân khấu tượng đài Lý Thái Tổ; là Liên hoan sân khấu Thủ đô vừa diễn ra tuần qua, đặc biệt ở sân chơi này không chỉ có các đơn vị nghệ thuật của Trung ương, Hà Nội mà còn có sự hưởng ứng nhiệt tình của 3 đơn vị sân khấu xã hội hóa phía Nam; những buổi diễn liên hoan rạp hát đông kín khán giả; nhiều sân khấu sáng đèn; liên tục các hội thảo, tọa đàm bàn về phát triển sân khấu giữa lòng Thủ đô... Qua đó để thấy rằng, sân khấu vẫn luôn có sức hấp dẫn riêng. Như vậy, có thể khẳng định, so với nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác, sân khấu luôn được các cấp từ trung ương tới địa phương, những người làm văn chương nghệ thuật, trong đó có nhiều người làm sân khấu vẫn dành những ưu ái nhất định.
 |
NSND Lệ Ngọc. |
PV: Liên hoan sân khấu Thủ đô vừa kết thúc, khán giả Hà Nội cũng được mãn nhãn với những vở diễn của nhiều loại hình từ kịch, chèo, cải lương, xiếc... Còn có điều gì khiến bà băn khoăn?
NSND Lệ Ngọc: Sau đại dịch, 13 đơn vị sân khấu từ Bắc tới Nam hội tụ trong liên hoan lần này là một sự nỗ lực rất lớn. Chắc chắn những nghệ sĩ, diễn viên, những đoàn nghệ thuật tham gia đã mang một niềm tự hào khi họ hóa thân vào những vai diễn, câu chuyện để kể lên câu chuyện lịch sử, văn hóa, cuộc sống của người Hà Nội-Thủ đô yêu dấu của người dân cả nước. Từ câu chuyện lịch sử về công chúa An Tư, một trong hai công chúa nổi tiếng nhất trong lịch sử thời nhà Trần với cuộc hôn nhân mang tính trọng đại vì đất nước trong vở “Trung trinh liệt nữ” của Nhà hát chèo Hà Nội; “Bất tử với Thăng Long”, vở cải lương ca ngợi tấm lòng trung hiếu với Thăng Long của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, trong thời gian ông cùng quân, dân Hà Nội quyết tử bảo vệ thành Hà Nội khi bị thực dân Pháp đánh chiếm của Nhà hát Cải lương Việt Nam; đến những câu chuyện giữ những làng hoa truyền thống trong sự phát triển đô thị hóa của người Hà Nội đương đại được Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội kể trong “Hoa cúc nhà trời”; rồi lần đầu tiên nghệ thuật xiếc cũng thể hiện những nét hào hoa thanh lịch của Hà Nội trong “Thành phố của những giấc mơ”... Với Sân khấu Lệ Ngọc của chúng tôi, vở diễn “Huyền tích chùa Một Cột” đã có kế hoạch dàn dựng và công diễn từ trước, nên được chúng tôi đầu tư dàn dựng và tập luyện kỹ lưỡng, rất vui khi được là một trong những đơn vị nghệ thuật tham gia liên hoan lần này.
Tuy nhiên, cũng còn những băn khoăn của người làm nghề như chúng tôi. Đó là tiêu chí của liên hoan đã rõ, nhưng nhiều vở diễn của các đơn vị nghệ thuật khác đã không nêu bật được chủ đề, hoặc cố gắng “cài cắm” một vài chi tiết để có chút liên quan đến Hà Nội. Vô hình trung chưa tạo nên sự rõ ràng, công bằng cho một cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp. Có thể ban tổ chức mở rộng cửa để đón sự tham gia của nhiều đơn vị nghệ thuật, cho liên hoan đông đảo, rộn ràng, nhưng chính điều này sẽ làm cho những người làm sân khấu tâm huyết sẽ ít nhiều nản lòng vì nghĩ rằng, có làm gì thì cũng “hòa cả làng”!
Làm sân khấu chuyên nghiệp phải rất tỉ mỉ, nghiêm túc, cẩn trọng để giữ niềm tin, nhiệt huyết, giữ chân người làm nghề. Như vậy mới mong sân khấu có vở diễn hay, hấp dẫn để lôi kéo khán giả đến với sân khấu, yêu nghệ thuật sân khấu.
PV: Có thể thấy từ liên hoan sân khấu vẫn thu hút khá đông khán giả đến xem. Phải chăng một phần là miễn phí vào cửa? Cũng có thể là họ háo hức được thưởng thức những vở diễn mới về Hà Nội. Nhưng thực tế nhiều năm nay câu chuyện khó bán vé, khán giả thờ ơ với sân khấu vẫn là nỗi trăn trở của những đơn vị sân khấu?
NSND Lệ Ngọc: Thực tế từ sân khấu của chúng tôi khi làm tác phẩm hay, khán giả vẫn đến xem và sẵn sàng mua vé. Khán giả không bao giờ bỏ sân khấu cả, bởi chúng ta làm chán quá, khán giả mới bỏ đi. Mỗi năm chúng tôi dàn dựng từ 5 đến 6 vở, ngoài biểu diễn phục vụ khán giả Thủ đô, chúng tôi còn biểu diễn tại các tỉnh, thành phố phía Bắc, rồi lưu diễn cả phía Nam, có những vở diễn tới nay đạt gần 200 buổi.
Nghệ thuật sân khấu có sức hấp dẫn riêng biệt, không loại hình nào khác có thể thay thế được. Đó là tính ước lệ cao, đó là những vấn đề xã hội được truyền tải mạnh mẽ, trực tiếp. Khán giả vào xem sẽ luôn cảm nhận được những vẻ đẹp riêng biệt đó. Trong thời đại công nghệ phát triển, chúng ta phải cạnh tranh bằng cách có sản phẩm hay. Chỗ nào không bán được thì tôi nghĩ nên xem lại mình, đừng đổ lỗi cho khán giả. Đừng bao giờ cho rằng khán giả quay lưng, họ muốn xem chứ, vấn đề là bạn có gì để cho người ta đáng xem không?
Cần đầu tư cho xứng tầm tác phẩm
PV: Có nhiều ý kiến, rằng kế thừa nền tảng phát triển rất đáng tự hào nhưng sân khấu Hà Nội thời gian qua vẫn chỉ là bức tranh khá mờ nhạt với những sáng tạo “hoài cổ”, thiếu sinh động. Bà nghĩ sao về điều này?
NSND Lệ Ngọc: Hà Nội đã và đang là trung tâm hội tụ những tài năng, tinh hoa nghệ thuật của nước nhà. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang có kho tàng tác phẩm văn học nghệ thuật của những tác giả tinh túy bậc nhất, tại sao lại chưa khai phá được? Đây là những điều rất đáng suy ngẫm.
Thêm yếu tố nữa, khán giả của sân khấu hiện đại từ lâu không còn là những người dân sống trong những căn hộ khép kín, tiết tấu cuộc sống chậm rãi. Hình thức của sân khấu hiện đại không còn là những vở diễn dài lê thê, cái nghe nhiều hơn cái nhìn, đơn giản một cách đơn điệu... Người xem thích thú hơn với những ngôn ngữ động, tăng phần diễn hình thể, những hoạt động tổng hợp, giá trị cảnh sắc, gần gũi với nhịp sống văn hóa hôm nay. Những điều này, nhiều sân khấu cả nước đã làm được, nhưng sân khấu Hà Nội cần phải nỗ lực nhiều hơn.
PV: Theo bà, sân khấu Hà Nội cần những điều gì để vượt qua thách thức?
NSND Lệ Ngọc: Sân khấu Hà Nội đang cần một đội ngũ tác giả chuyên nghiệp, có bản lĩnh, dũng cảm đi trước công chúng, mạnh dạn trả lời những băn khoăn của thời đại. Càng cần nhiều tác giả xông xáo vào những lĩnh vực mũi nhọn của đời sống hiện đại, khắc họa tính cách tiêu biểu của con người Hà Nội hôm nay, của thời hội nhập, mở cửa, điển hình của xã hội phát triển, của văn hóa phát triển.
Để có được những điều đó thì Hà Nội cần thường xuyên tổ chức các trại sáng tác, cuộc thi sáng tác đề tài văn học nghệ thuật về Hà Nội. Chọn lựa và trao giải một cách công bằng, chính xác, tránh cào bằng; chọn lựa tác phẩm để đầu tư dàn dựng có trọng điểm, xứng tầm với truyền thống Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Các cấp quản lý văn hóa của Hà Nội cũng cần xây dựng cơ chế, chính sách cho các đơn vị nghệ thuật sáng tạo các mô hình kinh doanh nghệ thuật mới, gắn với nhu cầu thị trường, để thúc đẩy sự năng động, sáng tạo, đổi mới, kích thích các tài năng và nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nghệ thuật, đóng góp vào nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
VƯƠNG HÀ (thực hiện)