Tranh cổ động ra đời từ sớm trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Do trước đó, việc in ấn, trưng bày có phần hạn chế nên có lẽ thời kỳ chống Mỹ, cứu nước là giai đoạn tranh cổ động phát triển mạnh mẽ nhất.
Thế hệ họa sĩ thời kỳ này dù tham gia kháng chiến hay ở lại hậu phương đều mang trong mình truyền thống cách mạng và lòng tự tôn dân tộc nên vẽ rất nhiều tranh cổ động, đặc biệt trong những thời điểm lịch sử quan trọng như chiến thắng ở chiến trường Nam Bộ, chiến thắng ở Khu 4, Khu 5... Tôi còn nhớ, các khóa sinh viên mỹ thuật những năm 60-70 của thế kỷ trước tại Hà Nội, nhiều người tham gia Mặt trận phía Nam. Những người còn ở lại tham gia vẽ tranh tuyên truyền đại quy mô trưng bày tại Nhà hát Lớn, Triển lãm Vân Hồ, khu hành lang Tràng Tiền...
 |
Tranh cổ động “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” của tác giả Nguyễn Thụ và Huy Oánh, sáng tác năm 1970. Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. |
Những tác phẩm ấy kêu gọi lòng tự hào dân tộc, giúp người dân hiểu được tình hình chiến sự và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước... Nó cũng cho thấy tinh thần đấu tranh, trách nhiệm của các họa sĩ trước vận mệnh của Tổ quốc. Họ đã vẽ tranh cổ động để chứng tỏ vai trò của người công dân, thanh niên Việt Nam trước kẻ xâm lăng. Các họa sĩ vẽ tranh cổ động như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Thụ, Huy Oánh... vốn được biết đến với những bức tranh lụa, màu nước mềm mại nhưng khi vẽ tranh cổ động lại sử dụng nhuần nhuyễn bút pháp mạnh mẽ, cô đọng, thuyết phục. Khi họa sĩ mang ý niệm về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, họ đã thích ứng và thay đổi chính bản thân mình để sáng tạo nên những tác phẩm đầy ý nghĩa. Từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1945, Trần Văn Cẩn đã khẳng định một tranh cổ động lớn: Nước Việt Nam của người Việt Nam.
Tranh cổ động không được vẽ bằng sơn dầu, sơn mài mà phần lớn được vẽ trên giấy áp phích, bìa khổ lớn bằng chất liệu bột màu đơn giản, không pha trộn nhiều. Các tranh đều được vẽ trong thời gian ngắn, không có thời gian để họa sĩ đắm mình vào nghĩ đề tài hay tỉ mẩn, kỳ công. Họa sĩ thường không cần phải có phòng tranh, nhởn nha thể hiện mà có thể vẽ tranh ở bất cứ đâu. Đó có thể là phác thảo ý tưởng trong cuốn sổ tay, dàn trải trên những khổ giấy to hay những bức tường lớn nơi công cộng... Khi cả nước đang bừng bừng khí thế chống giặc, bom rơi đạn nổ ngay bên cạnh, người họa sĩ cũng hòa vào bối cảnh ấy. Họ không có thời gian suy tư nhiều nhưng lại thể hiện qua tranh xung lực của lòng yêu nước bừng khởi.
Đề tài của tranh cổ động là hình ảnh hiện hữu trong đời sống, trên chiến trường hay những chủ trương, chính sách, lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ... Đó có thể là sự hy sinh trên chiến trường của người chiến sĩ, cuộc sống trong lán dân quân, tự vệ xóm làng... đều được thể hiện cấp tập bằng bút pháp nhanh gọn mà không thể loại nghệ thuật nào có thể thay thế. Những lời kêu gọi trong tranh có tác động mạnh mẽ hơn nhiều những văn bản hay lời nói trên hội nghị. Vì thế, dù tranh cổ động chỉ được xếp vào thể loại tranh đồ họa, thường vẽ trên chất liệu không bền vững nhưng tranh cổ động lại có tiếng nói rất riêng. Tranh cổ động thấm đậm hơn vì đó thường là suy tưởng của họa sĩ để làm sao thể hiện những nội dung muốn truyền tải cô đọng giúp người ta dễ nhớ, dễ hiểu. Họa sĩ vẽ tranh cổ động cũng thường là trí thức, có vốn hiểu biết về tình hình thời sự, chiến sự trong và ngoài nước. Họ luôn quan tâm tới dòng chảy của lịch sử, các yếu tố xã hội, luôn ý thức trách nhiệm của công dân, của con người, có tình yêu với đất nước, nhân loại.
Việc tìm kiếm chất liệu cho tranh sơn dầu, sơn mài... phụ thuộc vào từng đề tài được lựa chọn để thể hiện, nhưng tranh cổ động có thể chứa đựng bất cứ đề tài nào. Bức tranh “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” của Huy Oánh và Nguyễn Thụ được vẽ trên pano rất lớn. Hình ảnh Bác Hồ và những người chiến sĩ hành quân mang yếu tố động viên mạnh mẽ. Đi sâu phân tích bức tranh, ta thấy có nhiều điều thú vị. Hiếm có vị lãnh tụ nào như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người luôn hòa đồng với quần chúng. Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bức tranh cổ động là linh hồn của cuộc chiến, là điểm tựa niềm tin để những đoàn quân giải phóng chắc tay súng. Bức tranh gói trọn những lý tưởng lớn. Hai họa sĩ đã dùng hình ảnh Bác Hồ trong bộ quân phục giản dị, như ngôi sao dẫn đường cả thế hệ người Việt Nam đi theo con đường của Người. Bức tranh dùng từ rất giản dị: Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân. Cách dùng từ này khiến người xem hình dung như Bác và cả đoàn quân đang cùng vui nhịp bước quân hành chứ không phải là hành quân đi đánh trận. Cách nói ấy nói lên sự giản dị, gắn bó suy nghĩ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh đạo lớn của nhân dân và những thế hệ tiếp bước sau Người, cả già và trẻ đều chung lưng, chung sức chống giặc ngoại xâm. Người biến lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành hành động, thực hiện lý tưởng đó là công dân Việt Nam, trong đó có cả hai công dân trẻ Nguyễn Thụ và Huy Oánh.
Tranh cổ động mở đầu cho khuynh hướng nghệ thuật thị giác. Nghệ thuật này khác khuynh hướng nghệ thuật chiêm nghiệm phải suy nghĩ về ẩn ý sau những mảng màu, nét bút. Thẩm mỹ thị giác không cần phải diễn giải, suy ngẫm mà có thể hiểu ngay từ lần đầu tiếp xúc. Vẽ tranh cổ động buộc người họa sĩ phải suy nghĩ làm sao để nội dung tranh đập ngay vào thị giác của người xem, tác động nhanh nhất tới cảm xúc, suy nghĩ của họ. Tính chất giáo dục lớn vì ngôn ngữ của tranh cổ động thường cô đọng, thuyết phục bởi mang ý nghĩa tráng ca, thể hiện sự tinh túy, giá trị tinh thần của cả dân tộc. Ngôn ngữ tranh cổ động ngắn gọn nhưng mang tính thuyết phục, giáo dục rất lớn mà không loại hình nghệ thuật nào có được.
Ý nghĩa lịch sử và ý nghĩa xã hội làm tranh cổ động khác tranh thể loại khác. Nội dung của tranh mang dòng chảy lịch sử của đất nước. Những nhân vật tham gia vào tranh ở giai cấp nào cũng được thể hiện rõ ràng. Tranh cổ động có thể xuất hiện ở vùng sâu, vùng xa hay thành phố, hải đảo, trên các nẻo đường chiến dịch... nhưng tựu trung lại là thường có mặt ở những nơi đông dân cư, được nhiều người biết đến. Tranh cổ động khác các dòng tranh khác ở tính phổ cập. Nó đi theo tiếng gọi về vai trò của người nghệ sĩ trước vận mệnh của Tổ quốc, bởi thế, khi nghiên cứu về giai đoạn nghệ thuật, chúng tôi không bao giờ bỏ qua được giá trị lịch sử xã hội của tranh cổ động.
Hội Mỹ thuật Việt Nam trước đây thường tổ chức triển lãm tranh cổ động và sau mỗi lần tổ chức triển lãm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đều lưu giữ lại nên giờ đây Bảo tàng có được một bộ sưu tập khá lớn tranh cổ động qua các thời kỳ. Thế hệ trẻ ngày nay nhìn lại, họ sẽ thấy được sự dũng cảm, hy sinh của thế hệ cha anh, họ cũng sẽ thấy cả một thời kỳ lịch sử gian khổ, hào hùng và đầy kiêu hãnh của dân tộc.
Nhà nghiên cứu NGUYỄN HẢI YẾN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.