 |
100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử |
“100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử” đã được đạo diễn NSƯT Lê Hùng cùng đoàn kịch hình thể Nhà hát Tuổi trẻ dựng thành kịch. Vậy trong 100 phút đó, Lê Hùng đã thổi hồn cho tác phẩm như thế nào để giúp người xem cảm nhận được con người thơ ca và những mâu thuẫn nội tâm của Hàn Mặc Tử?
Trước khi vở diễn “100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử” ra mắt, đạo diễn Lê Hùng nói rằng: Lời thoại trong vở diễn sẽ là thứ yếu, ngôn ngữ hình thể của diễn viên sẽ được đẩy lên hàng đầu. Chính vì vậy, dàn diễn viên kịch hình thể (thuộc Đoàn kịch hình thể do NSƯT Lan Hương làm trưởng đoàn, vừa được thành lập) đã vào cuộc. Ý đồ thử nghiệm của cả đạo diễn lẫn diễn viên rất rõ ràng: Thay vì cách diễn bằng thoại thông thường của kịch nói, thì ở đây, qua ngôn ngữ hình thể, diễn viên “giúp” người xem hiểu những diễn biến tình cảm, trạng thái của nhân vật.
Quả thực, với cách diễn mới mẻ này, dàn diễn viên kịch hình thể của Nhà hát Tuổi Trẻ đã thực sự gây ngạc nhiên đối với khán giả, nhất là một số phân cảnh mô tả trăng, vốn là một hình tượng ám ảnh nhất trong thế giới thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Dưới bàn tay dàn dựng của NSƯT Lê Hùng, sự kết hợp vẻ đẹp hình thể của các diễn viên và ánh đèn đã khiến sân khấu kịch trở nên lộng lẫy.
Dấu ấn sân khấu mạnh mẽ nhất trong vở này là phân đoạn đêm tân hôn của đôi trai gái sống cùng trại với Hàn Mặc Tử. Vượt lên những nỗi đau của căn bệnh nan y từng ngày từng giờ giày vò, bào mòn thân xác, hai con người này đã đến với nhau. Đêm tân hôn thật lãng mạn và ấm áp với sắc vàng hoa cúc chủ đạo, kết nối hai tâm hồn bị thương tổn. Đạo diễn Lê Hùng đã cách điệu hình ảnh đêm động phòng thiêng liêng của đôi bạn trẻ bằng cách sử dụng hình tượng hai mảnh trăng khuyết trên sân khấu, không phải như đạo cụ, mà đã thành những biểu tượng về cuộc giao hoà... Mảnh trăng trong tay chú rể nhẹ nhàng di chuyển trên mình cô dâu và mảnh trăng trong tay cô dâu cũng từ từ chuyển động trên người chú rể. Hai mảnh trăng khuyết hoà quyện với nhau, hợp thành một vầng trăng đầy đặn. Màn diễn “nóng” đã được thay bằng thăng hoa cách điệu đầy tính hình tượng. Cái sự yêu trên sân khấu phải là như thế!
Một sự phá cách cũng rất đáng chú ý là phân cảnh Hàn Mặc Tử lạc vào tiên cảnh. Hàn nghe vọng tiếng thiếu nữ cười đùa đâu đó vẳng xuống từ vầng trăng trên cao, nhưng trăng kia cứ như trêu ngươi, thoắt ẩn, thoắt hiện trên bầu trời đêm. Lấp ló sau vầng trăng là ba tiên nữ đang vừa tắm vừa đùa vui, rúc rích cười như trêu như ghẹo. Hình ảnh ba nàng sau khi tắm xong nhẹ bước ra khỏi vầng trăng, mỗi nàng khoác trên mình một tấm voan mỏng manh để lộ đôi chân trần tuyệt đẹp là cảnh diễn khá bất ngờ.
Nhưng điều mà người xem quan tâm nhất là con người thi sĩ Hàn Mặc Tử trong 100 phút cuối cùng được thể hiện như thế nào? Một thi sĩ tài hoa nhưng đầy bất hạnh, một nhà thơ “điên” một cách khác thường trong thơ hay không?
Để người xem hiểu và cảm nhận được nỗi đau đớn giằng xé trong con người Hàn Mặc Tử, đạo diễn Lê Hùng đã cho 3 diễn viên cùng thể hiện một Hàn Mặc Tử. Công Dũng thủ vai Hàn Mặc Tử, Như Lai vào vai Hồn, Hoàng Tùng vào vai Xác. Với việc phân thân như thế, nỗi đau giằng xé của thi nhân được thể hiện rõ nét hơn qua sự tranh đấu của phần Xác và phần Hồn. Xác và Hồn như hai đầu ngọn nến, ai cũng muốn mình cháy sáng nhất, chiến đấu, tranh giành, không thoả hiệp.
Để hoá giải mâu thuẫn nội tâm này, Hàn Mặc Tử đã đốt cháy ngọn-nến-bản-thân bằng những vần thơ, lúc chất chứa đầy tình cảm yêu thương, lúc quặn đau, điên dại. Nhiều bài thơ của Hàn Mặc Tử tiết tấu rất gấp gáp, như đang cố rút ngắn khoảng cách giữa hai đầu ngọn nến. Đáng tiếc là những nỗi đau đó, những gấp gáp đó và cả sự tranh giành mà Lê Hùng cho là qua ngôn ngữ hình thể của nhân vật có thể diễn tả được, thì hình như khán giả lại rất khó cảm nhận. Với hai phần Hồn và Xác biểu đạt thay xúc cảm của mình, bản thân nhân vật Hàn Mặc Tử trên sân khấu chỉ còn biết... đi chậm rãi, vẻ mặt hơi đượm buồn, hay khoanh tay, ôm đầu. Đó có phải là Hàn Mặc Tử mà Lê Hùng muốn giới thiệu với khán giả?
Dường như với nhiều nỗ lực, đạo diễn Lê Hùng vẫn chưa đẩy được người xem chạm tới cái cốt lõi thâm sâu trong con người Hàn Mặc Tử! Người xem chỉ mới thấy những mảng miếng sân khấu rất lành nghề, nhưng vẫn thiếu sự tinh tế cần thiết của ngôn ngữ thơ, điều đã làm cho Hàn Mặc Tử thành bất tử. Tuy nhiên, đây có thể coi như khâu thử nghiệm của đạo diễn Lê Hùng cùng các diễn viên hình thể của Nhà hát Tuổi trẻ. Vở diễn cho thấy một lối làm sân khấu cẩn trọng, có suy tư, sáng tạo. Và trong một chừng mực nào đó, có thể nói sự thể nghiệm này đã có những thành công nhất định…