Mới đây, Vĩnh Phúc đã mời gọi nhiều nhà văn hóa, nhà nghiên cứu về địa phương để hiến kế các giải pháp khai thác giá trị di sản văn hóa nhằm thúc đẩy phát triển bền vững.
Mảnh đất giàu tiềm năng văn hóa
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, tỉnh Vĩnh Phúc tích lũy số lượng di sản văn hóa đồ sộ, có nơi đậm đặc. Toàn tỉnh hiện có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 65 di tích cấp quốc gia, 1 bảo vật quốc gia, 356 di tích cấp tỉnh, trong đó có nhiều di tích rất giá trị, như: Tháp Bình Sơn (huyện Sông Lô); cụm đình Hương Canh (huyện Bình Xuyên); đình Thổ Tang (huyện Vĩnh Tường)... Một số công trình văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng nổi tiếng như Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên, đền Bà Chúa Thượng Ngàn Tam Đảo, chùa Tích Sơn... Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc có những làng nghề truyền thống lâu đời, nổi tiếng, như: Làng gốm Hương Canh; các làng mộc: Hợp Lễ, Yên Lan, Thanh Lãng, Văn Hà, Bích Chu, Thủ Độ, Vĩnh Đoài, Lũng Hạ, Vĩnh Trung; các làng mây tre đan: Triệu Xá, Xuân Lan, Cao Phong; làng đá Hải Lựu; làng chế biến tơ lụa Tảo Phú,... Vĩnh Phúc có 7 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm: Hát ca trù, Lễ hội kéo song Hương Canh, Lễ hội đền Ngự Dội, hát Soọng cô của người Sán Dìu, hát Trống quân Đức Bác, tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên và Lễ hội truyền thống xã Đại Đồng.
 |
Lễ hội truyền thống Tây Thiên ở xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.Ảnh: VĂN THỦY. |
Ngoài những giá trị di sản văn hóa nêu trên, theo nghiên cứu của TS Nguyễn Hữu Mùi, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tỉnh Vĩnh Phúc có truyền thống văn hóa hiếu học đáng tự hào. Đây chính là cơ sở để xây dựng con người Vĩnh Phúc phát triển toàn diện. Tính từ khoa thi “Minh kinh bắc học và Nho học tam trường” đầu tiên tổ chức vào năm 1075, dưới thời vua Lý Nhân Tông (1072-1228), đến khoa thi tiến sĩ cuối cùng (1919) dưới thời vua Khải Định, cả nước có 2.889 người đỗ tiến sĩ Nho học, trong đó Vĩnh Phúc có 86 người. TS Nguyễn Hữu Mùi khẳng định, truyền thống hiếu học ở Vĩnh Phúc đã phát triển và trở thành nét văn hóa tiêu biểu, đây là địa phương đi đầu cả nước về xã hội hóa trong giáo dục. Lịch sử ghi lại, vào thế kỷ XVIII, ở các xã Văn Trưng, Lăng Trưng của huyện Bạch Hạc, nhân dân đã hợp tác, góp tiền để xây dựng trường đặt tại xã Văn Trưng và hoàn thành năm 1702. Bia Học xá điền thổ bi kỳ, lập năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Chính Hòa ghi: “Có 45 gia đình, mỗi gia đình gồm vợ và chồng của hai xã quyên góp tổng cộng 4 mẫu, 7 sào, 5 thước ruộng, trích 3 sào đất để xây dựng ngôi trường”.
Khai thác giá trị văn hóa góp phần phát triển kinh tế-xã hội
Trong Hội thảo khoa học “Văn hóa, con người Vĩnh Phúc trong phát triển bền vững” do Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức mới đây, nhiều nhà khoa học cho rằng, việc khai thác ưu thế từ các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể hiện có của tỉnh nhà chưa tương xứng so với tiềm năng; di sản văn hóa chưa thực sự trở thành nguồn lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Theo GS, TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, tỉnh cần sớm biên soạn, xuất bản cuốn sách “Di sản văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc” trong đó cập nhật thông tin khoa học, có chiều sâu, để làm rõ những đặc trưng về thời gian, văn hóa của từng loại di sản. Tỉnh Vĩnh Phúc cần xây dựng kho dữ liệu (data bank) về di sản văn hóa, trong đó chú ý sưu tầm ảnh động và đưa du lịch tâm linh, du lịch phong cảnh gắn với du lịch di sản văn hóa vào kho dữ liệu này. Bên cạnh đó, cần xây dựng chuyên mục di sản văn hóa trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; xây dựng phần mềm ứng dụng (app) về di sản; nâng cấp, cập nhật các bài giới thiệu di sản văn hóa tiếng Việt và tiếng Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc... để bạn đọc trong, ngoài nước tiếp cận thuận tiện hơn.
Thực tế cho thấy, đầu tư cho bảo tồn, khai thác các di sản văn hóa là việc làm cần có sự tính toán khoa học, hợp lý, nhất là ở nơi có tỷ lệ di sản đậm đặc như Vĩnh Phúc. Trước mắt, các cấp chính quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong các tầng lớp nhân dân. Chính quyền địa phương và ngành văn hóa cần có kế hoạch và lộ trình cụ thể để khai thác di sản văn hóa gắn với du lịch lễ hội, du lịch tâm linh và du lịch nghỉ dưỡng một cách bền vững.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: “Xây dựng, phát huy các giá trị di sản văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội”. Để đạt được mục tiêu này, theo PGS, TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, lâu nay các địa phương trong cả nước tổ chức bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa bằng cách xã hội hóa các hoạt động văn hóa rất hiệu quả. Có vốn, có nguồn nhân lực địa phương hỗ trợ thì việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích được tiến hành thuận lợi hơn dưới sự phối hợp, giúp sức của cơ quan chuyên môn. Vì vậy, tỉnh Vĩnh Phúc cần tạo ra phong trào, khuyến khích nhân dân các địa phương trong việc này. Mặt khác, vấn đề cốt lõi và lâu dài là tỉnh Vĩnh Phúc cần chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác văn hóa thông qua các chính sách hỗ trợ, nâng cao đời sống cho họ. Đây chính là biện pháp giữ “chất xám” ngành văn hóa trước sự phát triển mạnh mẽ của các ngành kinh tế khác.
ĐỨC TÂM