Cũng theo NNƯT Phạm Thị Ánh Tuyết, bà từng nấu phở Hà Nội cho các chính khách và nghệ sĩ quốc tế nổi tiếng đến Hà Nội, họ rất bất ngờ với món ăn này. Họ đánh giá phở là một sự kết hợp hoàn hảo, một món ăn sáng tạo của Việt Nam trong sự kết hợp các loại gia vị hài hòa, tinh tế. Phở đã trở thành quốc hồn quốc túy của Việt Nam.
Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội, tính đến năm 2023, trên địa bàn Hà Nội có gần 700 cửa hàng phở, những cửa hàng tập trung chủ yếu trên địa bàn các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Long Biên. Những thương hiệu phở gia truyền (có hơn hai đời làm phở) thường chỉ chuyên bán phở bò hoặc phở gà tập trung chủ yếu trên địa bàn các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng. Nhiều sử liệu ghi chép lại món phở tại Hà Nội được ra đời vào đầu thế kỷ 20. Từ năm 1907 đến 1910, phở vốn là một loại quà rong, được gánh đi rong và rao bán khắp phố phường tại Hà Nội.
 |
Các đại biểu và khách quốc tế tham quan trải nghiệm gian hàng phở Hà Nội tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024.
|
Chia sẻ về quá trình làm phở của gia đình, nghệ nhân Nguyễn Thị Mười cho biết, gia đình bà bắt đầu khởi nghiệp từ năm 1930. Bà Mười nói: “Bố tôi là cụ Nguyễn Văn Tỵ. Cụ khởi nghiệp làm phở gánh ở các phố Hàng. Sáng sớm cụ gánh phở đi bán, chiều tối mới đi thu bát, thu tiền. Khi đi bán phở, cụ hay mặc quần áo màu xanh, cho nên người dân trong phố hay gọi cụ là “Cụ phở tàu áo xanh”. Cụ làm việc chăm chỉ, miệt mài. Tuy nhiên, đến năm 1956, vì khó khăn nên cụ phải dừng bán phở. Đến năm 1985, mẹ tôi mới tập trung con cái để làm tiếp nghề gia truyền của cha ông để lại. Từ đó, chị em tôi kết hợp để phát triển món phở trong gần 40 năm qua.
“Anh chị em nhà tôi đặt tên là phở “Sướng”, vì ăn phở xong phải cảm thấy sung sướng, phải thấy ngon!”, bà Mười vui vẻ nói. Bà tiếp lời: “Tôi bán hàng lâu rồi nhưng không nghĩ rằng nghề phở nuôi sống gia đình này lại được Nhà nước quan tâm và vinh danh. Khi món phở được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tôi cảm thấy rất tự hào và vinh dự. Tôi vẫn luôn nhắc nhở anh chị em, con cháu hãy luôn biết ơn và trân trọng nghề truyền thống của gia đình, giữ uy tín với khách hàng để làm sao món ăn tinh túy này ngày một lan tỏa để xứng danh là “Phở Hà Nội”.
Theo TS Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội), tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024 vừa tổ chức có điểm nhấn là “phở số” với robot tham gia vào công đoạn chan phở và bưng phở ra cho khách. “Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định, công nghệ không thể thay thế được nghệ nhân, mà nó chỉ có thể tham gia vào công đoạn hỗ trợ”, TS Phạm Thị Lan Anh nói.
Bài và ảnh: CHÂU XUYÊN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.