Ngày 17-3-2021, Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” đã đặt ra nhiệm vụ: Phát huy hiệu quả của quy ước, hương ước và các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã trực tiếp tìm hiểu, khảo sát tại nhiều huyện, xã, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội, qua đó thấy rõ trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) của Thủ đô, hương ước, quy ước vẫn là một trong những công cụ góp phần điều chỉnh, hoàn thiện văn hóa ứng xử của người dân và quản lý xã hội hiệu quả.

Bài 1: Nâng tầm hương ước, quy ước để hoàn thiện văn hóa ứng xử

Qua hơn 20 năm triển khai thực hiện, các nội dung của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được cụ thể hóa trong hương ước, quy ước ở cộng đồng dân cư nhằm mục đích triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng bộ TP Hà Nội về xây dựng NTM giàu đẹp, xây dựng đạo đức, lối sống con người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

 Thanh niên xã Tuyết Nghĩa (Quốc Oai) góp sức xây dựng nông thôn mới.

Những giá trị tích cực của hương ước, quy ước

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, PGS, TS Bùi Xuân Đính, Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với chủ trương “khuyến khích xây dựng và thực hiện các hương ước, các quy ước về nếp sống văn minh ở các thôn, xóm” đã trở thành nền móng cho việc xây dựng hệ thống thể chế về hương ước, quy ước, hạt nhân là Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Theo PGS, TS Bùi Xuân Đính, nhiều địa phương của Hà Nội xưa đều có những hương ước, quy ước riêng và hiện còn được lưu giữ. Trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước và Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có mối liên hệ mật thiết với nhau. Hương ước, quy ước nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung, tiêu chí của phong trào; qua phong trào góp phần củng cố vị trí, vai trò của hương ước, quy ước trong đời sống xã hội ở các làng, vùng nông thôn của Hà Nội.

Việc tự giác chấp hành quy ước, hương ước ngày càng phát triển sâu rộng, đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô. Trong đó, nhiều văn bản được cộng đồng đánh giá cao, như: Hương ước, quy ước xã Tuyết Nghĩa (huyện Quốc Oai); xã Đại Đồng (Thạch Thất); xã Mê Linh (huyện Mê Linh); xã Bát Tràng (Gia Lâm)... Cụ thể, Quy ước về bảo vệ Tổ quốc của thôn Sinh Liên, xã Bình Minh (huyện Thanh Oai) quy định: "Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của mỗi công dân. Vì vậy, người dân trong thôn phải chấp hành nghiêm Luật Nghĩa vụ quân sự, con em khi đến tuổi phải thực hiện đăng ký, khám tuyển khi có lệnh nhập ngũ. Không trốn tránh, đào, bỏ ngũ". Quy ước về xây dựng nếp sống văn hóa của thôn 6, xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất) quy định: "Luôn giữ gìn mối quan hệ láng giềng thân thiện, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sinh hoạt, lúc khó khăn hoạn nạn, giải quyết tốt các mâu thuẫn và quyền lợi trong thôn với ý thức xây dựng tình làng nghĩa xóm chân thành, thẳng thắn, tế nhị, trung thực, dân chủ và bình đẳng".

"Đánh thức" giá trị văn hóa truyền thống

Gần 12 năm kể từ khi sáp nhập về Thủ đô Hà Nội, diện mạo đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của xã Yên Bình, huyện Thạch Thất (trước đây thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) thay đổi đến ngỡ ngàng. Con đường trục chính của xã trải nhựa phẳng lì, uốn lượn giữa núi đồi, hai bên là những vườn bưởi, nhãn, ổi, thanh long lúc lỉu quả, xen lẫn là những ngôi nhà tầng khang trang giữa vườn hoa, cây cảnh, tạo ấn tượng về một vùng quê giàu đẹp.

Cán bộ một cửa của UBND xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. 

Men theo đường bê tông-tiêu chuẩn đường liên thôn, liên xã dễ nhận biết của chương trình xây dựng NTM dẫn chúng tôi tới cuối thôn Dục, xã Yên Bình. Tiếp đón chúng tôi niềm nở, bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng thôn Dục giới thiệu khuôn viên nhà văn hóa khang trang, sân thể thao rộng rãi, ấn tượng là dàn cồng chiêng-bản sắc văn hóa của đồng bào Mường. Bà Thu phấn khởi khoe, nhờ có thiết chế văn hóa khang trang với đầy đủ các thiết bị âm thanh, loa đài; đời sống kinh tế của bà con ngày càng được nâng cao nhờ nông nghiệp sạch, mà tiếng cồng, tiếng chiêng của đồng bào luôn rộn ràng vào những ngày lễ, Tết. “Phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng của đồng bào Mường”, đây là một trong những quy định được ghi rõ trong hương ước, quy ước của người dân thôn Dục. “Không riêng người cao tuổi mà ngay cả các cháu nhỏ ở thôn cũng biết đánh cồng chiêng. Nhiều lần chúng tôi đã đưa đội cồng chiêng đi dự các liên hoan nghệ thuật dân gian của huyện, thành phố tổ chức”, bà Thu hồ hởi kể.

Ông Đinh Như Hưng, Phó chủ tịch UBND xã Yên Bình cho biết, toàn xã có tổng diện tích đất tự nhiên là 2.073ha, hơn 1.800 hộ gia đình, khoảng 7.800 nhân khẩu, có hai dân tộc cùng chung sống là Kinh và Mường, trong đó tỷ lệ người Mường chiếm hơn 40%. Trong những năm qua, các hộ gia đình xã Yên Bình tập trung phát triển nông nghiệp sạch, chú trọng xây dựng người Yên Bình thanh lịch, văn minh. Nhờ vậy, Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" luôn có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống nhân dân ngày một nâng cao với thu nhập bình quân đầu người 57 triệu đồng/năm.

Ở huyện Thạch Thất, người dân xã Đại Đồng có truyền thống đề cao sự gắn kết gia đình, dòng họ. Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm gặp Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Khuất Khắc Thiệp. Trên mảnh đất hiếu học này, dòng họ Khuất của cụ Thiệp là dòng họ học tập điển hình, được không ít người biết đến bởi có nhiều con cháu học hành giỏi giang và thành đạt với 2 phó giáo sư, 4 tiến sĩ, 2 NGƯT và 170 cử nhân. Cụ Thiệp nguyên là Hiệu trưởng Trường THCS Đại Đồng. Lớn lên, công tác tại quê hương cho tới lúc nghỉ hưu và giờ dù tuổi đã ngoài 80 nhưng cụ Thiệp luôn quan tâm xây dựng phong trào hiếu học trong gia đình, dòng họ. Cụ Thiệp bảo: “Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng, hình thành văn hóa, nhân cách mỗi con người. Bởi vậy, dòng họ Khuất luôn coi trọng việc xây dựng gia đình văn hóa, dòng họ hiếu học. Với tinh thần đó, con cháu họ Khuất luôn phấn đấu học tập, lao động sản xuất, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, làm đẹp cho mảnh đất quê hương. Những điều này được ghi lại cụ thể trong quy ước của dòng họ”.

Từ chỗ chỉ là phong trào tự phát, đến nay, xã Đại Đồng đã có 15 dòng họ xây dựng phong trào khuyến học quy mô, trở thành phong trào có sự lãnh đạo, chỉ đạo và thống nhất trong toàn xã. Ông Kiều Xuân Huy, Phó chủ tịch UBND xã Đại Đồng cho biết: “Không có nghề phụ, kinh tế thuần nông nên nhiều năm qua, người dân xã Đại Đồng luôn coi trọng việc học tập để lập thân, lập nghiệp và để thoát nghèo. Chính vì vậy, công tác khuyến học, khuyến tài ở xã được phát triển từ rất sớm, góp phần vào việc xây dựng quê hương, đất nước văn minh, giàu đẹp. Đại Đồng đang phát huy truyền thống tốt đẹp đã được các thế hệ người dân đề ra trong hương ước, quy ước xưa kia”.

“Trong lịch sử, quy ước, hương ước từng tồn tại song song với luật nước, từng giữ vai trò là công cụ để điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng và để quản lý làng, xã. Nó là phương tiện để chuyển tải luật nước và tư tưởng Nho giáo vào làng, hỗ trợ và bổ sung cho pháp luật mà ông cha ta đã khéo tạo ra được sự dung hòa đó. Hương ước ra đời là sản phẩm tự nhiên của làng, xã và việc dùng hương ước để quản lý xã hội từng có tiền lệ trong lịch sử, không chỉ ở nước ta, mà cả ở các nước Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc...”. (PGS, TS Bùi Xuân Đính)

(còn nữa)

Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ - NGUYỄN HOÀI