Theo con đường nhỏ vào làng, tôi đã nghe tiếng nổ bỏng vọng ra từ phía xa. Giữa không gian mơ hồ của khói bếp, tôi hình dung người dân nơi đây đang rang thóc nếp cho nở thành những bông hoa bỏng trắng tinh. Vào làng, tôi tận mắt chứng kiến những người thợ lành nghề, tay dẻo như múa, thoăn thoắt đảo từng mẻ thóc đầy.

Ông Nguyễn Huy Động, 65 tuổi, nửa thế kỷ qua gắn bó với nghề làm chè lam, chia sẻ: “Trải qua thăng trầm, chè lam ở đây vẫn để thương để nhớ trong lòng thực khách về một loại bánh đậm đà hương đồng gió nội”. Vừa nói ông Động vừa dẫn tôi vào nhà tham quan xưởng làm bánh của gia đình.

Chè lam là thứ bánh dày công trong chế biến và tinh tế. Để làm ra mỗi thanh chè lam dẻo thơm, người dân phải rất tỉ mỉ, cẩn trọng từ khâu chọn nguyên liệu tới công đoạn sản xuất. Thóc là loại nếp cái hoa vàng, lạc được mua đúng vụ thu hoạch ở Diễn Châu (Nghệ An) vào tháng 5, 6 rồi đem về phơi khô. Khi rang thóc thành bỏng trắng, người ta phải sàng, sảy tới 5 lần để loại bỏ trấu rồi mang đi nghiền thành bột thật mịn.

leftcenterrightdel

Người làng Thạch cắt bánh chè lam thành phẩm ra các miếng nhỏ vừa ăn. 

Cùng giai đoạn này, các bếp lửa được đốt lên để đun mạch nha, đường, mật hòa lẫn với nước gừng. Sau khi đun đủ độ, các nguyên liệu trên được đổ vào máy nhào có chứa sẵn bột theo tỷ lệ nhất định. Quá trình nhào bột, người làm chè lam cho thêm lạc, vừng rồi tiếp tục nhào bằng tay liên tục vo tròn. Sau đó, bánh được lăn đều thành hình trụ, rồi cho vào từng khuôn hình chữ nhật có chiều dài khoảng 2m. Tiếp theo, bánh được cán phẳng, rải bột nếp lên khắp bề mặt, gọi là “bột áo”. Đến khi nguội hẳn, bánh được cắt theo chiều ngang, mỗi chiếc có độ dài 5-7cm rồi đóng gói.

Theo bà Nguyễn Thị San, là thợ lành nghề năm nay 62 tuổi, rang thóc thành bỏng là công đoạn mất nhiều thời gian nhất trong quá trình làm chè lam. Cả hai người rang cả ngày chỉ được khoảng 50-60kg thóc.

Người ta thường nhâm nhi tách trà nóng cùng thanh bánh dẻo thơm trong tiết trời lạnh giá của mùa đông hay lâm thâm mưa phùn đầu xuân. Bánh có màu nâu đặc trưng của mật mía, bên ngoài bao phủ lớp bột nếp trắng mịn. Khi ăn, người ta cảm nhận được hương vị thanh khiết của lúa nếp thơm cùng chút bùi bùi của lạc. Bánh chè lam không có vị ngọt sắc, cũng không có vị cay gắt của gừng mà tất cả đều chan hòa vừa đủ. Người ta không thể quên độ dẻo mềm của bánh chè lam là do mạch nha, mà trước đây, trong ký ức của người xưa, không có mạch nha bánh chè lam rất cứng.

Chè lam là một thứ quà quê tự hào của người dân làng Thạch. Vào mỗi độ xuân về, những người con Thạch Xá đem biếu những hộp chè lam đến những người mình quý mến và trân trọng. Đó là biểu tượng cho tấm lòng trọng tình nghĩa, thấm đượm tình cảm mộc mạc, chân thành của người dân làng Thạch nói riêng và con người Việt Nam nói chung. Rời khỏi ngôi làng cổ kính, tôi như vẫn thấy phảng phất hương thơm của chè lam Thạch Xá, đâu đó văng vẳng bên tai tiếng nổ bỏng đầu làng, như muốn níu kéo khách phương xa ở lại...

Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.