Ngày 5-8, tại thành phố Tam Kỳ, Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam phối hợp với Viện Sử học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, UBND thành phố Tam Kỳ tổ chức hội thảo khoa học "100 năm khởi nghĩa Việt Nam Quang Phục Hội tại phủ Tam Kỳ (1916-2016)".
Chủ trì hội thảo, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) nhấn mạnh: Hội thảo là dịp để ôn lại truyền thống đấu tranh yêu nước, cách mạng của nhân dân Tam Kỳ, Quảng Nam nói riêng và nhân dân các tỉnh Nam Trung bộ nói chung. Hội thảo còn là dịp để các nhà khoa học đề xuất các nội dung mới và đúng đắn trong việc giảng dạy ở các trường học về cuộc vận động khởi nghĩa ở Nam Trung Kỳ năm 1916.
Hơn 70 tham luận của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trong cả nước trình bày tại hội thảo đã góp phần làm rõ các nội dung: Bối cảnh khu vực và quốc tế, tình hình Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng vào đầu thế kỷ XX dẫn đến cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang Phục Hội tại phủ Tam Kỳ; vai trò của các yếu nhân như Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài... đối với cuộc khởi nghĩa; sự tham gia lãnh đạo và chuyển biến tư tưởng của Vua Duy Tân có ảnh hưởng đến các cuộc khởi nghĩa yêu nước vào đầu thế kỷ XX.
Tại hội thảo, các nhà khoa học còn tập trung làm rõ những vấn đề như: Vai trò, vị trí của cuộc khởi nghĩa trong lịch sử hoạt động của Việt Nam Quang Phục Hội và phong trào cách mạng ở Việt Nam trong 20 năm đầu thế kỷ XX; từ bối cảnh lịch sử, đường lối, tư tưởng, mục tiêu, lực lượng của cuộc khởi nghĩa, xác định những nguyên nhân dẫn đến thất bại của cuộc khởi nghĩa.
Các nhà khoa học nhận định, cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang Phục Hội là sự tiếp nối các hoạt động đấu tranh yêu nước chống thực dân Pháp một cách liên tục của nhân dân ta từ giữa thế kỷ XIX, thể hiện tinh thần yêu nước của nhân dân Trung kỳ cũng như khích lệ phong trào đấu tranh cách mạng chung của cả dân tộc. Cuộc khởi nghĩa cũng cho thấy đấu tranh bằng con đường vũ trang vẫn là xu hướng chủ đạo của phong trào cứu nước trong thời kỳ này. So với các phong trào khác trong cùng thời kỳ, đây là một trong số ít các cuộc đấu tranh có địa bàn hoạt động trên nhiều tỉnh Trung kỳ, từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam tới Quảng Ngãi và đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo quần chúng yêu nước. Cuộc khởi nghĩa là một mốc son quan trọng trong lịch sử đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam.