 |
Những thành viên trong Câu lạc bộ Tuồng Yên Phong họp mặt ngày 30-4-2011. Ảnh do Câu lạc bộ cung cấp |
QĐND - Đến với Bắc Ninh, hẳn ta sẽ nghĩ ngay đến những làn điệu quan họ mượt mà đằm thắm. Nhưng không chỉ có vậy, Yên Phong cũng là vùng đất của nghệ thuật tuồng cổ. Một thời gian dài nghệ thuật tuồng vắng bóng và chỉ còn ở trong ký ức của những người già. Nhưng tuồng cổ đã và đang dần được hồi sinh trở lại nhờ có sự ra đời của câu lạc bộ tuồng Yên Phong, tại thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, mà nòng cốt là những cựu chiến binh.
Ngày 7-5-2011, câu lạc bộ tuồng Yên Phong đã chính thức ra mắt biểu diễn trước đông đảo nhân dân trong huyện. Theo lời kể của ông Lê Đình Sơn – một nhạc công già của câu lạc bộ thì, tuồng cổ ở vùng đất Yên Phong đã xuất hiện cách đây vài trăm năm. Nhưng, cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật khác, những người đam mê với hát tuồng cũng bị cuốn theo cuộc sống hối hả hằng ngày mà đành “xếp xó” niềm đam mê đó. Nhưng, tình yêu cũng như niềm đam mê vẫn luôn cháy trong tâm trí những người có tâm với tuồng cổ như người lính già Trần Đình Quỳnh. Thấy bộ môn nghệ thuật truyền thống đang dần mai một, ông Quỳnh và bà Đỗ Thị Phương Tính đã đứng ra tập trung những cựu chiến binh có cùng chí hướng và các nghệ sĩ hát tuồng già trong huyện cùng tập lại các vở tuồng cổ. Ban đầu, câu lạc bộ chỉ có 6 thành viên do người lính lái xe năm xưa của Đoàn 559 Trần Đình Quỳnh làm chủ nhiệm. Sau một thời gian ngắn, nhờ được sự ủng hộ của bà con trong huyện, câu lạc bộ đã thu hút được gần 30 thành viên tham gia, chủ yếu là những cựu chiến binh.
Câu lạc bộ sinh hoạt đều đặn vào các buổi chiều thứ 7 và chủ nhật hằng tuần và chọn nhà ông Lê Đình Sơn (tay trống chính trong câu lạc bộ) làm nơi thờ tổ và luyện tập. Họ biểu diễn trong các lễ hội làng ở huyện và giao lưu với các vùng lân cận.
Câu lạc bộ tuồng Yên Phong được thành lập bởi niềm say mê, nhiệt huyết cũng như sự quyết tâm duy trì và truyền dạy lại những nét đẹp vốn có trong nghệ thuật tuồng cổ của các nghệ sĩ. Do mới thành lập, chi phí để mua tất cả đồ diễn ban đầu từ quần áo trang phục, đạo cụ, đến kèn trống phấn sáp… đều do đóng góp của những thành viên trong câu lạc bộ. Bà Phương Tính chia sẻ: “Nhiều khi diễn những vở đông nhân vật, chúng tôi phải ra tận Nhà hát Tuồng Trung ương để mượn trang phục, diễn xong lại mang ra trả lại vì vốn của câu lạc bộ quá ít, không thể mua được”. Dù khó khăn là vậy, họ vẫn luyện tập, biểu diễn hết mình vì niềm đam mê môn nghệ thuật truyền thống. Câu lạc bộ đã dựng thành công nhiều vở tuồng cổ như “Sơn Hậu”, “Bách đao Từ Hải Thọ”, “Đao tam xuân đoạn trào”, “Ngọn lửa Sơn Hồng”, “Mộc Quế Anh dâng cây”…
Nhưng, nỗi trăn trở lớn nhất của câu lạc bộ là làm sao tìm được lớp trẻ kế cận có tình yêu và sự say mê với nghệ thuật tuồng. Bởi, lớp diễn viên trong câu lạc bộ hiện nay người trẻ nhất cũng đã 52 tuổi và người già nhất đã ngoài 80 tuổi. Đó là một câu hỏi lớn, có lẽ vượt khỏi khả năng của câu lạc bộ. Các cấp chính quyền cần lưu tâm, nuôi dưỡng câu lạc bộ và có kế sách giữ gìn dài lâu, phát huy giá trị di sản của cha ông.
Bài và ảnh: Diệu Thu