Dân gian lưu truyền: vào thế kỷ XVI, danh tướng Nguyễn Kim lập được công to: giúp nhà Lê đánh nhà Mạc, lấy được đất Thanh Hóa, Nghệ An. Sau ra đánh quân Mạc ở Sơn Nam, ông bị hàng tướng nhà Mạc đầu độc chết, binh quyền giao cả lại cho con rể là Trịnh Kiểm.

Nguyễn Kim có hai người con là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng cùng làm tướng dưới quyền Trịnh Kiểm, đều lập được nhiều công trạng với nhà Lê. Trịnh Kiểm sợ quyền hành rơi vào tay họ Nguyễn, bèn kiếm chuyện giết Nguyễn Uông. Còn Nguyễn Hoàng, ông có ý sợ Trịnh Kiểm hại nốt, liền bí mật cho người tìm về tỉnh Đông tìm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để hỏi kế sách dung thân. Người đó hỏi mãi, chẳng thấy Trạng nói gì... Chỉ thấy ông đi đi lại lại ngắm hòn non bộ và lẩm nhẩm: “Hoành Sơn nhất đái. Vạn đại dung thân”. Người ấy đem chuyện về thưa lại với Nguyễn Hoàng. Là một nhà quân sự, Nguyễn Hoàng hiểu ngay Trạng Trình nhắn bảo ông rằng: “Một dãy Hoành Sơn hiểm trở kia có thể yên thân được muôn đời”. Nguyễn Hoảng liền xin vua Lê cho vào trấn thủ xứ Thuận Hóa. Trịnh Kiểm thấy em vợ mình xin vào trấn thủ chốn thường xuyên có giặc giã, không có ý nghi ngờ gì. Và từ đấy, nhờ địa linh của dải Hoành Sơn, xứ Thuận Hóa mà Nguyễn Hoàng dựng nên nghiệp chúa.

Xứ Thuận Hóa xưa, nay thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình và Trị Thiên-Huế. Đại bộ phận địa hình của khu vực này là vùng rừng núi với nhiều dãy núi có cùng hướng tây bắc - đông nam chạy song song và nằm so le với nhau, che kín cả chân trời biên giới phía tây với các đỉnh núi cao ở dọc biên giới xen kẽ với các đèo thấp, như các đèo Kéo Nứa, Mụ Giạ, Lao Bảo... tạo điều kiện mở các đường vượt Trường Sơn nối liền hai nước Việt-Lào. ở khu vực này, có hai nhánh núi đâm ngang chạy ra sát biển là dãy Hoành Sơn với đỉnh cao nhất (1044m) ngăn cắt hai dải đồng bằng hẹp ven biển Nghệ –Tĩnh và Bình-Trị-Thiên và dãy Bạch Mã với đỉnh cao nhất (1221m) tạo nên ranh giới tự nhiên của vùng này với vùng phía nam và khiến cho đường quốc lộ số 1 nối liền Bắc-Nam chạy qua khu vực phải vượt qua (nay xuyên qua) hai đèo cao là đèo Ngang và đèo Hải Vân.. Dãy núi Trường Sơn có cấu tạo bất đối xứng: sườn đông bên phía nước ta hẹp, khá dốc; còn sườn tây ở phía Lào rộng và thoải dần về phía thung lũng sông Mê Công .

Theo thời gian của tiến trình lịch sử, Thuận Hóa xưa là chốn biên thùy (tiền tuyến chiến đấu) và là nơi “phên dậu” (hậu phương, căn cứ địa) của các triều vua, chúa phong kiến; là căn cứ địa và là nơi xuất phát của các cuộc khởi nghiã và chiến tranh giải phóng đất nước của nhân dân Việt Nam.

Sau cách mạng Tháng 8-1945 thắng lợi, nhân dân ta bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Xuất phát từ yêu cầu tổ chức, bố trí thế trận chiến lược trên chiến trường toàn quốc, Trung ương Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tổ chức các chiến khu quân sự. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên được tổ chức thành Khu 4, và được gọi với những tên khác nhau: Chiến khu 4, Khu 4, Liên khu 4. Trong chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược, Bình –Trị –Thiên là tiền tuyến (“Bình –Trị –Thiên khói lửa”), còn Thanh-Nghệ-Tĩnh là hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Khu 4 được tổ chức lại thành chiến trường: khu vực Vĩnh Linh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An thuộc Quân khu 4; Thanh Hóa thuộc Quân khu 3; Quảng Trị vào Thừa Thiên-Huế thuộc Quân khu 5 (1954-1965), từ năm 1966 đến 1975 thành lập Quân khu Trị Thiên. Cuộc kháng chiến chống Mỹ thành công, nước nhà hoàn toàn độc lập và thống nhất, Quân khu 4 được thống nhất lại gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế.

Những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” của các miền đất: Thanh Hoa, Hoan-Diễn, Thuận Hóa xưa, nay được gộp lại khiến cho Quân khu 4 trở thành một địa bàn chiến lược “tiến có thể công, lùi có thể giữ”... Ra phía bắc nối với vùng đồng bằng Bắc Bộ qua 4 cửa ngõ: Thạch Yên đi Vụ Bản, Kim Tân đi Rịa, Dốc Xây đi Đồng Giao, Nga Sơn đi Phát Diệm; nối liền với Quân khu 2 qua đường 15A: Vạn Mai đi Mộc Châu, Hòa Bình. Ở phía nam nối với Quân khu 5 bởi hai cửa ngõ: đường 1A và đường sắt vượt (nay xuyên) đèo Hải Vân; đường Hồ Chí Minh từ Bù Lạch qua Khâm Đức vào Tây Nguyên. Phía Tây có dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng có biên giới với 6 tỉnh phía đông nước Lào tạo nên một địa bàn chiến lược quan trọng và đồng thời là cầu nối, nảy sinh từ rất sớm mối đoàn kết liên minh chiến đấu Việt –Lào.

Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Quân khu 4 quyết tâm xây dựng địa bàn quân khu giàu về kinh tế, vững mạnh về QP-AN, phát triển về văn hóa-xã hội. Đặc biệt, xây dựng các tỉnh, huyện trong quân khu thành khu vực phòng thủ vững chắc, sẵn sàng cùng cả nước đánh bại chiến tranh xâm lược của kẻ thù, nếu chúng liều lĩnh tiến hành.
Thế Vỵ