Lung linh sắc màu văn hóa
Đường dẫn vào trung tâm Ngày hội văn hóa hữu nghị “Sắc màu ASEAN” năm 2024 lung linh, huyền ảo. Ánh sáng từ đèn lồng chiếu xuống làm nổi bật những tác phẩm tranh, ảnh độc đáo được đặt ở hai bên đường. Tôi dừng lại trước bức tranh đoạt giải đặc biệt Cuộc thi vẽ tranh quốc tế "Em yêu Hà Nội-Thành phố vì hòa bình". Đây là tác phẩm được ban giám khảo đánh giá cao bởi gam màu đẹp, lối vẽ hiện đại, nhưng vẫn giới thiệu đầy đủ nét truyền thống của một Thủ đô ngàn năm văn hiến-thành phố vì hòa bình, với hình ảnh trẻ em vui múa lân sư, chim bồ câu, tháp rùa... Thật bất ngờ khi tác giả của bức tranh này là họa sĩ nhí 11 tuổi Devanka Morritz, người Indonesia.
Đối diện các bức tranh thiếu nhi Việt Nam và quốc tế vẽ về Hà Nội là những bức ảnh giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của các quốc gia ASEAN. Tôi như được trải nghiệm chuyến du lịch miễn phí, với những hình ảnh ấn tượng, như: Patuxay-Cổng chiến thắng (Lào); cung điện Hoàng gia Campuchia; di sản văn hóa thế giới Angkor Wat (Campuchia); tượng phật Maravijaya (Myanmar); điệu múa truyền thống Sarawak (Malaysia); nghệ thuật múa rối bóng (Indonesia); lễ hội vật cầu bùn Bắc Giang (Việt Nam)... Điểm nhấn của ngày hội là hệ thống các gian hàng được bố trí ý nghĩa, gồm: 57 gian hàng “hội nhập” tượng trưng cho 57 năm thành lập ASEAN; 70 gian hàng “vị phố” tượng trưng cho 70 năm giải phóng Thủ đô và 79 gian hàng “hương làng” tượng trưng cho 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
|
|
Trình diễn trang phục truyền thống các nước ASEAN. Ảnh: TUẤN VIỆT
|
Trong không gian linh thiêng của di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, bà Latana Siharaj, Phó đại sứ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam diện bộ trang phục truyền thống của người Lào. Bà Latana Siharaj vui vẻ đề nghị tôi gọi bà là Ngọc-tên tiếng Việt của bà tại Việt Nam, rồi mời tôi thưởng thức món xôi ăn kèm thịt bò khô đặc trưng của người Lào và chia sẻ về họa tiết trên trang phục của mình. Đó là bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Lào trong ngày trọng đại được dệt thủ công, có họa tiết hình rắn thần Naga-hoa văn vừa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tham dự Ngày hội văn hóa hữu nghị “Sắc màu ASEAN” năm 2024, Đại sứ quán nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam huy động hàng chục cán bộ, nhân viên, cùng các lưu học sinh đang học tập tại Việt Nam tham dự. Bà Latana Siharaj cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị trong vòng một tháng. Dù khối lượng công việc nhiều nhưng mọi người đều phấn khởi, mong muốn giới thiệu hình ảnh đất nước và người dân Lào đến bạn bè quốc tế. Năm nay, chúng tôi mời được một doanh nghiệp tơ tằm từ Lào sang Việt Nam giới thiệu, quảng bá những sản phẩm thủ công từ lụa; giới thiệu các điệu múa truyền thống, những món ăn đặc trưng của người Lào”.
Với mong muốn quảng bá nghề truyền thống, các nghệ nhân làng nghề thêu ren truyền thống ở xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) giới thiệu những sản phẩm thêu tay, như: Ví, khăn trải bàn, ga giường, vỏ gối... Anh Nguyễn Tiến Tùng, đại diện gian hàng làng nghề thêu ren truyền thống Thanh Hà tại ngày hội cho biết: “Chúng tôi đang tìm hướng mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm thêu tay truyền thống sang các nước ASEAN để giúp người dân trong làng có thêm nguồn thu ổn định, tiếp tục nuôi dưỡng đam mê với nghề truyền thống của cha ông”.
Vì cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh
Ngày hội văn hóa hữu nghị “Sắc màu ASEAN” năm 2024 do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội phối hợp với Đại sứ quán nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam và Đại sứ quán các nước ASEAN tại Việt Nam tổ chức. Bên cạnh những không gian văn hóa ấn tượng, ngày hội mang đến những tiết mục nghệ thuật truyền thống được chính các cán bộ, nhân viên đại sứ quán cùng các lưu học sinh thực hiện.
Đến với ngày hội, nhân dân và du khách được đắm chìm trong điệu múa “gáo dừa” của Campuchia, tiết mục đàn mandolin của Myanmar hay điệu múa “Nàng Chăn-xu-đa” của lưu học sinh Lào tại Việt Nam. Ngoài ra, Triển lãm tranh “Sắc màu văn hóa ASEAN” và tiết mục trình diễn trang phục truyền thống dân tộc các nước ASEAN mang đến một cái nhìn tổng thể cho du khách về truyền thống và bản sắc văn hóa mỗi quốc gia.
Thay mặt Ban tổ chức Ngày hội văn hóa hữu nghị “Sắc màu ASEAN” năm 2024, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, hợp tác hữu nghị và liên kết khu vực trong khuôn khổ ASEAN luôn là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam. Việt Nam sẽ làm hết sức mình để góp phần xây dựng ASEAN ngày càng gắn kết và vững mạnh hơn, đưa quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước thành viên trên bình diện song phương và đa phương ngày càng bền chặt và hiệu quả. Ngày hội văn hóa hữu nghị “Sắc màu ASEAN” chính là cơ hội để bạn bè quốc tế đang công tác tại Việt Nam cũng như du khách có dịp gặp gỡ, giao lưu hữu nghị với nhân dân Thủ đô.
Nhấn mạnh đóng góp tích cực của Việt Nam vào việc định hình tương lai của ASEAN, bà Khamphao Ernthavanh, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam khẳng định, năm 2024 không chỉ kỷ niệm 57 năm thành lập ASEAN mà còn là năm có ý nghĩa quan trọng đối với Lào khi vinh dự đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN lần thứ 3. Việt Nam đã truyền động lực cho các thành viên khác trong khối ASEAN bằng chính sự kiên cường, quyết tâm của mình trong việc bảo vệ nền độc lập, tự do đến phát triển kinh tế vào bảo tồn các giá trị, di sản văn hóa. Hà Nội-Thủ đô của Việt Nam và là thành phố vì hòa bình chính là biểu tượng của những giá trị hài hòa, đa dạng và bao trùm, cũng chính là những giá trị cốt lõi của ASEAN.
Trước sự chứng kiến của các cán bộ ngoại giao quốc tế, đông đảo nhân dân Hà Nội và du khách, đại diện đại sứ quán các nước ASEAN tại Việt Nam thể hiện tinh thần hữu nghị bằng hành động bắt tay chéo đoàn kết. Dưới ánh đèn lung linh trong không gian linh thiêng Hoàng thành Thăng Long, những sắc màu văn hóa của các nước ASEAN như quyện lại làm một.
HỮU TRƯỞNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.