Bằng hình ảnh, màu sắc từ các chất liệu sơn mài, sơn dầu và sơn khắc, những tác phẩm trong “Hào khí Thăng Long” của hai họa sĩ lão thành Nguyễn Anh Thường và Vũ Hồng Ngọc đã dẫn dắt người xem đến với nhiều cung bậc cảm xúc. Đó là cảm xúc trước Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" của quân và dân Thủ đô; là những nét vẽ mạnh mẽ thể hiện Chiến thắng Bạch Đằng; là các thiếu nữ hiền hòa, dịu dàng trong không gian xanh mướt cây lá tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám như vườn cổ tích; là những vệt màu dọc ngang mạnh mẽ, những cắt xẻ tạo chuyển động và va đập dữ dội làm toát lên tinh thần, sức mạnh về người anh hùng làng Gióng đánh giặc giữ nước được hun đúc bởi tinh thần bất khuất.
 |
Tác phẩm sơn khắc “Đền Phù Đổng” của họa sĩ Vũ Hồng Ngọc trưng bày tại triển lãm. |
Đặc biệt, sự kết hợp của hai họa sĩ qua bức vẽ “Hào khí Thăng Long” nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội được tạo nên từ các nét, mảng màu với phong cách hiện đại, bố cục tôn lên trên chất liệu sơn mài truyền thống. “Hào khí Thăng Long” còn là những vết cắt, vết cứa của những nỗi đau người dân Việt Nam trong lịch sử đã đổ máu để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc”, nữ họa sĩ Vũ Hồng Ngọc chia sẻ.
Nữ họa sĩ Vũ Hồng Ngọc nói thêm: “Mỗi bức tranh, tôi đều đặt tâm huyết hết mình, thể hiện ý nghĩa mong muốn đất nước, con người Việt Nam luôn được tỏa sáng. Nhớ lại thời kỳ lịch sử của đất nước thể hiện qua tranh, tôi mong muốn thế hệ trẻ sẽ nuôi dưỡng tình yêu đất nước, hiểu biết lịch sử. Tất cả ý nghĩa trong tranh đều ca ngợi hào khí của người Việt Nam, dân tộc Việt Nam”.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến nhận xét về những tác phẩm của họa sĩ Vũ Hồng Ngọc: “Ngôn ngữ sơn mài vàng son lộng lẫy miêu tả ánh sáng là hiệu quả tìm kiếm sáng tạo của nhiều thế hệ họa sĩ, trong đó họa sĩ Vũ Hồng Ngọc đã vượt qua cảm hứng ánh sáng sơn dầu phương Tây để đồng sắc trên những tranh phong cảnh tre làng, đến từng nét khắc tinh xảo nhưng mềm mại trên đường cong tìm kiếm trên chất liệu sơn mài truyền thống Việt Nam, tạo sức lôi cuốn người xem”.
Với các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Anh Thường, PGS, TS Đinh Hồng Hà, Phó tổng thư ký Hiệp hội Ký hiệu học châu Á cho rằng, họa sĩ đã sáng tác và tạo nên các tác phẩm sơn mài khổ lớn và mang dấu ấn của riêng mình. “Tác phẩm thể hiện phong cách của họa sĩ, ông đã gọi các tác phẩm này là "những kiệt tác nghệ thuật của riêng tôi". Với tính cách bình dị, lại muốn tạo ra các tác phẩm rất khác biệt, vượt lên các giới hạn nghệ thuật thông thường, các tác phẩm của nghệ sĩ mang tới người xem nhiều cung bậc cảm xúc”, ông Đinh Hồng Hà nói.
LƯƠNG HIỀN